Ban biên tập: truyenthong.cssb@gmail.com
NỔI BẬT

Chống Buôn lậu và Gian lận thương mại: Công tác phối hợp và Chế tài xử phạt

Những tháng cuối năm, nhu cầu tiêu dùng tăng cao, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, tiêu thụ, hàng giả, hàng nhái trên thị trường thường tăng cao đột biến, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người tiêu dùng; thất thu cho ngân sách Nhà nước.

Theo báo cáo Tổng Cục Hải quan, số vụ chống buôn lậu qua biên giới đến nay giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, buôn lậu hàng giả ở trong nước vẫn diễn ra rất phức tạp.

Chia sẻ tại Toạ đàm “Chống buôn lậu và gian lận thương mại: công tác phối hợp và chế tài xử lý” do tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều nay (29/11), Ông Bùi Văn Hoàn - Cục phó Cục Điều tra Chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho biết: một số doanh nghiệp lợi dụng chính sách ưu đãi và thông thoáng của Chính phủ, nhất là trong giai đoạn sau dịch COVID-19 đi sâu và len lỏi vào nội địa với nhiều thủ đoạn mới.

Đối với hàng hoá xuất nhập khẩu, nhập hàng hoá giấu tên qua đường chuyển phát nhanh, đường hàng không; nhập nguyên liệu kinh doanh sản xuất và chuyển tiêu thụ nội địa, gây thất thu thuế nhà nước. Hay tình trạng nhập gia công, thay thế nhãn mác, làm giả xuất xứ rồi xuất đi nước thứ 3 ảnh hưởng đến thương hiệu Việt và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Đối mặt với tình trạng này, các doanh nghiệp làm ăn chân chính gặp nhiều khó khăn, thậm chí dẫn đến phá sản.

Đến nay, Cục Điều tra chống buôn lậu đã bắt và xử lý 14.700 vụ vi phạm, tổng trị giá là hơn 5.100 tỷ, xử phạt và nộp ngân sách nhà nước 334 tỷ đồng, khởi tố 36 vụ, chuyển cơ quan khác khởi tố là 112 vụ.

Đánh giá kết quả thực hiện, từ đầu năm 2022, Tổng Cục Hải quan thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Cục Điều tra chống buôn lậu triển khai nhiệm vụ đấu tranh chống hàng giả, gian lận thương mại trước và sau Tết Nguyên đán. Hiện nay, Cục Điều tra chống buôn lậu đã triển khai kịp thời Công điện 671 của Chính phủ tới Cục Hải quan các địa phương, các phòng ban, trong đó Cục Điều tra chống buôn lậu là nòng cốt để cùng xây dựng kế hoạch, đưa ra những định hướng đấu tranh, ngăn chặn kịp thời các doanh nghiệp lợi dụng chính sách ưu đãi để trục lợi. Tuy nhiên, để làm triệt để, cần có sự phối hợp, chung tay xử lý của các cơ quan chức năng có liên quan.

“Đây là vấn đề rất nhức nhối, trong Quy chế xử lý hàng giả và vi phạm sở hữu trí tuệ theo Nghị định 99 năm 2013 đối với hàng hoá xuất khẩu, cơ quan chức năng phát hiện thì không có chế tài xử lý, chỉ buộc tái xuất. Quy định này gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong quá trình xử lý” - ông Bùi Văn Hoàn nhấn mạnh.

Trong giai đoạn tới, Cục Điều tra chống buôn lậu tiếp tục phối hợp tốt với các cơ quan chức năng thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) thực hiện tốt công tác quản lý xuất nhập khẩu, ngăn chặn hiệu quả tình trạng buôn lậu và vi phạm sở hữu trí tuệ để người dân được tiêu dùng sản phẩm tốt, chất lượng, nhất là trong tháng cuối năm và Tết Nguyên đán sắp tới.

Hồng Như (t/h)