Ban biên tập: truyenthong.cssb@gmail.com
NỔI BẬT

Kênh thương mại điện tử giúp ngành hàng tiêu dùng có tốc độ tăng trưởng gấp 5 lần

Nếu như hơn 80% người dùng internet tại Đông Nam Á mua sắm trực tuyến thì tại Việt Nam có tới 85% người tiêu dùng chi tiêu cho mua sắm trực tuyến kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát.

Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam vừa tổ chức diễn đàn VOBF 2022  tại TP.HCM với chủ đề “Thương mại điện tử thúc đẩy kinh tế sau đại dịch”.

Theo ông Nguyễn Tấn Vương, đại diện NielsenIQ Việt Nam, 2 năm qua, dưới tác động của Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến thị trường bán lẻ. Nếu không có sự phát triển của thương mại điện tử thời gian qua, Việt Nam có thể sẽ mất đến 9 đến 12 tháng mới phục hồi kinh tế sau covid -19. Tuy nhiên sự kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ Việt Nam hiệu quả cùng sự thích ứng nhanh nhạy của thương mại điện tử đã không có ngành bán lẻ nào có thể đi nhanh kịp thương mại điện tử.

Điều này đã giúp doanh nghiệp lấy lại kết quả khả quan khi bị ảnh hưởng bởi Covid -19 trong 2 năm 2020 và 2021.  Tốc độ tăng trưởng của ngành hàng tiêu dùng nhanh của ngành thương mại điện tử có gần 15% gấp 5 lần so với các kênh khác.

Diễn đàn VOBF
Diễn đàn VOBF

Dưới góc nhìn từ nền tảng thương mại điện tử, bà Phạm Thị Quỳnh Trang, Giám đốc Thương mại Lazada Việt Nam cũng cho rằng thương mại điện tử đã thúc đẩy phục hồi kinh tế trong đại dịch Covid -19. Bà Trang cho rằng thương mại điện tử là cầu nối thúc đẩy tốc độ chuyển đổi số, nối liền đứt gãy thị trường và tạo đà cho kinh tế phát triển. Nếu như hơn 80% người dùng internet tại Đông Nam Á mua sắm trực tuyến thì tại Việt Nam có tới 85% người tiêu dùng chi tiêu cho mua sắm trực tuyến kể từ khi dịch bùng phát.

“Thương mại điện tử, kinh doanh online, chuyển đổi số đã chiếm tầm quan trọng hơn trong chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Thương mại điện tử là tầm nhìn phát triển bền vững, đó là hệ sinh thái cam kết phát triển lâu dài ở thị trường Việt Nam nói riêng và thị trường Đông Nam Á nói chung”, bà Trang khẳng định.