Ban biên tập: truyenthong.cssb@gmail.com
NỔI BẬT

Bắc Giang: Cần làm tốt công tác quản lý Nhà nước về đất đai, bảo đảm thông thoáng cho doanh nghiệp và người dân

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương làm việc với Sở TN&MT về kết quả công tác 6 tháng đầu năm, phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm và một số nội dung cần quan tâm.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương chủ trì buổi làm việc. Ảnh: BGP/Dương Thủy
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương chủ trì buổi làm việc. Ảnh: BGP/Dương Thủy

Hoàn thành các nhiệm vụ đúng tiến độ, chất lượng được nâng lên

Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đào Duy Trọng báo cáo, 6 tháng đầu năm Sở đã bám sát các chương trình, kế hoạch, của Bộ TN&MT, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; phối hợp với UBND các huyện, thành phố thực hiện kịp thời việc tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất năm 2021 của 10 huyện, thành phố; phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư lập quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; Xây dựng phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai tỉnh Bắc Giang đến năm 2030, tầm nhìn 2050 báo cáo UBND tỉnh xin ý kiến Bộ TN&MT; tổ chức thẩm định quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021-2030 của các huyện, thành phố;…

Trong 6 tháng đầu năm 2021, Sở đã thẩm định hồ sơ và trình cấp bổ sung tài sản gắn liền với đất cho 105 tổ chức với hơn 1.320 giấy chứng nhận quyền sử dụng (GCNQSD) đất; tiếp nhận và giải quyết hơn 43.980 hồ sơ liên quan đến Giấy chứng nhận của hộ gia đình, cá nhân; tham mưu UBND tỉnh giải quyết hồ sơ giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất. Ngoài ra, hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai trên địa bàn đã thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm cho hơn 19.570 trường hợp. Tiếp nhận và giải quyết 92 hồ sơ giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất. Thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt giá đất tính tiền thuê đất đối với 22 dự án; giá đất tính thu tiền sử dụng đất đối với 11 dự án Khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn tỉnh. Đã thực hiện được 200/209 khối lượng đo đạt bản đồ địa chính đơn vị hành chính cấp xã, khối lượng 351.410,12 ha, đạt 90,5% diện tích tự nhiên của tỉnh…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ô Pích phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: BGP/Dương Thủy.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ô Pích phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: BGP/Dương Thủy.

Công tác khắc phục, cải thiện ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm thực hiện. Đến nay, đã có 22/23 cơ sở được chứng nhận hoàn thành xử lý triệt để, đạt tỷ lệ 95,6%; thẩm định 89 hồ sơ đánh giá tác động môi trường; kiểm tra, xác nhận việc thực hiện công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án đối với 19 hồ sơ; thu phí bảo vệ môi trường đối với 35 cơ sở, với tổng số tiền 2,343 tỷ đồng, đạt 167,4% so với kế hoạch 6 tháng đầu năm và đạt 78,1% kế hoạch năm 2021. Đã tiếp nhận 104 đơn, đã xử lý, giải quyết, tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh giải quyết 91/104 đơn. Công bố kịp thời, đầy đủ, công khai các thủ tục hành chính trên trang thông tin điện tử của Sở các quy định về trình tự, thẩm quyền, thành phần hồ sơ, phí, lệ phí, thời hạn giải quyết thủ tục hành chính trong 7 lĩnh vực: Đất đai, Môi trường, Đo đạt bản đồ, Khoáng sản, Tài nguyên nước, Khí tượng thủy văn, Khai thác dữ liệu tài nguyên môi trường để người dân, doanh nghiệp biết và thực hiện. Đã giải quyết và trả đúng hạn 414/508 hồ sơ tiếp nhận tại Bộ phận Một cửa Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; tiếp nhận và giải quyết 63.946 hồ sơ thủ tục hành chính qua Hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh và chi nhánh 10 huyện, thành phố, các hồ sơ đều được giải quyết đúng quy định, trả đúng thời hạn.

Nhờ thực hiện quyết liệt các biện pháp, đến nay Sở đã hoàn thành một số nhiệm vụ quan trọng như: Tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy định về quản lý nhà nước đối với chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh; giải quyết tốt, kịp thời vấn đề nổi cộm như xả thải tại các khu, cụm công nghiệp, tình trạng ô nhiễm môi trường tại các địa bàn giáp ranh, rác thải nông thôn; đất dịch vụ; thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp. Cùng với đó, Sở đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản hướng dẫn cụ thể trong công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải phát sinh, nhất là rác thải tại các khu cách ly tập trung, khu phong tỏa, cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương phát biểu kết luận buổi làm việc. Ảnh: BGP/Dương Thủy.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương phát biểu kết luận buổi làm việc. Ảnh: BGP/Dương Thủy.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về một số tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường. Trong đó, công tác kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; xử lý chất thải trái phép, xả thải gây ô nhiễm môi trường; công tác quản lý các khu vực khoáng sản chưa khai thác của chính quyền địa phương còn hạn chế; việc cấp phép khai thác công suất nhỏ nhưng thời gian khai thác dài, dễ dẫn đến tình trạng lợi dụng khai thác vượt công suất, khó kiểm soát; việc lấy ý kiến nhân dân dân nơi cấp phép hoạt động thăm dò, khoáng sản ở một số địa phương còn chậm, lúng túng khiến doanh nghiệp gặp khó khăn; tiến độ lắp trạm cân, camera tại mỏ khai thác khoáng sản còn chậm;... công tác quản lý đất đai, việc cấp GCNQSD đất và tài sản khác gắn liền với đất theo bản đồ địa chính không thực hiện triệt để; công tác thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ GPMB của các dự án đầu tư có nguồn vốn từ ngân sách nhà nước chậm; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành của Sở TN&MT đạt không cao, Sở cần quan tâm tăng cường phân cấp ủy quyền, cải cách thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ô Pích cho rằng để hoàn thành các nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021, Sở TN&MT cần tiếp tục đổi mới, cải tiến phong cách làm việc, phương thức chỉ đạo điều hành bằng những việc làm cụ thể, có tính đột phá để đạt được hiệu quả thực chất. Đồng thời, đề nghị Sở TN&MT sớm tham mưu ban hành danh mục các dự án, công trình cần thu hồi đất. Rà soát, đánh giá rõ về công tác đo đạc bản đồ địa chính gắn với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nâng cao chất lượng tham mưu và xử lý công việc của ngành đảm bảo thời gian và chất lượng công việc thời gian tới. Về đền bù giải phóng mặt bằng, ngành cần thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt hơn để hoàn thành tiến độ; đánh giá nguyên nhân tiến độ các dự án, có giải pháp cụ thể để đưa ra hướng tháo gỡ đẩy nhanh tiến độ. Ngành cần yêu cầu các huyện đánh giá chi tiết cụ thể về xây dựng các lò đốt rác đảm bảo phù hợp với thực tế và các năm tiếp theo.

Thiết lập lại kỷ cương trong công tác đo đạc bản đồ, số hóa dữ liệu đất đai

Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương ghi nhận kết quả ngành TN&MT đã đạt được thời gian qua. Đồng thời, khẳng định ngành TN&MT là ngành quan trọng, liên quan đến tất cả các lĩnh vực KT-XH của tỉnh.

Thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương yêu cầu Sở TN&MT cần tiếp tục làm tốt công tác quản lý Nhà nước về đất đai, bảo đảm thông thoáng cho doanh nghiệp và người dân theo quy định của pháp luật; tạo chuyển biến trong lĩnh vực quản lý nhà nước về môi trường, tránh gây phiền hà cho doanh nghiệp. Rà soát, phân loại doanh nghiệp theo nhóm nguy cơ ô nhiễm theo bảng màu xanh, vàng, đỏ để có giải pháp kiểm tra trọng tâm, trọng điểm đối với tổ chức có nguồn thải lớn, nguy cơ ô nhiễm cao, từ đó kịp thời có giải pháp xử lý vi phạm. Tạo chuyển biến rõ nét về cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực đất đai, môi trường, khoáng sản, tạo sự hài lòng cho doanh nghiệp, người dân; giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo bảo đảm đúng trình tự.

Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, đo đạc bản đồ địa chính là cơ sở để cấp GCNQSD đất, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về đất đai, đồng thời là căn cứ thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án do đó Sở TN&MT khẩn trương thiết lập lại kỷ cương trong công tác đo đạc bản đồ, số hóa dữ liệu đất đai.

Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở sớm xây dựng hoàn thành Kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2021-2025. Tiếp tục tổ chức thực hiện tốt công tác giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Rà soát tất cả các lĩnh vực thuộc ngành quản lý để đề xuất tỉnh phân cấp, phân quyền. Sở nghiên cứu ủy quyền cho các đơn vị trực thuộc theo chức năng để giải quyết công việc thông thoáng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân.

Cung với đó, làm tốt hơn công tác tham mưu cho UBND tỉnh về công tác bồi thường GPMB, quản lý hoạt động khai thác khoáng sản, đất đai. Đối với các nhiệm vụ khó cần cụ thể hóa thành quy trình theo từng bước để giải quyết như: Việc xử lý vi phạm đất đai theo Chỉ thị số 19, đo đạc bản đồ địa chính Sở cần phân loại các trường hợp vi phạm về đất đai còn tồn tại để tham mưu tỉnh có biện pháp giải quyết. Tham mưu triển khai thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch; tiếp tục tăng cường phối hợp nâng cao công tác thẩm định hồ sơ cấp phép hoạt động khoáng sản, nhất là trong việc lựa chọn các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản bảo đảm có năng lực về kỹ thuật, tài chính. Phối hợp với các ngành và UBND các huyện xử lý kịp thời tình trạng khai thác khoáng sản trái phép và các đơn vị được cấp phép vi phạm./.