Ban biên tập: truyenthong.cssb@gmail.com
NỔI BẬT

Bất động sản nghỉ dưỡng tìm cơ hội trong khó khăn

Dù chưa thực sự sôi động như thời hoàng kim, nhưng thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam vẫn được đánh giá là có tiềm năng.

 

bất động sản nghỉ dưỡng là phân khúc phục hồi nhanh nhờ du lịch phát triển
Bất động sản nghỉ dưỡng là phân khúc phục hồi nhanh nhờ du lịch phát triển

Cú hích từ du lịch

Chia sẻ tại Hội thảo “Cộng hưởng sức mạnh đầu tư vì một Việt Nam thịnh vượng”, do Báo Đầu tư vừa tổ chức, ông  Steven Wolstenholme, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An - Hoiana Resort & Golf cho rằng, “đất nước hình chữ S” có ưu đãi rất lớn về thiên nhiên, nổi bật là đường bờ biển trải dài hơn 3.200 km, nhiều vùng biển đảo đẹp còn hoang sơ, quyến rũ, cùng khí hậu nhiệt đới có thể khai thác du lịch quanh năm. Ngoài ra, nền văn hóa đa dạng, phong phú của Việt Nam, cùng con người thân thiện, hiếu khách cũng là một nguồn tài nguyên quý giá. 

Cũng theo ông Steven Wolstenholme, du lịch Việt Nam còn rất nhiều dư địa để phát triển. Ngoài việc bảo tồn và phát huy những lợi thế có sẵn của địa phương, các nhà đầu tư nước ngoài, với lợi thế về nguồn vốn, kinh nghiệm quản trị, thương hiệu và nguồn khách quốc tế có sẵn, có thể tạo ra một hệ sinh thái với đa dạng dịch vụ, sản phẩm du lịch. Một số sản phẩm tiềm năng có thể kể đến như du lịch mạo hiểm, du lịch y tế, du lịch golf...

Thị trường bất động sản nói chung, bất động sản nghỉ dưỡng nói riêng vẫn chưa thực sự được cởi trói, mà nguyên nhân đến từ việc thiếu một bộ quy trình chuẩn để các bên tuân thủ và làm theo.

“Trong năm 2019, Việt Nam được đánh giá là một trong 10 quốc gia có mức tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới, với tổng thu từ du lịch đạt khoảng 755.000 tỷ đồng, chiếm gần 10% GDP. Tôi cho rằng, con số này còn khiêm tốn so với tiềm năng của ngành kinh tế xanh”, ông Steven Wolstenholme nhận xét.

Ghi nhận thực tế cho thấy, sau một năm kể từ ngày chính thức mở cửa (từ 15/3/2022), thị trường đã liên tiếp ghi nhận những tín hiệu tích cực. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, quý I/2023, tăng trưởng GDP có sự giảm tốc, chỉ đạt 3,32% so với cùng kỳ năm trước, song khu vực dịch vụ lại thể hiện rõ sự phục hồi với mức tăng 6,79%.

Hòa chung với bức tranh phục hồi của khu vực dịch vụ, Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của Tổng cục Thống kê cho thấy, doanh thu lữ hành 4 tháng đầu năm 2023 trên toàn quốc ước đạt 9.100 tỷ đồng, gấp gần 2,1 lần cùng kỳ năm trước.

Khách quốc tế đến Việt Nam khoảng hơn 3.683.700 lượt, đạt gần 50% mục tiêu cả năm, gấp 19,2 lần cùng kỳ năm 2022, nhưng mới chỉ bằng 61,7% so với cùng kỳ năm 2019 - thời điểm trước đại dịch. Khách du lịch quốc tế tới Việt Nam chủ yếu từ thị trường Hàn Quốc (với 259.357 lượt khách trong tháng 4 và hơn 1 triệu lượt khách trong 4 tháng đầu năm), tiếp theo là Mỹ, Thái Lan...

Đặc biệt, lượng khách Trung Quốc trong tháng 4 cũng chứng kiến mức tăng ấn tượng với 111.903 lượt, gần gấp đôi lượng khách đến trong tháng 3. Tính chung 4 tháng đầu năm, thị trường ghi nhận 252.136 lượt khách Trung Quốc tới Việt Nam.

Theo phân tích của các chuyên gia, ngành du lịch, nghỉ dưỡng vẫn luôn là một trong những thế mạnh của Việt Nam, với lợi thế về điều kiện tự nhiên quy tụ nhiều danh thắng và đường bờ biển dài. Vì vậy, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng đang được hưởng lợi từ sức nóng của du lịch.

Vẫn ngóng gỡ thủ tục

Trong báo cáo thị trường mới đây, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội nhận định, nhờ lợi thế tự nhiên cũng như kinh tế đang phát triển, Việt Nam được biết đến như một điểm đến cho du lịch nghỉ dưỡng, đặc biệt là du lịch công tác.

Không chỉ vậy, Việt Nam là một trong những điểm sáng thu hút đầu tư nước ngoài. Làn sóng đầu tư đổ vào Việt Nam được kỳ vọng sẽ tạo ra nguồn cầu lớn cho ngành khách sạn từ các hoạt động công tác của đội ngũ chuyên gia, lao động người nước ngoài.

Tuy nhiên, nút thắt lớn nhất đối với phân khúc này là về pháp lý và vốn. Dù đã được nhận diện và tập trung tháo gỡ, nhưng các chủ đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng vẫn đang chờ được hướng dẫn một bộ quy trình chuẩn để các bên tuân thủ và làm theo.

Đến nay, Chính phủ đã ban hành 4 quyết sách quan trọng để tháo gỡ vướng mắc cho thị trường bất động sản, gồm: Nghị định 08/2023/NĐ-CP gỡ khó cho thị trường trái phiếu; Nghị quyết số 33/NQ-CP về các giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; Quyết định số 338/QĐ-TTg về việc đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội và Nghị định 10/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đất đai, trong đó có đề cập đến việc cấp chứng nhận sở hữu cho một số loại hình bất động sản như condotel, officetel…

Ngoài ra, một loạt động thái khác như sửa Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Đầu tư… cũng đang được tiến hành, Tổ công tác gỡ khó cho thị trường cũng đã được thành lập.

Nhiều thành viên thị trường thẳng thắn chia sẻ, chưa bao giờ bất động sản được Chính phủ quan tâm sát sao như hiện tại. Song, thị trường vẫn chưa thực sự được cởi trói, mà nguyên nhân đến từ việc thiếu một bộ “hướng dẫn sử dụng”, một bộ quy trình chuẩn để các bên tuân thủ và làm theo.

Từ góc nhìn của người làm chính sách, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, thủ tục chưa phù hợp là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đình trệ của thị trường bất động sản. Do đó, đòi hỏi thực tiễn là các quy trình phải được đơn giản hóa, nhất là với các thủ tục trùng lặp, chồng chéo.

Theo ông Hiếu, Chính phủ đang sửa Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản, nên cần nhiều thời gian, vì vậy, có thể bổ sung các quy định để gia tăng cơ hội cho thị trường. Trong đó, việc bổ sung, sửa đổi luật theo hướng, nếu vướng thông tư thì sửa thông tư, một nghị định sửa nhiều nghị định, một luật sửa nhiều luật và một nghị định hướng dẫn thi hành nhiều sắc luật có liên quan là hướng giải quyết phù hợp nhất lúc này.