Ban biên tập: truyenthong.cssb@gmail.com
NỔI BẬT

Thị trường bán lẻ sôi động sau đại dịch

Nửa đầu năm 2022, thị trường bán lẻ Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng của quý trước, dần vượt qua ảnh hưởng nặng nề của làn sóng Covid-19 thứ 4.

Thị trường bán lẻ quý II/2022 chứng kiến hoạt động mở rộng sôi nổi của các nhà bán lẻ ở cả hai thành phố Hà Nội và TP.HCM. 

Tại Hà Nội, một số tên tuổi lớn như Muji, Beauty Box, Lyn,… đã khai trương cửa hàng mới tại các trung tâm thương mại AEON Mall Hà Đông và các trung tâm thương mại của Vincom. Thị trường cũng đón nhận thêm sự gia nhập của thương hiệu mới như Benjamin Barker.

Tại TP.HCM, trong quý cũng chào đón sự gia nhập mới và hoạt động mở rộng của các thương hiệu, đặc biệt là sự xuất hiện của một số thương hiệu quốc tế ngành thời trang, thể thao, dịch vụ ăn uống. Số liệu của CBRE ghi nhận khoảng 40% số thương hiệu mở cửa hàng mới trong quý II/2022 tại Crescent Mall Quận 7, nổi bật là Hermès Beauty và Som Tum Thai, Skechers. Đáng chú ý, Guerlain Ultimate Boutique cũng đã khai trương cửa hàng đầu tiên tại Đông Nam Á vào tháng 6 năm nay. 

Những cái tên đáng chú ý khác trên thị trường bán lẻ có thể kể đến là Digibox với đại lý ủy quyền đầu tiên của Apple tại Việt Nam tại Estella Place Quận 2 và Baccarat tại Khách sạn Sheraton Sài Gòn, quận 1. Ngoài ra, sắp tới thị trường sẽ chào đón thêm nhiều thương hiệu quốc tế thuộc các lĩnh vực thời trang, F&B, nội thất…

Thị trường bán lẻ sôi động sau đại dịch

Dự kiến vào nửa cuối năm năm 2022, Hà Nội kỳ vọng sẽ có thêm 19.000m2 mặt bằng bán lẻ từ hai dự án The Zei ở quận Từ Liêm, Hinode City ở quận Hai Bà Trưng và hơn 300.000m2 từ nhiều dự án trung tâm thương mại lớn khác dự kiến đi vào hoạt động trong giai đoạn tới năm 2024. 

Phần lớn các dự án này tập trung tại khu vực ngoài trung tâm. Hai dự án có quy mô lớn là Lotte Mall Hà Nội và Aeon Mall Hoàng Mai dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2023-2024. Trong đó dự án Aeon Mall Hoàng Mai đã gần xong phần giải phóng mặt bằng.

Về nguồn cung, TP.HCM dự kiến sẽ đón thêm một nguồn cung mới vào cuối năm nay với 35.000m2 từ trung tâm thương mại Thiso (trước đây là Socar Mall), và 230.000m2 trong 2 năm tiếp theo.

Các trung tâm mua sắm ở các khu vực trung tâm đã chứng kiến lượng khách hàng quay trở lại mua sắm như mức trước đại dịch và giá thuê tại khu vực trung tâm đang đạt mức cao mới. Tuy nhiên, các trung tâm thương mại ngoài trung tâm sẽ cần thời gian lâu hơn để phục hồi về mức trước đại dịch.

Bên cạnh sự sôi động của thị trường, nhận xét về tình hình hoạt động của thị trường bán lẻ trong 6 tháng đầu năm 2022, bà Thanh Phạm, Phó giám đốc bộ phận nghiên cứu và tư vấn, CBRE Việt Nam cho biết, nhu cầu thuê mặt bằng bán lẻ đang tăng mạnh. Các trung tâm thương mại đã bắt đầu làm mới cơ cấu khách thuê của mình để nâng cấp trải nghiệm mua sắm cho khách hàng.

Một năm chật vật kinh doanh mặt bằng bán lẻ

Cụ thể, giá thuê tại cả khu vực trung tâm và ngoài trung tâm tại cả Hà Nội và TP.HCM đều tăng trưởng đáng kể trong 6 tháng đầu năm 2022. Tại Hà Nội, dấu hiệu phục hồi được thể hiện rõ rệt khi giá chào thuê ở khu vực trung tâm tăng đáng kể, đạt 132 USD/m2/tháng, tăng 27% theo năm và đạt 25 USD/m2/tháng ở khu vực ngoài trung tâm, tăng 3,7% theo năm. 

Tại TP.HCM, giá chào thuê trung bình tại tầng trệt của các trung tâm mua sắm ở khu vực trung tâm đạt mức đỉnh mới tại 206 USD/m2/tháng, tăng khoảng 50% theo năm, gấp hơn 7,5 lần so với giá thuê ở khu vực ngoài trung tâm (27 USD/m2/tháng) (giá thuê chưa bao gồm VAT và phí dịch vụ). Đáng chú ý, giá thuê tại một số địa điểm đắc địa ở khu vực trung tâm thậm chí được ghi nhận lên tới 250-350USD/m2/tháng.

Về tỷ lệ trống, khu vực trung tâm và ngoài trung tâm tại Hà Nội và TP.HCM ghi nhận tỷ lệ trống không đồng đều. Tại khu vực trung tâm Hà Nội, tỷ lệ trống giảm còn 9,9%, giảm 1,2 đpt so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi tỷ lệ trống ở khu vực ngoài trung tâm là gần 16%. 

TP.HCM cũng có tỷ lệ lấp đầy tại khu vực trung tâm được cải thiện ở mức gần 96%. Trong khi đó, khu vực ngoài trung tâm TP.HCM còn trống hơn 12%. Thu nhập của nhà bán lẻ bị cản trở bởi sự gia tăng về giá cả của các sản phẩm, cũng như các vấn đề về chuỗi cung ứng.

Nguyên nhân của sự sôi động trên thị trường bán lẻ được CBRE lý giải là do hoạt động bán lẻ hàng hoá đã trở lại đà tăng trưởng. Theo Tổng cục Thống kê, tổng 6 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 2.717 nghìn tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2022 có quy mô và tốc độ tăng trưởng lớn hơn so với cùng kỳ 5 năm trở lại đây. 

Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống 6 tháng đầu năm 2022 tăng giá mạnh 20,9% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu giải trí và du lịch vào mùa hè tăng cao. Doanh thu tháng 6/2022 của ngành này tăng mạnh ở mức 80% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh đó, nguồn cung mặt bằng bán lẻ hiện tại của thị trường còn khá hạn chế. Tại Hà Nội, tổng nguồn cung lũy kế tính đến nửa đầu năm 2022 là hơn 1 triệu m2. Tháng 4/2022, sau 5 quý liên tiếp không ghi nhận nguồn cung mới, thị trường chào đón Vincom Mega Mall Smart City tại phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm. Trong khi đó, tại TP. HCM chưa ghi nhận nguồn cung mới và tổng nguồn cung hiện tại đạt gần 1,1 triệu m2.

Về triển vọng thị trường trong thời gian tới, bà Thanh Phạm, Phó giám đốc bộ phận nghiên cứu và tư vấn, CBRE Việt Nam chia sẻ rằng, với nhu cầu thuê tại các vị trí đắc địa tiếp tục được duy trì, các gian hàng cho thuê ở khu vực trung tâm thành phố và dọc các tuyến phố chính sẽ được săn đón nhiều trong thời gian tới, dẫn đến việc giá thuê ở khu vực này vẫn sẽ tiếp tục trên đà tăng. 

Bên cạnh đó, các cửa hàng truyền thống vẫn và sẽ tiếp tục giữ đà phát triển dựa trên phân tích người tiêu dung, tập trung vào việc nâng cấp trải nghiệm người tiêu dùng bằng cách tích hợp các tiện ích tại cửa hàng, tăng khả năng đáp ứng đơn hàng trực tuyến, một xu hướng đã được hình thành khá rõ trong lĩnh vực F&B. 

Nhìn chung, các nhà bán lẻ vẫn bày tỏ sự lạc quan vào tình hình hoạt động kinh doanh năm nay, mặc dù áp lực lạm phát gia tăng đối với nền kinh tế có thể khiến tốc độ phục hồi của thị trường bị ảnh hưởng ít nhiều. 

Về dài hạn, những lo ngại về khó khăn, sức ép lạm phát tiếp tục tăng thời gian tới đối với nền kinh tế trong nước được dự báo sẽ ảnh hưởng đến mảng bán lẻ khi giá nguyên vật liệu, hàng hóa tiêu dùng tăng, ảnh hưởng đến sức tiêu dùng và chỉ số niềm tin người tiêu dùng.