Ban biên tập: truyenthong.cssb@gmail.com
NỔI BẬT

 Hỗ trợ hội viên xã vùng cao phát triển kinh tế

Bản Vược là xã vùng biên của huyện Bát Xát (Lào Cai), cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn. Thế nhưng, nhờ sự hỗ trợ của các cấp Hội phụ nữ, đời sống của hội viên, phụ nữ xã vùng biên đã có nhiều thay đổi.

Cũng như bao người phụ nữ làm nông khác, khi mới lập gia đình vợ chồng chị Trần Thị Ngời (thôn 1, xã Bản Vược, huyện Bát Xát, Lào Cai) chỉ canh tác trên diện tích vài mấy sào ruộng mà bố mẹ chia cho. Ngoài ra, gia đình chị cũng tận dụng những phụ phẩm của sản xuất, sinh hoạt nuôi vài con gà, con lợn để có thêm thu nhập.

Tuy nhiên, chị không bằng lòng với cuộc sống như vậy. Vốn là người chăm chỉ, chịu khó, chị vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm. Khi có chút vốn liếng, vợ chồng chị quyết tâm phát triển kinh tế gia đình, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. 

Qua những kinh nghiệm thực tế và học hỏi nhiều nơi, chị Ngời đã bàn với chồng vay thêm vốn đào ao thả cá, nuôi ốc, kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm. "Khi tôi chia sẻ ý định làm mô hình kinh tế mới, chồng tôi thoáng chần chừ. Bố mẹ hai bên cũng bảo, cần cân nhắc vì một số hộ đã làm nhưng không thành công, đồng thời còn mang những khoản nợ lớn. Tuy nhiên, tôi quyết tâm làm mô hình mới, bởi nếu không thì quanh năm đói nghèo. Thế rồi, cả gia đình tôi cùng ủng hộ", chị Ngời chia sẻ. 

 Hỗ trợ hội viên xã vùng cao phát triển kinh tế - Ảnh 1.

Mô hình nuôi ốc của chị Trần Thị Ngờ

Để nâng cao hiệu quả chăn nuôi, chị không ngừng học tập kinh nghiệm và tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật tại địa phương. "Trong quá trình chăn nuôi, tôi tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm chăm sóc, phòng bệnh cho gia súc, gia cầm trên báo, đài, tivi và từ những hộ chăn nuôi thành công ở địa phương để ứng dụng vào mô hình của gia đình. Ngoài ra, tôi đầu tư xây chuồng nuôi thoáng mát, vệ sinh chuồng sạch sẽ và tiêm thuốc phòng dịch. Nguồn thức ăn cho đàn gia súc chủ yếu là rau, ngô và cây chuối", chị Ngời chia sẻ.

Chị Ngời cũng cho biết, ở nông thôn, con trâu, bò là tài sản lớn với nhiều gia đình. Vì vậy, việc chăm sóc, bảo vệ trâu, bò được gia đình hết sức chú trọng. Để phòng tránh dịch bệnh, chị tiêm phòng định kỳ cho vật nuôi 6 tháng 1 lần. Vào mùa đông, để đàn gia súc không bị đói, rét, chị dùng bạt để chắn gió, giữ ấm cho chuồng, đồng thời dự trữ thức ăn khô. Để cung cấp chất dinh dưỡng đầy đủ cho đàn gia súc, hàng ngày chị cho trâu, bò ăn 3 bữa. Thức ăn chủ yếu là ngô, cỏ voi, bã đậu… Để có nguồn thức ăn cho gia súc tại chỗ, chị trồng hơn 1ha cỏ voi. Sau khi cắt cỏ voi, chị dùng máy nghiền để làm nhỏ, cho trâu, bò ăn trực tiếp. 

 Hỗ trợ hội viên xã vùng cao phát triển kinh tế - Ảnh 2.

Một góc xã vùng cao Bản Vược

Theo chị Ngời, nhờ làm tốt công tác chăm sóc và phòng bệnh, trung bình mỗi năm, gia đình có nguồn thu gần 200 triệu đồng từ chăn nuôi.

Không chỉ chị Ngời, tại xã Bản Vược, nhờ sự hỗ trợ của các cấp Hội phụ nữ, những năm gần đây, nhiều mô hình kinh tế đã thực hiện thành công đã góp phần giúp hội viên phụ nữ thoát nghèo, vươn lên làm giàu, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn xã.

Hội LHPN xã Bản Vược cho biết, xây dựng và nhân rộng các mô hình phụ nữ phát triển kinh tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội.  

 Hỗ trợ hội viên xã vùng cao phát triển kinh tế - Ảnh 3.

Nhà văn hóa ở xã Bản Vược

Hiện nay, Hội LHPN xã Bản Vược có 657 hội viên, sinh hoạt ở 8 Chi hội. Để thu hút chị em tham gia, Hội chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền và đưa ra nhiều giải pháp giúp hội viên phát triển kinh tế; Hội chỉ đạo các Chi hội xây dựng quỹ với số tiền 60 triệu đồng để giúp các chị em trong Chi hội gặp khó khăn vay, để phát triển kinh tế hộ gia đình. 

Ngoài ra, Hội cũng phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bát Xát thực hiện tốt hoạt động ủy thác cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách, vay sản xuất, kinh doanh. Đến tháng 9/2022, tổng vốn vay Ngân hàng do Hội quản lý là 5 tỷ 941 triệu đồng, với 111 hộ vay đầu tư trồng trọt, chăn nuôi... Hội cũng xây dựng thành công 6 mô hình kinh tế hiệu quả trong hội viên phụ nữ, đem lại thu nhập từ 100 đến trên 200 triệu đồng/năm. 

Những hoạt động thiết thực trong hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế đã làm thay đổi cách nghĩ, cách làm, phát huy khả năng sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh của hội viên phụ nữ, từ đó đóng góp tích cực vào mục tiêu giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, cũng như thu hút ngày càng nhiều chị em tham gia vào tổ chức hội.