Ban biên tập: truyenthong.cssb@gmail.com
NỔI BẬT

Kết quả đánh giá Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025 của nhóm chuyên gia độc lập

Nhóm chuyên gia đánh giá phần lớn nhiệm vụ và mục tiêu của Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025 đang được thực hiện đúng tiến độ so với kế hoạch. 3/5 mục tiêu vượt trên 100% so với kế hoạch.

Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025 đã được triển khai 5 năm qua và nhóm chuyên gia độc lập đã có những đánh giá giữa kỳ về những kết quả thực hiện Đề án.

Sau đây là báo cáo kết quả đạt được của nhóm chuyên gia tư vấn: Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Thành Hai, Nguyễn Ngọc Anh:

Mức độ hoàn thành các mục tiêu của đề án:

Mục tiêu đặt ra:

- 90% cán bộ Hội chuyên trách các cấp tham gia triển khai Đề án được nâng cao nhận thức, phương pháp hỗ trợ phụ nữ về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh.

- 70% hội viên phụ nữ được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về việc làm, khởi nghiệp.

- Hỗ trợ 20.000 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp.

- Phối hợp, hỗ trợ thành lập 1.200 tổ hợp tác/hợp tác xã do phụ nữ quản lý.

- 100.000 doanh nghiệp của phụ nữ mới thành lập được tư vấn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.

Kết quả đánh giá Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025 của nhóm chuyên gia độc lập - Ảnh 1.

Chuyên gia tư vấn Nguyễn Văn Hùng, chuyên gia của Trung tâm Đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu, Bộ Khoa học và Công nghệ trình bày báo cáo kết quả đánh giá Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025 của nhóm chuyên gia độc lập tại Hội nghị sơ kết Đề án.

Kết quả thực hiện mục tiêu (tính đến hết ngày 31/12/2021):

- 100% cán bộ Hội chuyên trách các cấp tham gia triển khai Đề án được nâng cao nhận thức, phương pháp hỗ trợ phụ nữ về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh. Hoàn thành 111,1% so với chỉ tiêu đặt ra.

- 70% hội viên phụ nữ được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về việc làm, khởi nghiệp (197.140 cuộc cuộc tuyên truyền cho hơn 13,6 triệu hội viên phụ nữ).  Hoàn thành 100% so với chỉ tiêu đặt ra.

- Hỗ trợ 63.864 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp. Hoàn thành 319,3% so với chỉ tiêu đặt ra.

- Phối hợp, hỗ trợ thành lập 4.747 tổ hợp tác/hợp tác xã do phụ nữ quản lý, Hoàn thành 395,6% so với chỉ tiêu đặt ra.

- 50.665 doanh nghiệp của phụ nữ mới thành lập được tư vấn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Hoàn thành 50,7% so với chỉ tiêu đặt ra.

Kết quả thực hiện chính của đề án trong giai đoạn 2017-2021:

Với nhiệm vụ Tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh; vai trò, vị trí của phụ nữ đối với phát triển kinh tế:

Giải pháp thực hiện: Xây dựng và duy trì chuyên mục về phụ nữ khởi nghiệp trên trang thông tin điện tử của Hội, trên Báo Phụ nữ Việt Nam.

Kết quả đạt được:

- 32/63 tỉnh thành đã xây dựng và duy trì thường xuyên chuyên mục về phụ nữ khởi nghiệp trên website/trang thông tin của hội. 

- Các cấp Hội đã tích cực phối hợp với các ngành chức năng tuyên truyền về các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh, vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế trên các phương tiện thông tin đại chúng, bản tin Phụ nữ tỉnh, loa truyền thanh đến tận cấp xã/thôn.

- Đã xây dựng chuyên mục về phụ nữ khởi nghiệp trên Báo Phụ nữ Việt Nam in (phát hành thứ hai, thứ tư, thứ sáu hàng tuần) và trên Báo Phụ nữ Việt Nam điện tử (tại địa chỉ Website: https://phunuvietnam.vn/doanh-nghiep-doanh-nhan/phu-nu-khoi-nghiep.htm và đã đưa 390 tin bài ảnh trên báo in;  810 tin bài trên báo điện tử; 26 phóng sự.

- Xây dựng các mô hình thí điểm tuyên truyền tại cộng đồng ở 10 tỉnh đại diện cho vùng miền, tổng kết rút kinh nghiệm để triển khai trên diện rộng.

 - Đã xây dựng và  thực hiện 10 mô hình truyền thông điểm tại các tỉnh/thành đại diện cho các vùng miền, chú trọng ưu tiên đối tượng phụ nữ đặc thù, phụ nữ yếu thế, phụ nữ dân tộc thiểu số.

Kết quả đánh giá Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025 của nhóm chuyên gia độc lập - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Lan Phương và các đại biểu tham quan triẻn lãm những dấu ấn của phụ nữ khởi nghiệp

Với mục tiêu Hỗ trợ phụ nữ đổi mới sáng tạo phát triển kinh doanh và khởi nghiệp

Kết quả đạt được:

- Nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp nữ mới thành lập.

- 50.665 doanh nghiệp của phụ nữ mới thành lập được tư vấn, hỗ trợ nâng cao năng lực phát triển doanh nghiệp và hỗ trợ kết nối vay vốn với tổng số vốn là 316.049 triệu đồng.

- Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Hội thông qua thiết lập cơ sở hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp của các cấp Hội.

 - Tại cấp Trung ương, đã thí điểm thành lập Văn phòng Hỗ trợ khởi nghiệp tại Trường trung cấp Lê Thị Riêng và Học viện Phụ nữ Việt Nam. 

- Tại cấp địa phương, đã có 31 tỉnh, thành phố thiết lập được Hội doanh nhân nữ, câu lạc bộ/vườn ươm khởi nghiệp.

Với mục tiêu Nghiên cứu, đề xuất chính sách, kiểm tra giám sát việc thực hiện chính sách luật pháp hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh doanh

Kết quả đạt được:

Ở cấp Trung ương: 

- Hội LHPN Việt Nam đã triển khai 5 đề tài nghiên cứu ở các cấp  làm cơ sở đề xuất khuyến nghị chính sách liên quan đến nhiều phương diện như pháp lý, tài chính, ươm tạo, giáo dục – đào tạo, thị trường và hội nhập.. nhằm góp phần hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp cho phụ nữ, cũng như trình Chính phủ xem xét phê duyệt Đề án "Hỗ trợ phát triển hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý và tạo việc làm cho lao động nữ giai đoạn 2022-2030".

- Các Bộ/ngành, các đoàn thể chính trị xã hội đã có những đề xuất, kiến nghị Chính phủ để từng bước tháo gỡ những khó khăn, rào cản về mặt chính sách để khuyến khích phụ nữ khởi nghiệp; xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy bình đẳng giới. 

Ở cấp địa phương, Hội phụ nữ các cấp đã:

- Cung cấp ý kiến phản biện xã hội và kiến nghị đề xuất sửa đổi Luật doanh nghiệp.

- Góp ý kiến dự thảo Kế hoạch triển khai Luật hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ; Kế hoạch triển khai Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025".

- 27 tỉnh, thành đã tổ chức đối thoại chính sách cho chị em nữ doanh nghiệp và nữ chủ hộ sản xuất kinh doanh với đại diện lãnh đạo, chính quyền, các ban ngành có liên quan về hỗ trợ phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp.

Với mục tiêu Tăng cường hợp tác quốc tế, huy động nguồn lực thực hiện Đề án.

Các cấp Hội đã huy động được kinh phí cho thực hiện Đề án từ nguồn  xã hội hóa: 224,901 triệu đồng và các hỗ trợ kỹ thuật về đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm, kết nối chuyên gia... cho phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh doanh từ các tổ chức quốc tế và các nguồn lực xã hội khác.

Kết quả đánh giá Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025 của nhóm chuyên gia độc lập - Ảnh 3.

Cac đại biểu tham dự Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2021-2025.

Các kết quả nổi bật khác

- Hơn 2.595 tin bài/bài viết, 34 video clip truyền thông về các chủ đề liên quan được đăng tải dưới nhiều hình thức bài viết báo in, báo điện tử, kênh truyền hình, kênh youtube, chương trình live stream...; xây dựng và phát hành 88.096 cuốn tài liệu, sách và 2 cuốn sách điện tử quan đến hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp.

- Nhiều tư liệu/tài liệu truyền thông đã được dịch ra tiếng dân tộc thiểu số (Mông, Thái, Ê Đê, Ba Na, Khmer).

- Tổ chức 3 triển lãm: Triển lãm "Hành trình phụ nữ khởi nghiệp" cấp vùng miền tại Lào Cai, Cần Thơ và Quảng Nam; Triển lãm cấp toàn quốc "Khát vọng khởi nghiệp xanh", "Vị giọt mồ hôi" tại Hà Nội và Triển lãm "Truyền cảm hứng - Phụ nữ khởi nghiệp" để giới thiệu các ý tưởng xuất sắc, các hoạt động nâng bước, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp

- Hỗ trợ được 22.918 phụ nữ vay vốn với tổng số số vốn vay là 506,755 triệu đồng. 

- Một số địa phương đã sáng tạo đề xuất với chính quyền bổ sung vốn/ hoặc xã hội hóa hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, điển hình như Hội LHPN tỉnh Bắc Ninh (70 tỷ đồng), Đà Nẵng (30 tỷ đồng), Hà Nội (42 tỷ đồng), Bắc Kạn (49 tỷ đồng).

- Hỗ trợ thành lập được 652 hợp tác xã, 4.095 tổ hợp tác/tổ liên kết; đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho 9.526 cán bộ quản lý, điều hành hợp tác xã, tổ hợp tác

- Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp phát triển thị trường, kết nối tiêu thụ sản phẩm trong bối cảnh dịch bệnh Covid 19 dưới nhiều hình thức như: xây dựng trang tiếp thị trực tuyến để giới thiệu và trưng bày sản phẩm của Phụ nữ khởi nghiệp; tổ chức các sự kết nối xúc tiến thương mại sản phẩm của phụ nữ khởi nghiệp; Tổ chức sự kiện kết nối đầu tư

- Hỗ trợ doanh nghiệp thực thi tốt các chính sách chương trình bình đẳng giới như: Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (2017), Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi (2019), Bộ Luật Lao động (2019), Luật Doanh nghiệp (2020)...

Tiến độ thực hiện đề án

- Phần lớn nhiệm vụ và mục tiêu của Đề án đang được thực hiện đúng tiến độ  so với kế hoạch. 

- 3/5 mục tiêu vượt trên 100% so với kế hoạch.

Các yếu tố chính để Đề án được thực hiện theo đúng tiến độ:

Thứ nhất: Công tác tổ chức thực hiện đề án được thực hiện một cách hệ thống, nhất quán, khoa học và linh hoạt ở cả cấp Trung ương và địa phương.

Thứ hai: Hội LHPN Việt Nam - Cơ quan chủ trì thực hiện Đề án đã thực hiện tốt công tác điều phối để phát huy được sức mạnh tập thể, đồng bộ trong hệ thống Hội Phụ nữ các cấp trong quá trình thực hiện Đề án.

Thứ ba: Hội LHPN các cấp đã triển khai linh hoạt, chủ động lồng ghép các hoạt động của đề án với của các chương trình, nhiệm vụ ở các cấp có liên quan  qua đó tận dụng được các lợi thế và nguồn lực sẵn có trong triển khai đề án. 

Thứ tư: Đề án đã huy động và có được sự ủng hộ, hỗ trợ của nhiều nguồn lực xã hội (cơ quan đoàn thể, chính quyền địa phương, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp...) cả về mặt hỗ trợ tài chính và hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình thực hiện.

Thứ năm: Hệ sinh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã được hình thành và từng bước phát triển trong thời gian qua là nền tảng quan trọng, tạo tiền đề để Đề án được triển khai thuận lợi, hiệu quả.