Ban biên tập: truyenthong.cssb@gmail.com
NỔI BẬT

"Kinh tế tuần hoàn" hướng tới nền nông nghiệp bền vững

"Với sự cố gắng và năng lực của mình, chúng tôi luôn cố gắng giúp đỡ hội viên phụ nữ của xã nhà nói riêng và người dân nói chung trong tiếp cận kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi và ứng dụng vào mô hình phát triển kinh tế của hộ gia đình theo hướng tuần hoàn khép kín".

Hợp tác xã phụ nữ Trùn quế Đơn Dương (HTX) hiện gồm 13 thành viên, hoạt động với mục tiêu đề ra là xử lý rác thải hữu cơ từ rau củ quả cũng như chất thải chăn nuôi làm thức ăn cho trùn, từ đó tạo ra sản phẩm phân hữu cơ và một số sản phẩm khác phục vụ lại cho nhu cầu canh tác và chăn nuôi tại địa phương. 

Đồng thời, HTX góp phần xử lý rác thải hữu cơ cũng như chất thải chăn nuôi một cách hiệu quả và tái sử dụng sản phẩm, giảm tối đa chi phí phân bón cho cây trồng. Các hoạt động của HTX đã giúp nâng cao nhận thức và hướng dẫn chị em hội viên, phụ nữ tại địa phương, phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, góp phần phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường.

Chị Phạm Thị Thanh Tuyền, Hợp tác xã phụ nữ Trùn quế Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, đã có những chia sẻ về mô hình kinh tế tuần hoàn của HTX.

+ Ý tưởng nào đưa chị đến với mô hình kinh tế tuần hoàn và lựa chọn nuôi trùn quế để ứng dụng trong nông nghiệp sạch?

Mô hình kinh tế tuần hoàn đã có ở Việt Nam từ cách đây 20 năm với những tên gọi khác nhau. Đó là mô hình VAT (Vườn - Ao - Chuồng), một mô hình áp dụng khá thành công tại Việt Nam. Ngoài ra, các khái niệm "khu công nghiệp sinh thái - ecological industrial zone", "sản xuất sạch hơn - Cleaner production", "Không phát thải - zero emission", tái chế, tái sử dụng, tái sản xuất - một phần của kinh tế tuần hoàn - cũng được đề cập nhiều trong thời gian qua. Các khái niệm này đã được thể hiện qua các chính sách liên quan đến công tác bảo vệ môi trường và được các Viện nghiên cứu triển khai nghiên cứu, áp dụng.

Nâng cao chất lượng sống và thu nhập cho phụ nữ, hướng tới nền nông nghiệp bền vững - Ảnh 1.

Ý tưởng về việc "Nuôi trùn quế - ứng dụng nông nghiệp sạch" được chị Thanh Tuyền và Hợp tác xã phụ nữ Trùn quế Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, được triển khai

Bản thân là một người con sinh ra, lớn lên tại vùng đất mà phát triển nông nghiệp là ngành kinh tế chủ lực, đồng thời, với vai trò là Phó Chủ tịch Hội LHPN xã, tôi nhận thấy, huyện Đơn Dương đang gặp phải 2 vấn đề lớn trong sản xuất nông nghiệp là thiếu nguồn cung cấp thức ăn gia súc, gia cầm có chất lượng và xảy ra ô nhiễm môi trường do phân hữu cơ truyền thống dần bị loại bỏ, còn phân bón hóa học ảnh hưởng đến độ phì nhiêu của đất do sử dụng liên tục.

Qua tìm hiểu trên sách, báo cũng như đi tham quan thực tế từ thành phố Hồ Chí Minh, tôi thấy rằng giun đất là nguồn thức ăn cho gia súc, gia cầm rất tốt với hàm lượng protein thô chiếm 70% trọng lượng thô. Hơn nữa giun đất có thể xử lý chất thải hữu cơ, phân gà, phân lợn, phân bò và chuyển hóa thành phân bón hữu cơ có chất lượng và bằng cách đó cải thiện môi trường sinh thái các vùng nông thôn. Vì vậy, bản thân bắt đầu có ý tưởng về việc "Nuôi trùn quế - ứng dụng nông nghiệp sạch".

Tuy nhiên, đến khi được Hội cấp trên triển khai Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025" và tham gia cuộc thi "Ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp" do Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đơn Dương phát động năm 2018, tôi mới bắt đầu khởi nghiệp cùng một số hộ dân, theo đó, mạnh dạn đầu tư nguồn vốn gần 50 triệu đồng để mua trùn giống, xây dựng trại và mua bò vàng lấy phân để nuôi trùn quế. Chỉ hơn 1 năm nuôi thử nghiệm, mô hình nuôi trùn quế đã cho bản thân tôi nguồn thu nhập khá ổn định, bà con nông dân trong và ngoài huyện tìm đến với trại nuôi trùn quế để đặt hàng mua phân và giống khá đông.

+ Chị có thể chia sẻ về những giá trị cụ thể của mô hình nuôi trùn quế đạt được đối với chị em phụ nữ?

Với những kết quả đạt được bước đầu từ việc bán giống, phân trùn quế, đầu năm 2019, Hợp tác xã phụ nữ trùn quế Đơn Dương được thành lập với 9 thành viên, có tổng nguồn vốn điều lệ 900 triệu đồng, ngành nghề chính là chuyên nuôi và sản xuất phân trùn quế hữu cơ vi sinh, thịt trùn và sinh khối trùn quế.

Mục tiêu Hợp tác xã đã đặt ra trong năm đầu tiên là tiếp cận được 2% tổng diện tích đất canh tác nông nghiệp của huyện Đơn Dương, thúc đẩy sử dụng phân trùn quế để cải tạo đất và phục vụ cho mô hình trồng và sản xuất nông nghiệp sạch. Đồng thời, cung cấp thịt trùn tươi cho các cơ sở nuôi cá tầm tại Đà Lạt với sản lượng khoảng 30 tấn thịt trùn quế/mùa/năm và xử lý được khoảng 30% chất thải nông nghiệp, chất thải chăn nuôi trên địa bàn huyện. Qua đó, nâng cao thu nhập bình quân của mỗi thành viên Hợp tác xã từ 3 đến 5 triệu đồng, góp phần ổn định cuộc sống, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động với thu nhập từ 1,5 đến 2 triệu đồng/người/tháng.

Kết quả, sau gần 2 năm đi vào hoạt động, Hợp tác xã phụ nữ trùn quế Đơn Dương đã đạt được những mục tiêu ban đầu. Dựa trên những kết quả đó, Hợp tác xã tiếp tục thực hiện ý tưởng "Phát triển chuỗi liên kết nông nghiệp hữu cơ bền vững tại địa phương bằng giải pháp nuôi trùn quế".

Với sự nỗ lực của bản thân và các thành viên Hợp tác xã, cùng sự hỗ trợ của Hội LHPN các cấp tại địa phương, chúng tôi đã kiên trì hoàn thiện ý tưởng và mạnh dạn tham gia các cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo do các cấp Hội và địa phương tổ chức. Năm 2020, ý tưởng đã vinh dự đạt giải thưởng dự án tiêu biểu "Liên kết sáng tạo gia tăng giá trị cho cộng đồng" trong Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp do TƯ Hội LHPN Việt Nam tổ chức. Đây là động lực để chúng tôi tiếp tục hiện thực hoá ý tưởng của mình, tạo tác động về kinh tế, cộng đồng và xã hội.

Hiện nay, Hợp tác xã đã phát triển lên 13 thành viên với mục tiêu đề ra là xử lý rác thải hữu cơ từ rau củ quả cũng như chất thải chăn nuôi làm thức ăn cho trùn, từ đó tạo ra sản phẩm phân hữu cơ và một số sản phẩm khác phục vụ lại cho nhu cầu canh tác và chăn nuôi tại địa phương, góp phần xử lý rác thải hữu cơ cũng như chất thải chăn nuôi một cách hiệu quả và tái sử dụng sản phẩm, giảm tối đa chi phí phân bón cho cây trồng.

 
 
 

Chị Thanh Tuyền triển khai các hoạt động tuyên truyền tập huấn cho hội viên, phụ nữ và bà con tại địa phương

+ Để mô hình đi vào hoạt động hiệu quả và tạo được sức lan tỏa trong cộng đồng, HTX đã có những hoạt động gì để tuyên truyền, tập huấn cho chị em phụ nữ?

Bằng những ứng dụng thực tế cũng như kiến thức kỹ năng đã có, chúng tôi đã đưa ra các giải pháp nhằm góp một phần nhỏ vào việc tuyên truyền về việc phân loại rác thải và xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình như: đưa ra bộ sản phẩm xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình bằng vật liệu tái chế là thùng nhựa, xốp cũ nhằm phân loại rác thải hữu cơ và rác thải vô cơ; tham gia tuyên truyền cùng với Hội LHPN huyện với chủ đề phụ nữ chung tay xử lý rác thải, sử dụng túi nilon sinh học tự hủy và bộ combo xử lý chất thải hữu cơ tại hộ gia đình…

Các hoạt động đã giúp nâng cao nhận thức và hướng dẫn chị em hội viên, phụ nữ tại địa phương về phân loại rác, tận dụng nguồn rác thải hộ gia đình nuôi trùn, tự tạo ra nguồn phân hữu cơ sạch, thực phẩm cho gia súc, gia cầm, đáp ứng nhu cầu trồng rau sạch cũng như chăn nuôi sạch tại hộ gia đình, góp phần giảm thiểu được lượng rác thải hữu cơ đưa ra bên ngoài môi trường. Mô hình cũng đã được phụ nữ thành phố Bảo Lộc tham quan cũng như một số nơi khác đến thăm và trao đổi kinh nghiệm tại trang trại.

Ngoài ra, Hợp tác xã còn tuyên truyền, vận động chị em hội viên, phụ nữ trở thành thành viên Hợp tác xã, tổ chức tập huấn triển khai, hướng dẫn cụ thể về quy trình kỹ thuật, đồng thời cung cấp các sản phẩm của Hợp tác xã với giá cả hợp lý cho bà con nông dân, qua đó, phần nào giúp chị em phụ nữ có việc làm, tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, góp phần đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.

Với sự cố gắng và năng lực của mình, chúng tôi luôn cố gắng giúp đỡ hội viên phụ nữ của xã nhà nói riêng và người dân nói chung trong tiếp cận kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi trùn và ứng dụng vào mô hình phát triển kinh tế của hộ gia đình theo hướng tuần hoàn khép kín.

Có thể nói Hợp tác xã phụ nữ trùn quế Đơn Dương với mô hình "Phát triển kinh tế tuần hoàn, nâng cao chất lượng sống và thu nhập cho phụ nữ, hướng tới nên nông nghiệp bền vững" là một trong những ý tưởng khởi nghiệp, phát triển kinh tế góp phần cùng địa phương triển khai có hiệu quả việc xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch; từng bước khẳng định hướng đi đúng đắn khi đưa vào nuôi thử nghiệm trùn quế, mang lại lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương, tiến tới xây dựng quê hương Đơn Dương trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu.

Nâng cao chất lượng sống và thu nhập cho phụ nữ, hướng tới nền nông nghiệp bền vững - Ảnh 3.

Các sản phẩm của HTX tham gia trưng bày tại hội chợ

+ Trong thời gian tới, hợp tác xã sẽ có những hoạt động gì để tiếp tục duy trì và phát triển?

Trong thời gian tới, Hợp tác xã sẽ tiếp tục nâng cao số lượng, chất lượng, hiệu quả mô hình kinh tế tuần hoàn tại địa phương với một số giải pháp sau: Tiếp tục duy trì và phát triển hoạt động chăn nuôi trùn tại hợp tác xã; tăng cường liên kết tạo sự thu hút cũng như tư vấn kỹ thuật cho các hộ có nhu cầu tham gia mô hình kinh tế tuần hoàn phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững; đẩy mạnh tạo thành chuỗi liên kết lớn tại địa phương, gia tăng giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp; phối hợp mở các lớp tập huấn tuyên truyền hướng dẫn kỹ thuật nuôi trùn cũng như ứng dụng vào quá trình xử lý rác hữu cơ và chăn nuôi, canh tác theo hướng hữu cơ; nghiên cứu ứng dụng các loại cây trồng vật nuôi phù hợp với địa phương để nâng tầm giá trị sản phẩm về chất lượng cũng như số lượng…

Hợp tác xã phụ nữ trùn quế Đơn Dương cũng mong muốn các cấp, các ngành, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp hỗ trợ đào tạo, tập huấn về quản lý, kỹ thuật, phát triển sản phẩm mới và kết nối, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm qua nhiều kênh. Để mở rộng diện tích chăn nuôi tập trung, đề xuất được xem xét hỗ trợ quỹ đất từ địa phương, tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi.

+ Xin cảm ơn những chia sẻ của chị!