Ban biên tập: truyenthong.cssb@gmail.com
NỔI BẬT

Doanh nghiệp thủy sản tiếp tục khó khăn kể cả kết thúc giãn cách

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), chỉ có khoảng 30 – 40% doanh nghiệp ngành thủy sản có thể phục hồi sản xuất ngay sau giãn cách do khó khăn về chuỗi cung ứng cũng như lực lượng lao động.

Tính đến cuối tháng 8, theo khảo sát của VASEP, chỉ có khoảng 30 – 40% doanh nghiệp thủy hải sản tại các tỉnh thành phía nam đang duy trì hoạt động theo giải pháp “3 tại chỗ”. Số doanh nghiệp còn lại đang phải tạm dừng hoạt động hoặc cố gắng tái tổ chức nhà máy đáp ứng phương án “3 tại chỗ”.

Ở các doanh nghiệp đang hoạt động, công suất chế biến đã giảm xuống 50 – 60% so với thời điểm trước giãn cách, với tổng số lao động chỉ còn khoảng 30 – 50%. Ước tính, công suất chung toàn vùng đã giảm từ 30 – 40%.

Thời gian giãn cách kéo dài khiến tinh thần của người lao động thực hiện “3 tại chỗ” trở nên mệt mỏi. Cộng với những chi phí phát sinh ngày càng tăng cao, nhiều doanh nghiệp cho biết rất khó để tiếp tục duy trì phương án này.

VASEP cho biết, hiện nay các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc chỉ thị 16 chỉ chủ yếu tập trung vào mục tiêu phòng chống dịch, khiến khả năng phục hồi sản xuất là rất khó khăn. Việc tiếp tục kéo dài giãn cách xã hội sẽ đẩy chuỗi cung ứng rơi vào đứt gãy, khó khôi phục sản xuất.

Tuy nhiên, ngay cả khi kết thúc giãn cách xã hội, theo VASEP, chỉ có khoảng 30 – 40% doanh nghiệp có đủ năng lực để phục hồi sản xuất, số còn lại rất khó hoặc tốn nhiều thời gian để đưa hoạt động trở về đúng quỹ đạo.

Điều này được lý giải bởi chuỗi cung ứng nguyên vật liệu đầu vào bị đứt gãy hoặc khó khăn trong vận chuyển; doanh nghiệp bị mất khách hàng do không kịp thực hiện hợp đồng…

Khôi phục lực lượng lao động cũng là bài toán khó khi tỷ lệ tiêm vaccine mũi 1 của doanh nghiệp thủy sản tại khu vực miền Nam chỉ đạt 30 – 40% và chưa có doanh nghiệp nào được triển khai tiêm mũi 2, nhóm công nhân tại khu công nghiệp, khu chế xuất đã được Chính phủ chỉ đạo ưu tiên tiêm chủng. Tỷ lệ tiêm chủng đặc biệt thấp ở một số địa phương như Long An, Hậu Giang, Cần Thơ và các tỉnh ven biển miền Trung và Nam Trung Bộ.

Khó khăn cho doanh nghiệp thủy sản phục hồi sản xuất còn nằm ở việc giá cả nhiều mặt hàng thủy sản giảm mạnh, trong khi nguyên vật liệu đầu vào tăng cao. Dự báo, nguyên vật liệu từ hoạt động nuôi trồng sẽ thiếu khoảng 20 – 30% và giá tăng khoảng 10 – 20% cho những tháng cuối năm. Nguyên vật liệu từ hoạt động khai thác ngoài khơi cũng rơi vào tình trạng thiếu hụt, tăng giá.

Cước phí tàu biển tăng cao ảnh hưởng nặng nề tới khả năng xuất khẩu của ngành thủy sản. VASEP cho biết, cước phí vận tải biển hiện nay đã tăng từ 2 – 10 lần, dự kiến sẽ không giảm trong những tháng sắp tới. Tình trạng thiếu container khiến lịch trình giao hàng gián đoạn, ảnh hưởng trực tiếp tới giá thành và năng lực cạnh tranh.

Tính đến cuối tháng 8, khoảng 40 – 50% đơn hàng bị giao muộn và 10 – 15 đơn hàng bị hủy. Các doanh nghiệp cho biết nhiều nhà nhập khẩu đang tính đến phương án tìm kiếm nguồn cung thay thế. Như vậy, kể cả các doanh nghiệp trở lại sản xuất bình thường sau 15/9, khả năng lấy được các đơn hàng cho mùa lễ cuối năm cũng tương đối hạn chế.

Trước những nguy cơ đe dọa tới sự sống còn của doanh nghiệp ngành thủy sản, VASEP đề nghị tiếp tục ưu tiên đẩy mạnh tiêm vaccine Covid-19 cho nhóm lao động tại các nhà máy trong tháng 9.

Mặt khác, VASEP đề xuất các địa phương không áp dụng cứng nhắc giải pháp “3 tại chỗ”, có thể hướng dẫn doanh nghiệp áp dụng “1 cung đường, 2 điểm đến” sau khi triển khai tiêm chủng.