Ban biên tập: truyenthong.cssb@gmail.com
NỔI BẬT

Khoảng 95% doanh nghiệp ở Cần Thơ đã đóng cửa

Nguyên nhân do đa số doanh nghiệp (DN) đang vướng quy định 3 tại chỗ cả về nguyên liệu sản xuất, duy trì sản xuất và quy định đi đường do kiểm soát dịch khó khăn, gây khó khăn cho doanh nghiệp (DN).

95% doanh nghiệp Cần Thơ phải đóng cửa

Tại toạ đàm "Tìm giải pháp tiêu thụ nông sản: Trước mắt và lâu dài" được tổ chức vào ngày 4/9, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, phản ảnh thời gian qua, tình hình sản xuất, phân phối lưu thông nông sản của Cần Thơ gặp rất nhiều khó khăn. 95% DN Cần Thơ đã đóng cửa.

Cụ thể, đa số DN đang vướng quy định 3 tại chỗ cả về nguyên liệu sản xuất, duy trì sản xuất; vướng theo quy định đi đường do kiểm soát dịch khó khăn, gây khó khăn cho doanh nghiệp (DN). Ngoài ra, DN không đủ quy mô để tổ chức chuỗi sản xuất vì đầu tư cho 3 tại chỗ quá lớn.

Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Thành viên Tổ Công tác 970 Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ông Lê Thanh Tùng thừa nhận việc áp dụng Chỉ thị 16 trên diện rộng đã ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của người dân lẫn sản xuất kinh doanh.

"Bộ không có những quy định liên quan đến thực hiện chỉ thị 16 mà chỉ đề xuất các bộ ngành để bổ sung, thay đổi 1 số nội dung về vật tư thiết yếu hoặc việc di chuyển, lưu chuyển trên đường các sản phẩm… Chính phủ đã kịp thời có những sửa đổi cho phù hợp với thực tế, giúp đường đi của vật tư nông sản, hàng hoá nông sản… đã được giải quyết", ông Tùng cho biết.

Cũng theo ông Tùng, trong thẩm quyền, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đề nghị Sở Nông nghiệp và Nông thôn các tỉnh, thành lập tổ công tác tương tự tổ công tác 970 để kết nối tháo gỡ các vấn đề về sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn; phối hợp các địa phương thúc đẩy từng vấn đề cụ thể để bổ sung, tháo gỡ. Bộ cũng tổ chức kết nối cung cầu nông sản giữa các tỉnh sản xuất với thị trường tiêu thụ.

Trong những ngày gần đây việc kết nối này đã đi vào thích nghi, góp phần lớn cho tiêu thụ sản phẩm nông sản. Chẳng hạn, TP Cần Thơ đã tổng hợp 139 đầu mối cung cấp hàng hoá với tổng sản lượng 22.000 tấn.

 Khoảng 95% doanh nghiệp ở Cần Thơ đã đóng cửa  - Ảnh 1.
Quang cảnh tọa đàm

Tiêu thụ nông sản trên địa bàn vẫn kiểm soát được nhưng còn khó khăn

Cũng tại buổi tọa đàm, đại diện Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, trong 3 tháng gần đây, 19 tỉnh thành phía Nam thực hiện giãn cách đã thu hoạch 1 triệu ha, tiêu thụ 6 triệu tấn lúa, 3,8 triệu tấn rau màu, 4 triệu tấn trái cây.

Mặc dù dịch bệnh, giãn cách gây ra nhiều khó khăn nhưng hàng hóa cơ bản vẫn luân chuyển được nhờ sự nỗ lực các địa phương, các bộ ngành nên sản lượng tiêu thụ vẫn tương đương hằng năm. Từ nay đến cuối năm, ngành nông nghiệp cần tiêu thụ 8 triệu tấn lúa, 1 triệu tấn rau, 1,7 triệu tấn cây ăn trái cây.

Tại từng địa phương, ông Nguyễn Minh Lâm, Phó Chủ tịch tỉnh Long An, cho biết nhìn chung, tiêu thụ nông sản trên địa bàn vẫn kiểm soát được nhưng còn khó khăn là chuỗi tiêu thụ đứt gãy, có hiện tượng đứt gãy cục bộ, đối với hàng hoá do người dân sản xuất với cách làm trước đây là tiêu thụ qua thương lái và chợ đầu mối. Đối với tổ hợp tác và hợp tác xã thì thuận lợi trong việc tiêu thụ, từ đó người dân thấy được vai trò quan trọng của tổ hợp tác và HTX. Cái khó nữa là chi phí sản xuất tăng 3-4 lần nên người dân mua cao.

"Trái thanh long chủ lực của tỉnh cũng đang gặp khó khăn về đầu ra do ảnh hưởng dịch. Đầu tháng 9, tỉnh đã chỉ đạo các sở ngành tính toán số lượng thanh long trên địa bàn để gỡ vướng", ông Nguyễn Minh Lâm nói.