Ban biên tập: truyenthong.cssb@gmail.com
NỔI BẬT

Những chỉ dấu không thuận cho kinh doanh xi măng năm 2023

Dư cung lớn, thị trường bất động sản trầm lắng, các dự án khó khăn về nguồn vốn, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm… là những chỉ dấu không thuận cho kinh doanh xi măng trong năm 2023.

 

doanh nghiệp xi măng đang sản xuất ra lượng hàng nhiều gần gấp đôi nhu cầu tiêu thụ trong nước
Doanh nghiệp xi măng đang sản xuất ra lượng hàng nhiều gần gấp đôi nhu cầu tiêu thụ trong nước

Xi măng tiêu thụ khó khăn

Phó giám đốc một doanh nghiệp xi măng thuộc hệ thống Vicem cho biết, ngay trong quý I/2023, nhà máy sẽ điều chỉnh giảm công suất do thị trường dự liệu không thuận lợi, khi kênh bán hàng chủ lực là tiêu thụ dân sinh giảm xây dựng vì kinh tế khó khăn.

Đây không phải là đơn vị duy nhất điều chỉnh sản lượng sản xuất xi măng sau khi phân tích các dấu hiệu chuyển động của thị trường xây dựng, bất động sản, tổng quan ngành về cung cầu… Thông tin từ nhiều nhà sản xuất cho biết, việc giảm sản lượng năm 2023 để phù hợp với nhu cầu thị trường và một số dây chuyền đã phải dừng lò từ nửa cuối năm ngoái sẽ kéo sản lượng toàn ngành xi măng đi xuống.

Năm 2022, ngành xi măng đã có một năm “bão táp” khi nguồn cung xi măng vượt cầu 40 triệu tấn, tiêu thụ nội địa tăng không đáng kể, đạt khoảng 63 triệu tấn, xuất khẩu so với năm trước đã giảm 15 triệu tấn, nên toàn ngành chỉ xuất được 30 triệu tấn.

Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) sở hữu 10 doanh nghiệp sản xuất với năng lực cung cấp khoảng 35 triệu tấn/năm cũng về đích khá chật vật khi hầu hết các chỉ tiêu đều đạt 90 - 95%, sau khi đã co kéo để cắt giảm chi phí sản xuất, đẩy mạnh bán hàng.

Tổng sản phẩm tiêu thụ của Vicem trong năm 2022 là 27,46 triệu tấn, đạt 93,2% kế hoạch năm và giảm 6,7% so với năm 2021, trong đó tiêu thụ xi măng trong nước đạt 21,34 triệu tấn, tăng 5,6% so với năm trước; Tiêu thụ clinker (bao gồm xuất khẩu) đạt 2,88 triệu tấn, giảm 45,6%. Các chỉ tiêu tiêu thụ nói trên đều chưa đạt kế hoạch năm.

Năng lực sản xuất xi măng năm 2023 hơn 120 triệu tấn (nếu điều chỉnh tỷ lệ phụ gia thì khả năng sản xuất sẽ lên tới 140 triệu tấn), trong khi tiêu thụ nội địa chỉ khoảng 65 triệu tấn, xuất khẩu suy giảm, báo hiệu một năm kinh doanh đầy khó khăn với ngành xi măng Việt Nam.

Lợi nhuận trước thuế (chưa tính chênh lệch tỷ giá cuối kỳ) ước đạt 1.532 tỷ đồng, đạt 89,8% kế hoạch năm 2022 và giảm 30,5% (tương đương giảm 671,9 tỷ đồng) so với năm 2021.

Ông Lê Nam Khánh, Tổng giám đốc Vicem cho hay, giá đầu vào tăng trong khi nhu cầu xuất khẩu suy giảm đã khiến, năm 2022 lợi nhuận của Tổng công ty chỉ đạt 1.532 tỷ đồng. Vicem gặp khó về nguồn cung than khi thiếu cả về số lượng, chất lượng, chủng loại và giá tăng đột biến. Do giá tăng cao khiến chi phí đầu vào chỉ của riêng nhiên liệu than đã đội thêm khoảng 4.000 tỷ đồng so với năm 2021.

Quý IV thường là mùa tiêu thụ xi măng chủ yếu hàng năm. Nhưng tình trạng nhu cầu giảm sâu trong những tháng cuối năm đã tác động lớn đến kết quả sản xuất, kinh doanh và gây nhiều khó khăn cho công tác điều hành của Vicem. Trong khi đó, khoản thua lỗ nặng của Xi măng Hạ Long trở thành nhân tố chính khiến Vicem không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2022.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, ông Trần Quang Phúc, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Vicem Tam Điệp cho biết, dư cung quá lớn là vấn đề lớn nhất trong công tác sản xuất, bán hàng của các nhà máy xi măng, trong đó có Vicem Tam Điệp. Trong đó, các nhà máy đóng đô tại các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Hà Nam… nơi có mật độ các nhà máy cao, công suất lớn càng khó về tiêu thụ.

Nguồn cung 2023 tiếp tục tăng

Dư cung là thực tế gây khó nhất trong công tác tiêu thụ của ngành xi măng. Thị trường nội địa hàng năm tiêu dùng trên 60 triệu tấn, vài năm gần đây đều suy giảm hoặc nếu tăng ở mức rất thấp. Trong khi cầu thì như như vậy, nhưng trong 3 năm gần nhất, ngành xi măng đều sản xuất khoảng 105 - 108 triệu tấn (trong đó tiêu thụ nội địa trên 60 triệu tấn).

Nhưng sang năm 2023 nguồn cung lại được bổ sung, cộng với dự báo về thị trường bất động sản trầm lắng, do Nhà nước tiếp tục duy trì siết chặt phát hành trái phiếu, tín dụng bất động sản, xây dựng dân dụng phục hồi chậm, các công trình, dự án cũng chậm triển khai thậm chí phải giãn/hoãn tiến độ khi gặp khó khăn về nguồn vốn, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm.… báo hiệu việc kinh doanh không mấy suôn sẻ.

Theo kế hoạch, năm 2023 sẽ có một số dây chuyền sản xuất xi măng mới đi vào hoạt động như Dây chuyền 4 - Xi măng Long Sơn (2,5 triệu tấn), Dây chuyền 3 - Xi măng Xuân Thành (4,5 triệu tấn), Xi măng Đại Dương (2,5 triệu tấn), Xi măng Long Thành (2,5 triệu tấn) đưa nguồn cung xi măng lên khoảng 120,7 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước dự báo chỉ ở mức từ 64 - 65,5 triệu tấn).

Thực tế này, dẫn tới cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong bối cảnh các đơn vị sản xuất xi măng đứng trước áp lực phải tiêu thụ sản phẩm sản xuất ra, nhiều đơn vị phải thực hiện dừng lò nung/giảm năng suất chạy lò.

Giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất xi măng, đặc biệt là giá than dự báo vẫn duy trì ở mức cao. Trong khi đó, giá bán xi măng chưa thể bù đắp, dẫn tới hiệu quả sản xuất, kinh doanh giảm mạnh. Với nhiều thách thức, Vicem đặt mục tiêu tổng doanh thu năm 2023 khoảng 40.919 tỷ đồng, tăng gần 4%, đặc biệt, lợi nhuận trước thuế (chưa tính chênh lệch tỷ giá) chỉ 800 tỷ đồng, giảm 47,8% so với ước thực hiện năm 2022.

Tình hình đối với khối sản xuất xi măng tư nhân như Vissai, Long Sơn, Tân Thắng… cũng không khá hơn. Thông tin từ Tập đoàn Xi măng The Vissai - đơn vị có kênh tiêu thụ lớn từ xuất khẩu cũng cho thấy “tình hìnhkhá ảm đạm”.

“Các nước nhập khẩu xi măng, clinker tiếp tục thực hiện nhiều chính sách bảo hộ sản xuất xi măng trong nước, hàng rào kỹ thuật thương mại; giá cước vận chuyển còn cao... Thêm vào đó, từ ngày 1/1/2023, Việt Nam áp thuế xuất khẩu clinker từ mức 5% lên mức 10%”, đại diện Vissai nhấn mạnh.