Ban biên tập: truyenthong.cssb@gmail.com
NỔI BẬT

Đánh sập nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia

Lợi dụng sự ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động của tội phạm ma túy qua các tuyến biên giới nước ta tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. Các ông trùm của đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia được tổ chức chặt chẽ, thủ đoạn tinh vi đã chọn Việt Nam làm điểm trung chuyển để vận chuyển ma túy với số lượng lớn đi nước thứ 3 tiêu thụ.

Các đối tượng cùng tang vật trong Chuyên án A3-121.2, do Đoàn Đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm miền Nam, Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng đấu tranh thành công vào ngày 17-1-2021. Ảnh: Phú Quý

Liên tiếp những tháng đầu năm 2021, BĐBP đã phối hợp với các lực lượng chức năng đấu tranh, triệt phá thành công nhiều đường dây mua bán, vận chuyển số lượng lên đến hàng trăm ki lô gam ma túy các loại từ nước ngoài vào Việt Nam. Đáng chú ý, tội phạm ma túy có yếu tố nước ngoài lợi dụng tuyến biên giới đất liền, cảng biển... để vận chuyển ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam, một phần tiêu thụ ở trong nước, phần lớn ma túy được vận chuyển đi nước thứ 3 tiêu thụ.

Điển hình là Chuyên án A121.p, diễn ra từ ngày 21-1-2021 đến ngày 20-3-2021, do Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an đồng chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng phá thành công, bắt giữ 4 đối tượng, tang vật thu giữ gần 350kg ma túy các loại. Qua đấu tranh, các đối tượng khai nhận, toàn bộ số ma túy trên được chúng vận chuyển từ Lào vào Việt Nam, sau đó đưa ra phía Bắc để tuồn sang Trung Quốc tiêu thụ.

Từ ngày 16-12-2020 đến ngày 30-5-2021, các đơn vị BĐBP đã phối hợp với các lực lượng chức năng đấu tranh thành công 48 chuyên án, phát hiện, bắt giữ, xử lý 511 vụ/710 đối tượng (tăng 54 vụ, giảm 75 đối tượng so với cùng kỳ năm 2020). Tang vật thu giữ 928,47kg ma túy các loại. Trong đó, riêng BĐBP chủ trì phát hiện, bắt giữ, xử lý 343 vụ/418 đối tượng (tăng 27 vụ so với cùng kỳ năm 2020), tang vật thu giữ 747,5kg ma túy các loại.

Trước đó, ngày 17-1-2021, tại khu vực bến phà Hồng Ngự, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, Đoàn Đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm miền Nam, Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng phá thành công Chuyên án A3-121.2, bắt giữ 3 đối tượng đang vận chuyển ma túy từ Campuchia vào Việt Nam tiêu thụ, tang vật thu giữ 89,4kg ma túy các loại. Mở rộng điều tra, vào lúc 22 giờ, ngày 30-1-2021, lực lượng đánh án bắt giữ thêm 3 đối tượng, tang vật thu giữ 22,5kg ma túy tổng hợp dạng đá.

Thượng tá Vũ Xuân Đại, Đoàn trưởng Đoàn Đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm miền Nam, Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP, người trực tiếp chỉ đạo Chuyên án A3-121.2 cho biết: “Xác định đây là đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia với số lượng lớn, được tổ chức quy mô, tinh vi, vì vậy, Ban Chuyên án đã huy động nhiều trinh sát đánh án dày dạn kinh nghiệm, sử dụng có hiệu quả các phương tiện, trang bị kỹ thuật hiện đại. Đồng thời, nghiên cứu, phân tích, dự đoán các tình huống và đề ra các phương án đánh bắt hiệu quả, đảm bảo khi phá án phải đáp ứng được cùng lúc 3 yếu tố: Bắt giữ được đối tượng, thu giữ được tang vật và đảm bảo an toàn tuyệt đối về mọi mặt”.

Việc đấu tranh, bóc gỡ nhiều đường dây ma túy lớn, xuyên quốc gia có tính chất quốc tế trong thời gian qua đã khẳng định vai trò “chủ công” của lực lượng BĐBP trong đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, nhất là tội phạm ma túy trên các tuyến biên giới.

Đại tá Nguyễn Văn Hiệp, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP cho biết: “Thời gian qua, dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, các lực lượng chức năng, nhất là BĐBP đã tăng cường tuần tra, chốt chặn trên các tuyến biên giới để phòng, chống dịch Covid-19. Nhưng do lợi nhuận “kếch xù” từ việc mua bán, vận chuyển ma túy, nên các đối tượng vẫn gia tăng hoạt động, “quyết” đưa ma túy từ khu vực “Tam giác vàng” vào Việt Nam để đi các quốc gia khác tiêu thụ. Đặc biệt, ở một số tỉnh miền Trung, Tây Nam bộ và khu vực cảng biển thành phố Hồ Chí Minh, nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, trang bị vũ khí, sẵn sàng chống trả lực lượng truy bắt. Vì vậy, với quyết tâm ngăn chặn nguồn ma túy thẩm thấu qua biên giới, Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP thường xuyên, kịp thời bám sát sự chỉ đạo của cấp trên, chủ động triển khai đến các đơn vị, thực hiện có hiệu quả công tác nghiệp vụ cơ bản, xác lập chuyên án để đấu tranh, triệt phá các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn, xuyên quốc gia”.

Đối tượng Tráng Xuân Năng cùng tang vật 227,5kg trong Chuyên án A121.p bị lực lượng chức năng bắt giữ ngày 3-4-2021. Ảnh: Ban Chuyên án cung cấp

Tuy nhiên, thực tế đấu tranh cho thấy, hoạt động của tội phạm ma túy tại Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là tuyến biên giới Việt Nam-Campuchia và tuyến biên giới Việt Nam-Lào. Qua các chuyên án, vụ án cho thấy, hoạt động của tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, liều lĩnh, có sự tham gia, móc nối chặt chẽ của nhiều đối tượng ở các quốc gia khác nhau.

Phần lớn những đường dây mua bán, vận chuyển ma túy có quy mô lớn đều do các đối tượng là người nước ngoài chủ mưu, cầm đầu móc nối với các đối tượng người Việt Nam để hoạt động. Các đối tượng hoạt động chuyên nghiệp, dưới sự điều hành từ "ông trùm” người nước ngoài, hoạt động của đường dây được phân công theo từng công đoạn cụ thể, mỗi “mắt xích” chỉ biết một việc duy nhất.

Đặc biệt, các đối tượng vận chuyển ma túy thuê đều không hề biết mặt nhau, mỗi đối tượng có nhiệm vụ riêng, từ canh gác đến vận chuyển và nguy hiểm hơn, chúng đều mang theo vũ khí nóng, nếu bị phát hiện, truy đuổi, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng để thoát thân.

Cùng với đó, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu triệt để lợi dụng những tiến bộ của khoa học công nghệ, sử dụng nhiều phương tiện và cách thức liên lạc khác nhau để điều hành các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy. Ngoài ra, các đối tượng sử dụng nhiều loại phương tiện vận chuyển hiện đại và thường xuyên thay đổi theo từng cung đường để đánh lạc hướng cơ quan chức năng.

Lê Đồng