Ban biên tập: truyenthong.cssb@gmail.com
NỔI BẬT

Những mô hình hiệu quả trong phòng, chống tội phạm ma túy

Đều đặn vào dịp tháng 6 hàng năm, BĐBP các tỉnh, thành phố lại sôi nổi các hoạt động hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống ma túy và Ngày Toàn dân phòng, chống ma túy (26/6), với nhiều hình thức truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật đa dạng, thu hút đông đảo nhân dân các dân tộc tham gia.

Cán bộ BĐBP Bình Phước tuyên truyền cho nhân dân phòng ngừa, ngăn chặn ma túy xâm nhập vào xóm, ấp. Ảnh: Tuệ Lâm

Đặc biệt, khi Luật Phòng, chống ma túy được Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 30/3/2021 và Luật Biên phòng Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, thì các mô hình, phong trào trong phòng, chống ma túy của BĐBP đã triển khai trong những năm qua càng được tăng cường và đẩy mạnh hơn nữa. Qua đó, góp phần hạn chế tình trạng mua bán, sử dụng ma túy tại khu vực biên giới, biển đảo.

Từ yêu cầu của nhiệm vụ cũng như chủ trương phát huy vai trò bảo vệ trị an của quần chúng nhân dân, BĐBP đã sáng tạo nên nhiều phương án, kế hoạch tác chiến và các mô hình vận động quần chúng nhằm đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm trên khu vực biên giới, nhất là tội phạm ma túy. Phát huy sức mạnh tổng hợp của các ngành chức năng, Bộ Tư lệnh BĐBP đã kí kết nhiều quy chế phối hợp với các lực lượng hữu quan như: Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an); Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển (Bộ Quốc phòng); Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan); Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội)...

Trước hết, trong công tác đấu tranh phòng chống ma túy, hỗ trợ người nghiện cai nghiện và tái hòa nhập cộng đồng, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo các đơn vị chủ động triển khai các mô hình, cách làm phù hợp với yêu cầu mà thực tiễn đặt ra. Trong đó, đặc biệt hiệu quả là mô hình kết hợp quân dân y cai nghiện ma túy của BĐBP các tỉnh Lai Châu, Nghệ An, Điện Biên, Quảng Bình, Hà Tĩnh... Các cán bộ tham gia trực tiếp cai nghiện và hỗ trợ người nghiện sau cai được Bộ Tư lệnh BĐBP phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đào tạo, tập huấn chuyên sâu về nhận thức, kỹ năng cai nghiện, phương pháp quản lý sau cai và hỗ trợ đưa người nghiện tái hòa nhập cộng đồng.

Bên cạnh đó, công tác cai nghiện của BĐBP còn được kết hợp đồng bộ với các biện pháp phòng, chống ma túy khác hoặc các giải pháp kinh tế - xã hội của địa phương. Nhiều đối tượng nghiện hút đã cai nghiện thành công, quay trở về hòa nhập cộng đồng, làm ăn phát triển kinh tế. Nhiều người nhiễm HIV cũng đã dần xóa bỏ mặc cảm để tham gia các “Câu lạc bộ đồng đẳng”, “Câu lạc bộ tình thương” do BĐBP hỗ trợ thành lập để cùng giúp đỡ nhau chăm sóc sức khỏe và lao động sản xuất. Sự chủ động, tích cực của các đơn vị cũng như nỗ lực của đội ngũ cán bộ Biên phòng chuyên trách đã từng bước đẩy lùi và loại bỏ dần tệ nạn nghiện ma túy, giữ vững an ninh chính trị, ổn định đời sống kinh tế, trật tự an toàn xã hội.

Trên khu vực biên giới nước ta, nhờ sự nỗ lực suốt nhiều năm, các đơn vị BĐBP đã tuyên truyền, vận động nhân dân các dân tộc đồng lòng, thống nhất sát cánh cùng BĐBP đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm ma túy để bảo vệ an ninh trật tự thôn, bản. Đến nay, các phong trào “Tiếng kẻng vùng biên”, “Biên giới bình yên, nội biên vững mạnh”, “Giáo xứ không có tệ nạn xã hội và tự quản an ninh trật tự”, “Cụm liên kết đảm bảo an ninh trật tự tuyến biên phòng”... được tổ chức rộng khắp trên cả hai tuyến biên giới đất liền và biển đảo. Từ những nguồn tin do nhân dân cung cấp và sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân, Bộ Tư lệnh BĐBP đã tập trung triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đấu tranh, ngăn chặn các âm mưu, thủ đoạn hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch, các đối tượng vi phạm pháp luật trên biên giới, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Cùng với đó, những năm gần đây, Bộ Tư lệnh BĐBP đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế, quan hệ phối hợp với lực lượng chức năng các nước láng giềng trong đấu tranh phòng chống tội phạm xuyên biên giới. BĐBP đã chủ động phối hợp với lực lượng chức năng của Trung Quốc, Lào, Campuchia tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ lẫn nhau như đào tạo, tập huấn nghiệp vụ, trao đổi kinh nghiệm, diễn tập phòng chống khủng bố và các loại tội phạm. Công tác phối hợp, hiệp đồng đạt hiệu quả cao, bắt giữ, triệt phá hàng nghìn đường dây buôn bán ma túy, mua bán người và gian lận thương mại lớn tại khu vực biên giới chung.

Tiếp đó, với mục đích tuyên truyền, vận động cho người dân hai bên biên giới hiểu rõ tác hại của ma túy, hiểu hơn về các hành vi vi phạm pháp luật và dần xóa bỏ tệ nạn buôn bán, vận chuyển ma túy, năm 2011, Bộ Tư lệnh BĐBP đã triển khai Kế hoạch 1048 về việc phối hợp giải quyết tình hình phức tạp mua bán, vận chuyển ma túy tại địa bàn biên giới Việt - Lào tuyến Sốp Bâu, Hủa Phăn (Lào) và Mộc Châu, Sơn La (Việt Nam). Đây là mô hình điểm của sự phối hợp giữa BĐBP với cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp và lực lượng công an nước bạn Lào. Hiệu quả không thể phủ nhận của mô hình đã được Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước) đánh giá là “Mô hình sáng tạo mang tầm quốc tế”.

Từ thành công của Kế hoạch 1048 tại khu vực biên giới Sơn La, BĐBP tiếp tục triển khai Kế hoạch 1086 ngày 2/8/2013 của BĐBP Thanh Hóa về “Giải quyết tình hình phức tạp của tội phạm ma túy và tệ nạn ma túy địa bàn biên giới huyện Mường Lát”; Phương án số 3597/PA-BTL ngày 4/11/2014 về “Đấu tranh, ngăn chặn tội phạm vận chuyển ma túy có vũ trang trên khu vực biên giới tỉnh Sơn La”; Kế hoạch 1368 ngày 30/5/2015 của BĐBP Nghệ An về “Giải quyết tình hình phức tạp về ma túy trên địa bàn biên giới huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An và huyện Noọng Hét, tỉnh Xiêng Khoảng của Lào”; Kế hoạch 1355/KH-CPCMT&TP ngày 11/10/2015 về “Điều tra, khảo sát hoạt động tội phạm ma túy từ Sầm Nưa, tỉnh Hủa Phăn ra khu vực biên giới của bạn vào huyện Mộc Châu, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La”...

Năm 2019, Kế hoạch 1048 được Bộ Tư lệnh BĐBP nhân rộng trên 10 tỉnh tuyến biên giới Việt Nam - Lào và hiện tiếp tục được nhân rộng trên địa bàn biên giới cả nước. Trên cơ sở điều tra, hệ thống lại tình hình cơ bản, kết hợp tổ chức họp dân, tuyên truyền tại cộng đồng, ký cam kết không mua bán, tiếp tay cho tội phạm vận chuyển ma túy, BĐBP đã nhận được sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương và các ban, ngành để triển khai từng nội dung đến từng bản, từng nhà và từng người dân.

Điều đáng nói là tầm ảnh hưởng khi thực hiện các Kế hoạch 1048, 1086 và 1355 đã có sự lan tỏa đến các bản đối diện bên kia biên giới. Hiện nay, lực lượng chức năng của tỉnh Hủa Phăn và tỉnh Xiêng Khoảng, Lào cũng đã có nhiều giải pháp hiệu quả để đảm bảo trật tự khu vực biên giới nước bạn.

Cùng với thành công của Kế hoạch 1048, Bộ Tư lệnh BĐBP cũng chỉ đạo BĐBP các tỉnh, thành phố triển khai hiệu quả một số quy định tại Thông tư 78/2013/TT-BQP như: BĐBP khi giải cứu hoặc chủ trì tiếp nhận nạn nhân mua bán người do nước ngoài trao trả; hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu cho nạn nhân, bố trí chỗ ở tạm thời, chăm sóc sức khỏe ban đầu, hỗ trợ tâm lý xóa bỏ mặc cảm, hỗ trợ tiền tàu xe, tiền ăn trong thời gian đi đường, hướng dẫn làm thủ tục nhận chế độ hỗ trợ theo quy định của pháp luật đối với nạn nhân có nguyện vọng về nơi cư trú...

Các đơn vị cũng chủ động phối hợp với lực lượng Công an, chính quyền, đoàn thể địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho quần chúng nhân dân khu vực biên giới nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người thông qua hàng vạn buổi họp dân ở khu dân cư, các buổi sinh hoạt, hội họp của các tổ chức đoàn thể địa phương.

Có thể thấy rằng, trên mặt trận phòng chống các loại tội phạm, BĐBP đã luôn thể hiện tinh thần quyết tâm, không ngừng nâng cao năng lực chiến đấu, phát huy sức mạnh tổng hợp của các ban, ngành, lực lượng chức năng, các tổ chức chính trị - xã hội và quần chúng nhân dân để giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Đức Hải