Ban biên tập: truyenthong.cssb@gmail.com
NỔI BẬT

Vimeo bị đâm đơn kiện vì "làm ngơ" cho người dùng vi phạm bản quyền âm nhạc

DNVN - Nền tảng phát trực tuyến video Vimeo đang bị các tổ chức âm nhạc toàn cầu đâm đơn kiện vì đã “làm ngơ” cho các nội dung âm nhạc vi phạm bản quyền được tải lên. Cách đây nhiều năm, Vimeo từng thắng kiện tương tự tại Mỹ và chiến thắng được xem là “đòn giáng mạnh vào các hãng thu âm”. Liệu lần này, Vimeo có tiếp tục may mắn?

Vi phạm bản quyền âm nhạc chưa bao giờ hết "nóng"

Dịch vụ phát trực tuyến video Vimeo đang tái định vị các hoạt động, chủ yếu tập trung vào giao dịch B2B. Điều này dường như là một điều tích cực đối với các nghệ sĩ và nhãn hàng, giúp họ giới thiệu các video của mình, thay thế cho nền tảng YouTube. Tuy nhiên, tình hình của Vimeo không được suôn sẻ tại Italy khi đang có những cuộc đấu giá giữa Vimeo và các chủ sở hữu bản quyền âm nhạc. Một vụ kiện đã được tổ chức âm nhạc toàn cầu IFPI, cơ quan quốc gia Ý Fimi và tổ chức chống vi phạm bản quyền FPM cùng phối hợp chống lại Vimeo.

Theo tuyên bố của IFPI về hành động pháp lý trên, thì đơn kiện được đưa ra do Vimeo thất bại trong việc ngăn chặn các tác phẩm âm nhạc không có giấy phép xuất hiện trên nền tảng của mình. Giám đốc điều hành Frances Moore của IFPI giải thích rằng: “Vimeo không thực hiện nghĩa vụ với tư cách là một dịch vụ chia sẻ nội dung trực tuyến, tiến hành các bước hiệu quả nhằm ngăn chặn việc cung cấp nhạc không có giấy phép trên trang web của mình. Một số lượng đáng kể các tác phẩm nhạc không có giấy phép đang được tải lên trên dịch vụ của Vimeo”.

vimeo

Cách đây nhiều năm, Vimeo từng thắng kiện tương tự tại Mỹ và chiến thắng được xem là “đòn giáng mạnh vào các hãng thu âm”. Liệu lần này, Vimeo có tiếp tục may mắn?

Hành động pháp lý này diễn ra ngay sau khi Vimeo được định giá hơn 5 tỷ USD trong vòng tài trợ 300 triệu USD mới đây. Sau đó, công ty đã công bố kết quả tài chính tiết lộ doanh thu đạt 89,4 triệu USD trong quý đầu tiên của năm 2021. Công ty mẹ IAC của Vimeo cũng đang chuẩn bị phát triển nền tảng video như một doanh nghiệp độc lập và sau đó niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq ở New York.

Theo trang Complete Music Update, có một câu nói trong cộng đồng người sáng tạo trên YouTube - đặc biệt là các nhà sáng tạo, về việc đưa nội dung của người khác vào video của họ như sau: “Nếu Content ID chặn không cho bạn tải lên một nội dung nào đó vì lý do bản quyền, bạn chỉ cần dán nó lên Dailymotion hoặc Vimeo bởi vì, nó sẽ lên ngay dù có bản quyền hay không”. Điều này có ý nghĩa mỉa mai rằng nền tảng Vimeo rất dễ dãi, cho phép mọi nội dung vi phạm bản quyền được tải lên.

Như trên đã nói, ngành công nghiệp thu âm đang có hành động pháp lý đối với nền tảng chia sẻ video Vimeo về các cách quản lý bản quyền và yêu cầu gỡ bỏ những nội dung vi phạm bản quyền. Hiện Vimeo cũng có sẵn các hệ thống cho phép chủ sở hữu nội dung bản quyền có thể yêu cầu xóa các video chứa nội dung của họ một cách bất hợp pháp.

Các nền tảng chia sẻ video cần có một hệ thống như vậy để các nền tảng đó có thể yêu cầu bảo vệ bản quyền và tránh trách nhiệm pháp lý đối với bất kỳ tài liệu vi phạm nào trên máy chủ của họ. Mặc dù vậy, hệ thống quản lý quyền trên Vimeo cũng không được nghiêm ngặt như Content ID của YouTube.

Vimeo từng thắng kiện bản quyền lớn tại Mỹ

Đây không phải là lần đầu tiên Vimeo bị ngành công nghiệp thu âm kiện về bản quyền, mặc dù vụ kiện trước đó kéo dài nhưng không thành công tại các tòa án ở Mỹ - nguyên nhân liên quan đến việc công ty thu âm EMI được Universal mua lại. Vụ kiện đó bắt đầu từ năm 2009 đến tận năm 2016.

Bình luận về vụ kiện Vimeo bất thành lúc đó, hãng tin Reuters cho biết một tòa án phúc thẩm của Mỹ đã ra phán quyết rằng trang web chia sẻ video Vimeo LLC không thể chịu trách nhiệm về tội vi phạm bản quyền vì vô tình lưu trữ nhạc cũ do người dùng tải lên. Reuters cho rằng phán quyết đã giáng một đòn mạnh vào các hãng thu âm đang tìm kiếm biện pháp bảo vệ bản quyền rộng rãi.

Vụ việc do các tập đoàn âm nhạc Capitol Records và Sony Corp theo đuổi rất được Thung lũng Silicon chú ý, Vimeo cũng kêu gọi sự hỗ trợ của Facebook, Twitter, Alphabet của Google và các công ty khác.

Michael Cheah, Tổng cố vấn của Vimeo, cho biết trong một tuyên bố vào lúc đó rằng: “Phán quyết hôm nay của tòa phúc thẩm là một chiến thắng đáng kể cho không chỉ Vimeo mà còn cho tất cả các nền tảng trực tuyến cho phép người sáng tạo chia sẻ nội dung với thế giới”.

Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Mỹ, tập đoàn thương mại của các hãng ghi âm, cho biết họ rất thất vọng với phán quyết, và phán quyết được đưa ra bất chấp bằng chứng cho thấy chính sách công ty của Vimeo thực tế theo hướng khác.

Vụ việc sau khi được phán quyết với phần chiến thắng dành cho Vimeo đã tập trung vào việc giải thích Đạo luật Bản quyền Thiên niên kỷ Kỹ thuật số, hay DMCA, của Mỹ. Luật bảo vệ các nhà cung cấp dịch vụ Internet khỏi trách nhiệm pháp lý khi người dùng tải lên nội dung có bản quyền, trong khi yêu cầu họ xóa tài liệu nếu họ nhận được thông báo vi phạm bản quyền hoặc tự biết đó là hành vi vi phạm.

Như đã nói, đơn kiện, được đệ trình vào năm 2009 và kéo dài đến năm 2016, cáo buộc vi phạm bản quyền đối với âm nhạc trong 199 video mà người dùng Vimeo đã tải lên trang web.

Trước đó, thẩm phán quận Ronnie Abrams của Mỹ vào năm 2013 đã phán quyết Vimeo được bảo vệ theo các điều khoản về bến cảng an toàn của DMCA liên quan đến 153 video.

Liệu Vimeo hay nạn vi phạm bản quyền âm nhạc có tiếp tục may mắn thoát án?

Với vụ kiện mới, cuộc chiến pháp lý giữa Capitol Records và Vimeo ngày xưa bằng cách nào đó vẫn đang tiếp diễn. Liệu lần này, Vimeo có may mắn như đã từng?

“Các hãng thu âm đầu tư rất nhiều vào việc phát hiện, nuôi dưỡng và quảng bá nghệ sĩ”, Giám đốc điều hành Frances Moore của IFPI nói. “Việc cung cấp các bản ghi âm không có giấy phép sẽ làm tổn hại đến khả năng đảm bảo lợi tức đầu tư của các hãng thu âm, vốn rất quan trọng đối với khả năng đầu tư vào nghệ sĩ mới của họ”.