Ban biên tập: truyenthong.cssb@gmail.com
NỔI BẬT

Doanh nghiệp gặp khó vì lãi suất cho vay neo cao

Lãi suất cho vay đang neo ở mức cao khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp phải “liệu cơm gắp mắm” để duy trì hoạt động.

Lợi nhuận bị ăn mòn

Doanh thu giảm mạnh, trong khi chi phí tài chính tăng, chủ yếu là gánh khoản lãi vay lớn, khiến lợi nhuận của các doanh nghiệp bị bào mòn. Điều này có thể thấy rõ thông qua báo cáo kết quả kinh doanh quý IV/2022 của các doanh nghiệp.

Đơn cử, tại Công ty cổ phần Sản xuất, Kinh doanh, Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex), trong quý IV/2022, doanh thu thuần giảm 81%, chỉ đạt gần 262 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2021 đạt gần 1.400 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế giảm 92%, thu về chưa đến 10 tỷ đồng.

Tương tự, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng ghi nhận doanh thu thuần năm 2022 chỉ đạt hơn 4.156 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2021. Trong quý IV/2022, doanh thu hoạt động tài chính của Vinatex đã tăng đáng kể lên gần 246 tỷ đồng, cao gấp 2,3 lần cùng kỳ. Tuy nhiên, chi phí tài chính cũng tăng gấp đôi, lên hơn 192 tỷ đồng. Lợi nhuận từ hoạt động liên doanh liên kết của Tập đoàn cũng giảm 19% trong quý IV, về còn 191 tỷ đồng. 

Các chi phí ăn mòn lợi nhuận, Vinatex lỗ hơn 5 tỷ đồng quý IV/2022 và cũng là quý thua lỗ đầu tiên kể từ khi cổ phần hóa (năm 2014) đến nay. Lãnh đạo Vinatex lý giải, kết quả thua lỗ này là do ảnh hưởng từ chính sách Zero-Covid của Trung Quốc, dẫn đến nhu cầu của một số thị trường giảm vào thời điểm cuối năm, từ đó ảnh hưởng đến tình hình tiêu thụ và giá hàng tồn kho sợi. Các công ty sợi thành viên của Tập đoàn đã phải trích đầy đủ dự phòng giảm giá hàng tồn kho để phù hợp với giá thị trường. 

Không chỉ ngành dệt may, mà doanh nghiệp các lĩnh vực khác cũng đang gặp nhiều khó khăn do doanh thu giảm, nhưng chi phí đầu vào, đặc biệt là chi phí tài chính tăng. Hầu hết doanh nghiệp hoạt động bằng vốn vay, dù là USD hay VND, thì việc lãi suất tăng đều tác động tiêu cực, làm đội chi phí tài chính của doanh nghiệp.

Năm 2022, các doanh nghiệp vay USD bị ảnh hưởng kép do biến động tỷ giá lẫn lãi suất. Đến nay, tỷ giá hạ nhiệt, nhưng lãi suất vay vẫn neo cao, cộng thêm dự báo giá điện, chi phí đầu vào khác tăng, sẽ "ăn" vào lợi nhuận của doanh nghiệp.

Mong sớm hạ lãi suất

Những ngày làm việc trở lại sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão, ông Đặng Ngọc Quý, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Chế biến - Xuất nhập khẩu trái cây Tam Nguyên (tỉnh Tây Ninh) “đứng ngồi không yên” vì 3 đơn hàng xuất rau củ, trái cây đông lạnh đi Nhật Bản, Hàn Quốc và Malaysia ký từ đầu năm chưa thể triển khai do thiếu vốn.

Theo chia sẻ của ông Quý, thời gian qua, công ty ông nhận được nhiều đề nghị đặt hàng của các đối tác ở châu Á, châu Âu, nên có kế hoạch mở rộng nhà xưởng, xây thêm xưởng khác để tăng năng lực sản xuất, đáp ứng nhu cầu đặt hàng, song hiện tại tất cả đều phải tạm hoãn vì không có vốn.

“Thời điểm trước Tết, bên phía ngân hàng có động viên chúng tôi tất toán hợp đồng vay, rút tài sản thế chấp về để làm hồ sơ tái vay vốn. Thế nhưng, khi hồ sơ tái vay được thẩm định xong thì lại yêu cầu chờ rồi trả lời là không được duyệt”, ông Quý nói và cho biết thêm, không chỉ công ty ông, mà nhiều doanh nghiệp của bạn bè ở TP.HCM và các tỉnh đều gặp tình huống tương tự. Nếu tình trạng “đói” vốn này kéo dài thêm vài tháng, sẽ có nhiều doanh nghiệp không cầm cự được.

“Hiện công ty không đủ tiền để thu mua nguyên liệu, tổ chức sản xuất theo tiến độ đơn hàng. Chúng tôi đang tìm mọi cách xoay vốn và khả năng sẽ phải thương lượng với đối tác để kéo dài thời gian thực hiện đơn hàng”, ông Quý nói.

Ở góc độ khác, ông Trần Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn cho biết, các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu hiện nay chỉ có nhu cầu giảm lãi suất chứ không có nhu cầu vay mới. Bởi lẽ, các doanh nghiệp đang phải cạnh tranh khá gay gắt, họ buộc phải nhận đơn hàng với giá thấp để tạo việc làm cho người lao động, do đó nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp rất ít.

Vị lãnh đạo này chia sẻ, hầu hết doanh nghiệp đang phải “liệu cơm gắp mắm” để duy trì hoạt động. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp có hạn mức tín dụng nhưng không dám đăng ký giải ngân, vì với mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay, việc vay vốn ngân hàng sẽ khiến chi phí doanh nghiệp đội lên rất lớn.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), ông Nguyễn Ngọc Hòa kiến nghị, các ngân hàng nên có sự đồng hành chia sẻ nhiều hơn với cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Cần có giải pháp rõ ràng, cũng như có lộ trình cụ thể trong vòng 6 tháng tới để kéo lãi suất dài hạn xuống, nhằm kích thích đầu tư.

“Với mức lãi suất dài hạn trên 10%/năm như hiện nay thì doanh nghiệp không có cửa để đầu tư sản xuất, kinh doanh hiệu quả”, ông Hòa thẳng thắn.