Ban biên tập: truyenthong.cssb@gmail.com
NỔI BẬT

Tại sao lại có mức thuế suất tối thiểu toàn cầu

Theo chuyên gia Nguyễn Thy Nga, Viện trưởng Viện Quản trị Chính sách và Chiến lược phát triển (thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), thuế suất doanh nghiệp thường được coi là một biến trong mô hình FDI đa biến.

Viện trưởng Nguyễn Thy Nga, tác giả Báo cáo tổng hợp Đánh giá tác động thuế suất tối thiểu toàn cầu trên các Quốc gia và Khuyến nghị chính sách cho Việt Nam, Viện Quản trị Chính sách và Chiến lược phát triển
Viện trưởng Nguyễn Thy Nga, tác giả Báo cáo tổng hợp Đánh giá tác động thuế suất tối thiểu toàn cầu trên các Quốc gia và Khuyến nghị chính sách cho Việt Nam, Viện Quản trị Chính sách và Chiến lược phát triển

Trong hầu hết các trường hợp, tác động của việc giảm phần trăm thuế doanh nghiệp được dự đoán sẽ dẫn đến mức tăng FDI ước tính.

Tuy nhiên, không có mối tương quan nào giữa mức thuế doanh nghiệp thấp hơn và mức vốn FDI cao hơn trên quy mô toàn cầu. Trên thực tế, cũng không có mối tương quan đáng kể nào khi xem xét lượng vốn FDI trên đầu người hoặc khi chỉ tập trung vào FDI vào lĩnh vực xanh (và FDI trên đầu người vào lĩnh vực xanh). Các động lực FDI quan trọng khác như quy mô thị trường, nhân công, sự ổn định,  môi trường kinh doanh… đóng vai trò chính trong việc thúc đẩy các quyết định.

Thuế doanh nghiệp ảnh hưởng khác nhau đến trung tâm thương mại và trung tâm sản xuất

Ngoài ra còn có một điểm khác biệt quan trọng được thực hiện khi xem xét tác động của thuế doanh nghiệp đối với FDI xét theo loại hình hoạt động kinh doanh. Mức thuế doanh nghiệp thấp hơn có nhiều khả năng tác động đến các trung tâm thương mại hơn là các hoạt động của trung tâm sản xuất.

Ví dụ, trụ sở chính và văn phòng kinh doanh giới thiệu sản phẩm sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn khi thay đổi thuế suất doanh nghiệp. Các hoạt động phần mềm và R&D có thể sẽ ít bị ảnh hưởng hơn khi thuế suất thay đổi vì các hoạt động này tập trung vào chi phí nhiều hơn và chịu ảnh hưởng ít hơn bởi thuế và nhiều hơn bởi chất lượng lao động, nghiên cứu và mạng lưới.

FDI dựa trên nhu cầu thị trường cũng sẽ ít bị ảnh hưởng hơn trong việc thay đổi tỷ lệ thuế. Ví dụ như Mỹ (với thuế suất doanh nghiệp 27%) và Trung Quốc (25%) tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng FDI. Điều này là do các công ty chấp nhận đánh đổi trả thuế cao hơn để tiếp cận cơ sở khách hàng lớn hơn.

Tại sao lại có mức thuế suất tối thiểu toàn cầu?

Trong bối cảnh chính sách về thuế tối thiểu toàn cầu được yêu cầu áp dụng ngay từ tháng 1 năm 2024. Các chính sách ứng phó với tác động của thuế suất tối thiểu toàn cầu (Trụ cột II) nên được xây dựng cẩn trọng trong ngắn hạn cũng như dài hạn.

Trong ngắn hạn, việc có áp dụng cơ chế thuế tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn để giành quyền thu thuế nên được cân nhắc sớm, đối chiếu với quy định của OECD cũng như vấn đề về lợi ích và chi phí nếu thực hiện. Trong dài hạn, hệ thống thuế cùng với các ưu đãi thuế cũng cần được xem xét cải cách nhằm hạn chế tác động tiêu cực của Trụ cột II, đảm bảo thu hút đầu tư thực chất, hạn chế các hoạt động làm xói mòn cơ sở thuế và dịch chuyển lợi nhuận.

Nếu các nước ASEAN và Việt Nam thực sự mong muốn vượt qua các thách thức về phát triển bền vững như biến đổi khí hậu, bất bình đẳng ngày càng gia tăng, và tỷ lệ nghèo cao, các nước này cần chấm dứt cuộc đua xuống đáy với những cam kết chính trị mạnh mẽ nhằm cải thiện việc huy động nguồn thu nội địa, điều càng đặc biệt quan trọng trong bối cảnh phục hồi kinh tế hậu COVID-19. Mức thuế suất doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% sẽ dừng cuộc đua xuống đáy trong việc giảm thuế suất nhiều thập kỷ qua và đang có xu hướng xáo trộn chiến lược về địa điểm đầu tư và cách thức hoạt động của các công ty đa quốc gia.

Từ trước đến nay, thuế doanh nghiệp luôn tồn tại một tình trạng phổ biến về cách đóng thuế của các công ty đa quốc gia. Các quốc gia cạnh tranh mạnh mẽ với nhau để thu hút các doanh nghiệp và nhà đầu tư đến hoạt động kinh tế bằng cách đưa ra nhiều ưu đãi thuế.

Để thu hút FDI, các quốc gia mở cửa thị trường, nhưng do các đối thủ cạnh tranh quốc tế nên họ muốn nới lỏng các quy định đầu tư, bao gồm cả thuế suất. Điều này đã dẫn đến một cuộc chạy đua xuống đáy không thể tránh khỏi khi các quốc gia cắt giảm thuế ngày càng nhiều để duy trì một lựa chọn khả thi cho các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, sau khi các công ty/nhà đầu tư nước ngoài đã tiến hành hoạt động kinh doanh tại quốc gia nước ngoài, họ đã không đóng thuế TNDN một cách công bằng, và từ đó tạo nên gánh nặng thuế cho các doanh nghiệp địa phương.

Bằng cách thiết lập một mức thuế tối thiểu của doanh nghiệp, các chính phủ đảm bảo một mức sàn đối với sự đóng góp của các doanh nghiệp vào ngân sách công, kết thúc cuộc đua xuống đáy của các quốc gia thu hút đầu tư nước ngoài bằng chính sách thuế. Thuế tối thiểu toàn cầu được thiết kế để có một số tác động tích cực ở các quốc gia bị ảnh hưởng bất lợi bởi sự thay đổi lợi nhuận.

Thỏa thuận về thuế suất tối thiểu toàn cầu có thể chấm dứt tình trạng giảm thuế doanh nghiệp kéo dài 4 thập kỷ. Cắt giảm thuế đã hình thành một khía cạnh quan trọng của nền kinh tế trọng cung những năm 1980, ảnh hưởng đến các chính sách của Ronald Reagan ở Mỹ và Margaret Thatcher ở Anh. Lý thuyết cho rằng cách tốt nhất để phát triển nền kinh tế của một quốc gia là giải phóng các công ty khỏi các quy định, cắt giảm thuế suất và cho phép thương mại tự do.