Ban biên tập: truyenthong.cssb@gmail.com
NỔI BẬT

Động lực hiện thực hóa cam kết phát triển bền vững

Tăng cường an sinh xã hội, thúc đẩy chuyển dịch năng lượng, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là những yếu tố quan trọng giúp Việt Nam thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) theo Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc.

Kể từ khi công bố báo cáo quốc gia tự nguyện (VNR) về thực hiện 17 SDGs vào năm 2018, đến nay, nền kinh tế Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung vấp phải nhiều biến động khó lường, từ đại dịch Covid-19 cho đến bất ổn địa chính trị, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này không chỉ dẫn đến tăng trưởng kinh tế giảm tốc mà còn gây ra khó khăn trong công tác thực hiện các SDGs.

Mặt khác, theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, biến đổi khí hậu cũng là yếu tố ảnh hưởng đến tiến trình phát triển bền vững của Việt Nam khi ngày càng tạo ra những tác động tiêu cực đa chiều tới phát triển kinh tế cũng như đời sống xã hội.

Tuy nhiên, bất chấp những thách thức, Việt Nam vẫn duy trì cam kết triển khai Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, đặt mục tiêu thực hiện hóa 17 SDGs đến năm 2030. Đây cũng là lý do Việt Nam tiếp tục xây dựng VNR 2023.

Nỗ lực hiện thực hóa các SDGs của Việt Nam thời gian qua nhận được nhiều đánh giá tích cực. Theo bà Naomi Kitahara, quyền Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam, Việt Nam đã đạt được kết quả tốt trên nhiều mục tiêu. Tiêu biểu trong số đó là mục tiêu số 1 về giảm nghèo, với tỷ lệ nghèo đa chiều chỉ còn 3,6%; mục tiêu số 6 về nước sạch và vệ sinh với 98,1% dân số được sử dụng nước sạch; mục tiêu số 9 về công nghiệp, sáng tạo và phát triển hạ tầng với sự ưu tiên đầu tư vào cơ sở hạ tầng; mục tiêu số 10 về giảm bất bình đẳng thông qua phân bổ nguồn lực chi cho an sinh xã hội tăng 15% mỗi năm.

Bên cạnh những kết quả tích cực, theo bà Kitahara, Việt Nam cũng đang đứng trước nguy cơ hụt hơi trong thực hiện hóa SDGs, đặt biệt ở các mục tiêu như số 2 về xóa nạn đói; số 3 về sức khỏe và cuộc sống tốt; số 4 về giáo dục hay số 5 về bình đẳng giới…

Tuy nhiên, báo cáo VNR chỉ ra, ở những mục tiêu này, Việt Nam cũng đang triển khai tương đối tích cực và đạt được một số thành tựu. Ví dụ, về giáo dục, tỷ lệ hoàn thành bậc tiểu học và trung học cơ sở đạt lần lượt 97,2 và 98%. Về mặt chăm sóc sức khỏe, 91% dân số Việt Nam đã tham gia bảo hiểm y tế.

Ngoài ra, bà Kitahara cho biết, mục tiêu số 13 về hành động về khí hậu; số 16 về cải cách thể chế và số 17 về hợp tác quốc tế đang không có số liệu theo dõi, do đó chưa thể xác định được tiến độ thực hiện của Việt Nam.

Báo cáo VNR cũng chỉ ra 2 “điểm lùi” của Việt Nam trong thời gian gần đây, bao gồm một số yếu tố liên quan đến tiếp cận nguồn năng lượng bền vững và có khả năng chi trả theo mục tiêu số 7 và bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển dịch vụ hệ sinh thái theo mục tiêu số 15.

Ưu tiên hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững

Chỉ còn chưa đầy 7 năm nữa là tới mốc thời hạn 2030 để thực hiện 17 SDGs như Liên hợp quốc đặt ra cũng như Việt Nam đã cam kết. Để đạt được 17 SDGs, theo báo cáo VNR, Việt Nam cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện mục tiêu số 2 về chấm dứt nạn đói, trong đó đặc biệt giải quyết tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ, trẻ em dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, cần nỗ lực hơn nữa trong một số việc như giải quyết vấn đề bạo lực giới và gánh nặng công việc chăm sóc gia đình không lương để thực hiện mục tiêu số 5; thúc đẩy việc làm bền vững, duy trì tăng trưởng kinh tế bao trùm để thực hiện mục tiêu số 8.

Ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học giáo dục tài nguyên và môi trường, Bộ Kế hoạch và đầu tư, đề xuất, trong bối cảnh hiện tại, cần ưu tiên thực hiện hỗ trợ phục hồi hậu Covid-19, ưu tiên phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, ngăn ngừa và thích ứng với biến đổi khí hậu. Cam kết tại COP26 của Thủ tướng Chính phủ cũng là tiền đề quan trọng để triển khai thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

Còn theo bà Kitahara, Việt Nam nên tập trung đầu tư vào bảo trợ xã hội, bởi “đầu tư 1 đồng cho an sinh xã hội thì sẽ đem lại nhiều hơn so với 1 đồng GDP, nhiều hơn 1 đồng để Việt Nam thực hiện mục tiêu 2030”. Trong đó, một số giải pháp cần làm ngay như cải thiện sức khỏe toàn dân, giảm bất bình đẳng giới, giảm tác động từ ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, chuyển dịch năng lượng cũng là yếu tố cần được ưu tiên trong tiến trình hiện thực hóa 17 SDGs, đặc biệt đối với quốc gia có nhu cầu sử dụng năng lượng chưa ổn định và tăng nhanh qua các năm như Việt Nam.