Chiều 22-6, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam (VCEA) tổ chức tọa đàm "Điện mặt trời mái nhà cho doanh nghiệp: Nhu cầu, lợi ích và giải pháp phát triển". 

Theo ông Trần Ngọc Long, Giám đốc phát triển kinh doanh CME Sola, nếu doanh nghiệp (DN) có dòng tiền nhàn rỗi lớn, thì có thể tự đầu tư. Nếu không, không nên đi vay tiền để đầu tư vì so với tỉ suất sinh lời của điện mặt trời với lãi suất ngân hàng thì phần lợi ích thu lại cho DN là không đáng để triển khai. 

Từ quan điểm này, ông Long cho rằng DN không nên tự đầu tư điện mặt trời để sử dụng vì sẽ mất thời gian và nhiều rủi ro, thay vào đó nên chọn cộng tác với các nhà đầu tư về năng lượng tái tạo.

Nhiều vướng mắc trong đầu tư điện mặt trời mái nhà - Ảnh 1.

Các khách mời trao đổi tại tọa đàm "Điện mặt trời mái nhà cho doanh nghiệp: Nhu cầu, lợi ích và giải pháp phát triển"

Hiện nay, khá nhiều nhà đầu tư, nhà phát triển điện mặt trời uy tín, có thương hiệu từ Anh, Đức, Úc… đang hoạt động tại Việt Nam, DN có thể tìm hiểu để cộng tác.

Ông Đào Du Dương, Trưởng Văn phòng đại diện Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam tại TP HCM, cũng cho rằng nếu DN tự đầu tư dự án điện mặt trời mái nhà thì khả năng thu hồi vốn rất khó khăn do Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chỉ cho phép phát triển các dự án điện mặt trời tự dùng, có phụ tải tại chỗ mà không cho đẩy lên lưới (zero export). 

Trong khi đó, giá nguyên vật liệu, vật tư, thiết bị tăng cao cộng với thực tế DN khó tiếp cận vốn để làm dự án điện mặt trời khiến việc tự đầu tư dự án gặp nhiều rủi ro.

Ngoài ra, theo ông Dương, khó khăn lớn nhất đến từ những bất cập về chính sách đang gây bất lợi cho DN và chủ đầu tư dự án điện mặt trời mái nhà.

"Để khuyến khích DN đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời phục vụ sản xuất, Chính phủ cần ban hành chính sách một cách nhất quán, sát với thực tế và có tính ổn định, dài lâu tránh tình trạng ban hành quy định chỉ một năm thậm chí 6 tháng lại điều chỉnh, thay đổi gây ảnh hưởng lớn đến DN" – ông Dương nói.

Theo ông Đào Du Dương, lợi ích của điện mặt trời đã khá rõ ràng, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện triển khai có nhiều vướng mắc. Trong đó, nổi bật lên 7 vướng mắc lớn, bao gồm:

- Các quy định điều kiện lắp đặt cho điện mặt trời vẫn chưa có quy định rõ ràng.

- Thiếu tính nhất quán và quy định xuyên suốt

- Vấn đề phòng cháy chữa cháy.

- Vấn đề nghiệm thu các chủ đầu tư.

- Cần phải có quy định về tiêu chí lắp đặt. Thời gian vừa qua có hiện tượng ồ ạt lắp đặt điện mặt trời mái nhà, khiến bị đội giá thành, chất lượng công trình chưa bảo đảm.

- Cần có định nghĩa về "tự dùng".

- Cần những kênh cung cấp những thông tin chính thống, chính xác

T. Nhân