Ban biên tập: truyenthong.cssb@gmail.com
NỔI BẬT

Bài toán quả trứng con gà của thị trường mua trước trả sau

Với tư duy làm sản phẩm chất lượng, cùng hạ tầng công nghệ AWS đắc lực, Giám đốc Kaypay Việt Nam tin tưởng sẽ giải thành công bài toán lớn của thị trường thanh toán mua trước trả sau (Buy Now Pay Later - BNPL).

Những năm gần đây, việc mua hàng online ngày càng phát triển kéo theo đó là sự đa dạng hoá của các cách thức thanh toán như: thanh toán COD, thanh toán trước khi nhận hàng thông qua chuyển khoản, hoặc ví điện tử...

Đặc biệt, một cách thức mua hàng mới ra đời, đã và đang trở thành xu hướng từ những năm 2019 - 2020, đó là hình thức Mua trước trả sau - Buy Now Pay Later (BNPL), một giải pháp vay tiêu dùng không cần tài sản đảm bảo.

Khách hàng có thể chọn mua những sản phẩm họ muốn dựa trên hạn mức được cấp để chi tiêu, sau đó trả lại khoản tiền sau khoảng thời gian cố định hoặc chia nhỏ thành nhiều đợt dựa theo chính sách của bên cung cấp ứng dụng.

Xuất phát từ nhu cầu của giới trẻ với mong muốn trải nghiệm việc mua sắm nhanh chóng, dịch vụ này được tích hợp vào các bước thanh toán trực tuyến hoặc tại cửa hàng của đơn vị bán lẻ tại Việt Nam.

Thị trường thanh toán tỷ USD

Theo Research & Markets, tổng thanh toán BNPL tại thị trường Việt Nam dự kiến đạt 1,1 tỷ USD vào cuối năm 2022 và có tốc độ tăng 126,4% hằng năm.

Với đội ngũ kỹ sư hơn 1.600 người tại Việt Nam cùng nền tảng công nghệ fintech, bán lẻ được cung cấp cho các đối tác trong và ngoài nước, KMS Technology đã thành lập Kaypay - một startup trong lĩnh vực BNPL có trụ sở tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Lâm Vinh Dự - Giám đốc Kaypay Việt Nam cho biết, điểm khác biệt của Kaypay so với các đơn vị đang triển khai mô hình BNPL trên thị trường đó là ngoài giải pháp thanh toán mua trước trả sau, Kaypay còn nỗ lực đem tới cho khách hàng trải nghiệm mua sắm và giải trí.

Bài toán quả trứng con gà của thị trường mua trước trả sau
Ông Nguyễn Lâm Vinh Dự - Giám đốc Kaypay Việt Nam

So với các hình thức thanh toán thông thường, khách hàng chỉ mất khoảng 1 phút để định danh trên Kaypay và dưới 5 phút cho một khoản chi tiêu được duyệt.

Trong khoảng 2 tháng đầu triển khai, Kaypay thu về tập khách hàng hơn 25.000 người đăng kí. Cùng với đó là 10 nhà cung cấp, 170 nhãn hàng, và hơn 7.000 sản phẩm phục vụ nhu cầu mua sắm đa dạng.

Theo ông Nguyễn Lâm Vinh Dự, thời gian này, mỗi đơn hàng thanh toán qua Kaypay có giá trị trung bình khoảng 700.000 đồng, chủ yếu là các mặt hàng thời trang, mỹ phẩm.

Giám đốc Kaypay gọi đây là cách mà ứng dụng này hạn chế rủi ro trong mô hình BNPL trong thời gian đầu khi Kaypay đang hoàn thiện hệ thống công nghệ và tìm hiểu về tập người dùng. Đó là cung cấp cho khách hàng một hạn mức hợp lí để mua sắm, và lựa chọn các sản phẩm ít có khả năng quy đổi ra tiền như: quần áo, son phấn, đồ skincare...

Với kịch bản lạc quan nhất, ông Dự kỳ vọng Kaypay sẽ phục vụ nhu cầu mua sắm hàng hoá chính hãng chất lượng tích hợp phương thức trả chậm cho phần lớn 45 triệu khách hàng trẻ (MillenialZ) tại Việt Nam trong 3-5 năm tới và mở rộng sang các quốc gia Đông Nam Á.

Bài toán quả trứng con gà

Để đạt được mục tiêu đó, bản thân các công ty BNPL như Kaypay phải gia tăng được số lượng doanh nghiệp chấp nhận giải pháp BNPL của họ, từ đó thu hút nhiều người sử dụng dịch vụ hơn.

Tất nhiên, Giám đốc Kaypay không phủ nhận, tham gia thị trường BNPL cũng giống như bài toán con gà quả trứng. Để thu hút được nhiều đối tác, ứng dụng cần có nhiều người dùng. Và ngược lại, để có nhiều người dùng, Kaypay cần có nhiều đối tác cung cấp đa dạng các mặt hàng, sản phẩm.

Bài toán quả trứng con gà của thị trường mua trước trả sau 1
Trong khoảng 2 tháng đầu triển khai, Kaypay thu về tập khách hàng hơn 25.000 người đăng kí

Lãnh đạo Kaypay cho rằng, công ty sẽ không chạy theo số lượng, mà tập trung vào chất lượng. Công ty sẽ chỉ kết hợp với các nhà cung cấp hàng hóa có nguồn gốc, giá cả tối ưu, chính sách rõ ràng, dịch vụ chăm sóc khánh hàng tốt và hơn hết là đem lại giá trị thực cho người tiêu dùng.

Về chiến lược thu hút khách hàng, ông Nguyễn Lâm Vinh Dự khẳng định sẽ không chạy theo mô hình giảm giá, chiết khấu khủng. Thay vào đó, Kaypay sẽ tập trung xây dựng các công cụ mua sắm thông minh, nâng cao chất lượng dịch vụ, cũng như tăng tính trải nghiệm cho khách hàng.

"Nhìn vào các quốc gia như Ấn Độ hay Indonesia, đã qua rồi thời phát triển ứng dụng dựa vào voucher, bởi đây đã được chứng minh là những mô hình thiếu tính bền vững. Chiến lược lâu dài của một sản phẩm, đó là tự thân nó phải thật tốt, và thực sự có lợi cho khách hàng - giống như cách mà Kaypay đang định vị mình", ông Dự nói.

Về mặt công nghệ, Giám đốc Kaypay tỏ ra tự tin khi đã có kinh nghiệm triển khai các sản phẩm fintech, bán lẻ trước đây. Hơn hết, Kaypay được hỗ trợ đắc lực bởi hạ tầng công nghệ thông tin đám mây điện toán Amazon Web Services (AWS).

Với AWS, Kaypay có thể linh hoạt tăng trưởng nhờ khả năng mở rộng hạ tầng nhanh chóng, nhất là khi nhu cầu mua sắm của khách hàng gia tăng, đồng thời rút ngắn thời gian hoàn thiện sản phẩm và tiết kiệm chi phí vận hành.

"Phía AWS làm việc rất chặt chẽ với Kaypay, nhằm tìm ra các giải pháp tối ưu hóa. Đây không đơn thuần là bài toán chi phí, mà còn là vấn đề con người. Ngoài công việc, có nhiều nhân sự của AWS cũng là bạn bè của chúng tôi, hỗ trợ chúng tôi rất nhiều", Giám đốc Kaypay chia sẻ.