Ban biên tập: truyenthong.cssb@gmail.com
NỔI BẬT

Bộ Tài chính không đồng ý miễn thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay

Hiện mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đã được giảm xuống mức sàn trong khung thuế (còn 1.000 đồng/lít) để hỗ trợ cho các doanh nghiệp hàng không.

Nhiên liệu bay chiếm tỷ trọng khá lớn trong chi phí biến đổi của các hãng hàng không.

Nhiên liệu bay chiếm tỷ trọng khá lớn trong chi phí biến đổi của các hãng hàng không.

Bộ Tài chính vừa có công văn gửi Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines) liên quan đến kiến nghị về các chính sách thuế hỗ trợ các doanh nghiệp hàng không của Vietnam Airlines.

Liên quan đến kiến nghị miễn thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay, Bộ Tài chính cho biết, thuế bảo vệ môi trường là thuế gián thu, thu vào sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường.

Mục đích của chính sách thuế bảo vệ môi trường, theo Bộ Tài chình, là nhằm hạn chế việc nhập khẩu, sản xuất, tiêu dùng các hàng hóa khi sử dụng gây ô nhiễm môi trường, khuyến khích sản xuất và sử dụng các hàng hóa thân thiện với môi trường, giảm phát thải ô nhiễm tại nguồn, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của toàn xã hội; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế bền vững, khuyến khích phát triển kinh tế đi liền giảm ô nhiễm môi trường. Do đó, Luật Thuế bảo vệ môi trường không quy định miễn thuế bảo vệ môi trường .

Theo Bộ Tài chính, nhằm góp phần ổn định giá xăng dầu, kiềm chế lạm phát và tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không, trong thời gian qua Bộ Tài chính đã nghiên cứu, báo cáo Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội và đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội cho phép điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay xuống mức sàn trong khung thuế (còn 1.000 đồng/lít).

Đây là mức điều chỉnh tối đa theo thẩm quyền của Uỷ ban thường vụ Quốc hội được Quốc hội giao tại Luật thuế bảo vệ môi trường. Trường hợp cần điều chỉnh giảm hơn nữa mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay thì cần phải trình Quốc hội xem xét quyết định, tuy nhiên, việc giảm mức bảo vệ môi trường về “0” sẽ không đảm bảo đúng bản chất của sắc thuế này. Ngoài ra, trong thời gian gần đây, giá dầu thô thế giới đã có dấu hiệu hạ nhiệt.

Hiện nay Bộ Tài chính đang phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương đề xuất giải pháp về thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng, dầu để trình Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định phù hợp trong trường hợp giá xăng, dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng cao hoặc vẫn giữ ở mức cao, tác động đến chỉ số lạm phát, kinh tế vĩ mô, sinh kế, đời sống người dân và tăng trưởng nền kinh tế.

Bộ Tài chính cho rằng, việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đã đem lại hiệu ứng tích cực nhất định cho ngành hàng không nói chung và doanh nghiệp vận tải nói riêng, góp phần giúp các doanh nghiệp vận tải hàng không giảm chi phí nhiên liệu đầu vào, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.

So với nhiều ngành sản xuất khác, bên cạnh được hưởng lợi từ những chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí chung, ví dụ, như chính sách giảm 2% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng (từ 10% xuống 8% trong năm 2022) quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội; chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế (thuế GTGT, thuế TNDN...), gia hạn tiền thuê đất hay chính sách miễn giảm một số khoản phí, lệ phí thì ngành hàng không còn được hưởng thêm một số chính sách hỗ trợ khác như việc giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay nêu trên.

Trong bối cảnh cân đối ngân sách nhà nước còn khó khăn nhưng vẫn phải đảm bảo nhiều nhiệm vụ chi quan trọng như chi cho công tác đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, công tác phòng, chống dịch thì các doanh nghiệp cũng cần có sự chia sẻ nhất định với nhà nước.

Do đó, Bộ Tài chính đề nghị Vietnam Airlines thực hiện đúng theo quy định của pháp luật hiện hành về thuế bảo vệ môi trường.