Ban biên tập: truyenthong.cssb@gmail.com
NỔI BẬT

Các startup cần tự cứu lấy mình

Thay vì nghĩ đến các phương án vay nợ, huy động vốn trong điều kiện kinh tế xấu đi, các chuyên gia cho rằng startup cần tập trung vào dòng tiền mà khách hàng chi trả cho sản phẩm, dịch vụ.

Theo số liệu từ Crunchbase, các quỹ mạo hiểm trên toàn cầu đã đầu tư 76 tỉ USD vào các công ty khởi nghiệp trong 3 tháng đầu năm 2023, chưa bằng một nửa so với 162 tỉ USD mà họ đã triển khai trong cùng kỳ năm trước

Bất chấp 2 vòng gọi vốn lớn cho các startup như OpenAI (10 tỉ USD), hay công ty thanh toán Stripe đã huy động được 6,5 tỉ USD, tổng nguồn vốn đầu tư mạo hiểm đổ vào hệ sinh thái startup vẫn sụt giảm.

Bên cạnh đó, sự sụp đổ của Silicon Valley Bank cho vay tập trung vào các công ty khởi nghiệp cũng gây bất ổn cho hệ sinh thái tài công nghệ non trẻ.

Khi điều kiện kinh tế xấu đi sẽ tiếp tục làm giảm tâm lý muốn đầu tư rủi ro của các nhà đầu tư, đồng thời khiến các startup buộc phải đối mặt với sự sụp đổ về định giá, đồng ý với các thỏa thuận nợ trừng phạt, hoặc đối mặt với tình trạng mất khả năng thanh toán.

Trong bối cảnh trên, "tự cứu lấy mình" là từ khóa mà giới đầu tư gửi gắm đến các startup. Theo đó, dòng vốn an toàn và bền vững nhất phải là dòng tiền từ khách hàng chi trả cho sản phẩm, dịch vụ của startup.

Vì thế, các nhà sáng lập cần xem xét lại có bao nhiêu khách hàng trả, bao nhiêu người trung thành… Ngoài ra, doanh nghiệp cũng nên tính những phương án tăng doanh thu dài hạn như khuyến khích khách hàng chi trả các gói dài hạn và cắt giảm bớt những tính năng miễn phí.

Các startup cần tự cứu lấy mình
Tổng nguồn vốn đầu tư mạo hiểm đổ vào hệ sinh thái startup vẫn sụt giảm

Tại Việt Nam, báo cáo đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ 2022 do Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures công bố cũng cho thấy tổng số vốn đầu tư vào startup Việt Nam ở lĩnh vực công nghệ đạt 634 triệu USD, giảm 56% so với con số kỷ lục 1,44 tỉ USD năm trước.

Các thương vụ đầu tư dưới 10 triệu USD giảm nhưng không nhiều bằng mức trên 10 triệu. Tuy nhiên, vòng đầu tư từ 10-50 triệu USD lại tăng so với 2021, điều đó cho thấy các doanh nghiệp ở vòng Pre-A và Series A đã trưởng thành và tiếp tục gọi được vốn.

Tính chung, Việt Nam đứng thứ ba về số thương vụ, nhưng thứ tư về giá trị trong khu vực. Ngành tăng trưởng và thu hút đầu tư nhiều nhất là dịch vụ tài chính, tăng tới 249% so với năm 2021. Kế tiếp là các ngành y tế, giáo dục.

Tổng số nhà đầu tư vào Việt Nam trong năm 2022 là 137, giảm so với 2021 nhưng điều đặc biệt là lần đầu tiên nhóm nhà đầu tư nội địa vươn lên dẫn đầu và đang hoạt động khá tích cực. 

Số lượng thương vụ còn 134, giảm so với 165 thương vụ của năm 2021. Trong 134 thương vụ thì các nhà đầu tư nội địa tham gia 64 vụ với tổng số vốn 287 triệu USD. Các nhà đầu tư nội địa đã thể hiện vai trò quan trọng và là nguồn động lực để hệ sinh thái đổi mới sáng tạo phát triển.

Bà Lê Hoàng Uyên Vy - Giám đốc điều hành Do Ventures cho rằng, các nhà đầu tư đều tin tưởng vào tương lai Việt Nam với nền kinh tế vững chắc, lực lượng dân số trẻ am hiểu công nghệ và sự ủng hộ mạnh mẽ của Chính phủ về đổi mới sáng tạo.

Bà Vy đánh giá, đây là thời kỳ quan trọng, kỳ vọng các startup tập trung vào những yếu tố cốt lõi, xây dựng được những công ty bền vững và có sự uyển chuyển để vươn lên trong khó khăn.