Ban biên tập: truyenthong.cssb@gmail.com
NỔI BẬT

Chủ quán trà sữa: Tưởng ‘oai’ mà ‘khoai’ không tưởng, vừa mở hàng đã bị 20 quán đối thủ bao vây, khách ít lại còn ‘khó chiều’ hơn trước

Một vị khách cho biết hiện anh đã ít uống trà sữa và nếu uống sẽ gọi ít đường để tránh bị tăng cân hoặc tiểu đường.

Zhong Jinglin, một doanh nhân 20 tuổi, đã rất ngạc nhiên khi thấy quán trà sữa mà anh hùn vốn mở cùng bạn bè ở Quảng Đông bỗng chốc bị "bao vây" bởi 20 quán trà sữa tương tự.

Anh chia sẻ với SCMP: "Ngành trà sữa đang thiếu chỗ để tăng trưởng. Điều quan trọng nhất khi đầu tư vào ngành này là bạn phải chọn đúng vị trí thuê mặt bằng và theo kịp sự cạnh tranh gay gắt".

Chỉ sau 1 năm, Zhong và những người đồng thành lập buộc phải đóng cửa công việc kinh doanh do doanh thu giảm mạnh, từ khoảng 6.000 tệ (925 USD)/ngày trong những ngày đầu xuống còn 1.000 tệ/ngày và sau đó là rơi vào cảnh thu lỗ.

Kinh nghiệm "đau thương" của Zhong đại diện cho bức tranh tổng thể về ngành trà sữa ở Trung Quốc, bao gồm sự gia tăng nhanh chóng của các doanh nghiệp mới lẫn việc số lượng công ty ngừng hoạt động ngày càng tăng.

Chủ quán trà sữa: Tưởng ‘oai’ mà ‘khoai’ không tưởng, vừa mở hàng đã bị 20 quán đối thủ bao vây, khách ít lại còn ‘khó chiều’ hơn trước - Ảnh 1.
 

Từ năm 2014 đến 2018, các công ty trà sữa Trung Quốc chứng kiến đà tăng trưởng kép hàng năm là 23%. Dữ liệu của nghiên cứu của iiMedia Research cho thấy đến năm 2019, khoảng 26.000 quán trà sữa đã "sập tiệm" và chỉ 18,8% tổng số quán vẫn bám trụ trên thị trường. Tính đến cuối tháng 11 năm ngoái, đại dịch Covid-19 đã buộc hơn 130.000 công ty trà sữa đóng cửa, chiếm 43% tổng số quán trên thị trường.

Dù vậy, tiền đầu tư vẫn tiếp tục được đổ vào ngành. Theo tạp chí China Venture, khoản đầu tư vào các nhà sản xuất đồ uống trà đã đạt mức cao nhất 10 năm qua trong 6 tháng đầu năm nay, với hơn 5,3 tỷ tệ (818 triệu USD). Con số này của cùng kỳ năm ngoái chỉ là 170 triệu tệ.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp này đang ở ngã ba đường, nơi chứa đựng sự cạnh tranh quá mắc và luồng tiền đầu tư điên cuồng.

Zhang Yi, CEO của iiMedia Research, cho biết: "Bong bóng trà sữa nói chung và chứng cuồng đầu tư nói riêng đang xuất hiện. Làm sao để cải thiện sản phẩm cũng như dịch vụ, đặc biệt là cung cấp thực phẩm lành mạnh, ngon, rẻ là vấn đề quan trọng nhất mà những công ty trong ngành phải đối mặt".

Lai, một thanh niên Thượng Hải, cho biết anh thỉnh thoảng mua trà sữa vào cuối tuần nhưng không uống quá nhiều vì lo lắng cho sức khỏe. Anh cho rằng trà sữa có rất nhiều phụ gia và đường nên nếu uống quá nhiều có thể tăng cân hoặc tiểu đường.

Hiện nay, sở thích của nhiều người tiêu dùng Trung Quốc đã thay đổi bởi họ quan tâm nhiều hơn đến an toàn thực phẩm và sức khỏe. Người tiêu thụ trà sữa là điển hình với việc 70% trong số đó (chủ yếu là thế hệ millennials và GenZ) chú ý đến chất lượng và sự an toàn của đồ uống. Phần lớn có xu hướng chọn ít đường hơn khi đặt hàng.

Chủ quán trà sữa: Tưởng ‘oai’ mà ‘khoai’ không tưởng, vừa mở hàng đã bị 20 quán đối thủ bao vây, khách ít lại còn ‘khó chiều’ hơn trước - Ảnh 2.
 

Nắm bắt xu hướng này, nhiều thương hiệu đã sản xuất trà sữa dùng trái cây tươi, sữa tươi và ít đường hơn. Kiểu pha chế mới trên đã gây bão trong ngành và tạo ra phân khúc có thể trị giá khoảng 110 tỷ tệ trong năm nay.

Tuy nhiên, các nhà sản xuất phải tăng giá lên hơn 30 tệ/cốc – gần gấp 10 lần giá sản phẩm của những thương hiệu cấp thấp hơn. Ngoài ra, họ còn đầu tư để biến quán trà sữa thành "nơi thứ ba" để những người trẻ tuổi tìm đến ngoài trường học/nơi làm việc và nhà của mình. Chính vì vậy, chi phí kinh doanh đều tăng trong khi tăng trưởng lợi nhuận chậm lại. Công ty Nayuki cho biết họ đã lỗ 137 triệu tệ từ năm 2018 đến 2020.

Mặc dù vậy, vẫn có một số hãng trà sữa được định giá cao. Cuối tháng trước, Heytea đã hoàn thành vòng gọi vốn mới và được định giá 60 tỷ tệ. Hay Auntea Jenny – công ty có trụ sở tại Thượng Hải, cũng đã huy động được khoảng 100 triệu tệ vào tháng trước.

Nguồn: SCMP

 

Kairosclerosis

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị