Ban biên tập: truyenthong.cssb@gmail.com
NỔI BẬT

Chuyển đổi văn hoá số trong doanh nghiệp

Chuyển đổi số và chuyển đổi sang nền văn hoá số là một hành trình rất dài, doanh nghiệp cần thay đổi, nâng cấp và hoàn thiện mỗi ngày.

“10 năm qua, tôi vào các doanh nghiệp và thấy rằng cái khó không nằm ở công nghệ vì trên thị trường có nhiều nền tảng mà nằm ở cách tư duy còn lạc hậu, không phù hợp chuyển đổi số. Các doanh nghiệp mua phần mềm và nghĩ mình chuyển đổi số thì đó là sai lầm nghiêm trọng và tổn hại về chi phí và tài nguyên”, ông Phan Tất Thứ, đồng sáng lập Elite PR School nói.

Theo ông Thứ, chuyển đổi số không phải là vấn đề công nghệ, bản chất chuyển đổi số bắt đầu từ thay đổi tư duy và văn hoá. Suốt quá trình chuyển đổi số, doanh nghiệp thay đổi mô hình và cách thức kinh doanh, tạo các giá trị và nền tảng mới. Tuy nhiên, tại các doanh nghiệp, sự thay đổi khó nhất là về tư duy và văn hoá.

Có cùng quan điểm, ông Đỗ Tiến Long, Chủ tịch Hội đồng chuyên gia của Công ty OD Click cho rằng sẽ là vô nghĩa nếu nói về công nghệ 4.0, doanh nghiệp 5.0 mà trình độ của con người còn thấp, chưa thể làm chủ và dẫn dắt công nghệ.

“Quá trình chuyển đổi quản trị và văn hoá doanh nghiệp mới là trọng tâm của chuyển đổi số”, ông Long nói trong toạ đàm “Công nghệ tiên phong - Vận hành tối ưu” do Công ty CP MISA phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội và Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội tổ chức.

Dẫn chứng từ Microsoft, ông Long nhấn mạnh, bản chất chuyển đổi số là quá trình tái cơ cấu liên tục trong tổ chức để đảm bảo mô hình, tư duy quản trị và con người trong hệ thống đủ khả năng thích ứng với công nghệ nhằm tạo hiệu quả vượt trội.

Văn hoá, về bản chất, là sự biểu đạt mang tính đặc trưng về cách mà một tổ chức/đất nước suy nghĩ (biểu hiện trong triết lý), thể hiện trong niềm tin về tương lai (những điều được tin là đúng đắn) và thể hiện trong một hệ giá trị cụ thể (chứ không mơ hồ). Cái chìm sâu phải tương hợp với cái biểu hiện bên trên. Nghĩ làm sao, nói thế nào và tuyên bố cần phải nhất quán. “Kiến tạo văn hoá bắt đầu từ tầng ngầm của nó,” ông Thứ nói.

Chuyển đổi văn hoá số
Các tầng của văn hoá

“Nhiều người bỏ mấy trăm triệu nhưng vô tác dụng để làm cẩm nang văn hoá, tuyên bố đủ các loại quy tắc nhưng không ai nghe, không ai tin vì công bố đó không thể hiện được nguyện vọng của những người muốn thực hành nó”, đồng sáng lập Elite PR School bổ sung.

Theo Edgar Schein, cựu giáo sư tại trường Quản lý MIT Sloan, văn hóa tổ chức là văn hóa của một nhóm người, có thể được định nghĩa là các tri thức đã học được, được cả nhóm tích lũy và chia sẻ trong quá trình xử lý các vấn đề liên quan đến việc điều chỉnh cho phù hợp với ngoại cảnh và hội nhập ở trong nội bộ.

Thương hiệu được hình thành từ những gì nhân viên mang lại cho khách hàng trên từng điểm chạm. Qua hành động của nhân viên mà thương hiệu được hình thành. Và cách mà họ hành động sẽ bắt đầu từ tư duy (cách nghĩ), và cách nhân viên nghĩ thế nào bắt nguồn từ văn hoá.

Với một con người, văn hoá là những gi đọng lại trong cách mà người ta có thể tồn tại và phát triển bền vững trong sự tương tác với thiên nhiên, xã hội và với chính mình. Doanh nghiệp hay thương hiệu giờ đây cũng suy nghĩ và hành động như một con người, vừa tương tác với bên ngoài nhưng cũng đồng thời quay trở về bên trong để trò chuyện với chính mình.

Chuyển đổi văn hoá số nhìn từ 6 chiều kích

Chia sẻ trong chương trình "Văn hoá doanh nghiệp thời chuyển đổi số", đồng sáng lập Elite PR School Nguyễn Đình Thành nhấn mạnh 6 chiều kích của doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số.

Một là chuyển đổi cách thức tổ chức thông qua áp dụng hiệu quả các công nghệ, phương thức quản trị mới và những nguồn lực mới để hoạt động hiệu quả hơn.

“Chuyển đổi số nếu không đột phá về mặt năng suất thì đừng làm”, ông Thành nói.

Điều này cũng tương đồng với quan điểm của ông Thứ về 5 xu hướng quyết định sự phát triển của một doanh nghiệp mà ông gọi là hệ quy chiếu để đánh giá hiệu quả của chuyển đổi số: năng suất tăng, hiệu suất tăng, chất lượng cải thiện, hiệu quả cao và bền vững.

Hai là chuyển đổi cách nghĩ, cách làm, cách hành động từ truyền thống công nghiệp sang kỷ nguyên số.

Ba là chuyển đổi cách vận hành từ quản trị công việc sang quản trị thông tin.

Bốn là chuyển đổi cách đo lường hiệu quả công việc, từ các chỉ số rời rạc sang kết quả tổng thể của doanh nghiệp trên cơ sở phối hợp hiệu quả tất cả các hoạt động của doanh nghiệp.

Năm là chuyển đổi lợi thế cạnh tranh sang lợi thế cạnh tranh động bằng việc nâng cao năng lực đổi mới và sáng tạo không ngừng, nhanh chóng và hiệu quả. Cạnh tranh bằng sự khác biệt.

“Cần tập trung cho R&D. Tư duy cho rằng mình đang đi sau người khác là thứ giúp mình phát triển. Năng lực học tập suốt đời là thứ cần có. Để cạnh tranh tốt hơn, doanh nghiệp phải làm tốt hơn hoặc làm khác đi và không ngừng tiến lên nếu không muốn bị bỏ lại phía sau”, ông Thành nhận định.

Sáu là chuyển đổi bản chất của hoạt động kinh doanh từ thiếu sang thừa, từ một nền kinh tế dựa trên nguyên tắc khan hiếm sang một nền kinh tế dựa trên nguyên tắc dư thừa.

Có quan điểm tương tự, ông Lê Quốc Vinh, đồng sáng lập Elite PR School nhấn mạnh, có ít nhất sáu việc doanh nghiệp cần giải quyết trong quá trình chuyển đổi số.

Chuyển đổi văn hoá số 1
Các yếu tố cần chú ý trong quá trình chuyển đổi văn hoá số

Một là vận hành tổ chức linh hoạt và nhanh nhạy (agile). Ông Thứ cho rằng, doanh nghiệp xây dựng các giá trị cốt lõi và văn hoá đơn giản nhất để dễ áp dụng.

Hai là liên tục đổi mới, sáng tạo. Theo đồng sáng lập Elite PR School, một người có tư duy đổi mới sáng tạo sẽ “lắng nghe và điều chỉnh” từ khách hàng.

Ba là phải hợp lực để tạo sự thay đổi. Các đội nhóm trong doanh nghiệp cần được tổ chức với chức năng đan chéo. Doanh nghiệp cần nâng cao hiệu quả hoạt động truyền thông nội bộ, gia tăng tương tác và giao tiếp cởi mở với nhau.

Bốn là lấy khách hàng làm trung tâm. Theo ông Vinh, doanh nghiệp cần tập trung lắng nghe nhu cầu không ngừng biến đổi của khách hàng ở cấp độ cá nhân tại các kênh và điểm chạm nhờ vào ứng dụng công nghệ và phân tích dữ liệu.

“Khi đối mặt với khủng hoảng, doanh nghiệp nào lấy quyền lợi, cảm xúc khách hàng làm trung tâm cho mọi quyết định vận hành thì có thể thoát khủng hoảng nhanh chóng nhất. Những doanh nghiệp nào nghĩ rằng sự tồn tại, uy tín và danh dự của mình quan trọng hơn tất thảy thì dễ chìm vào khủng hoảng”, ông Vinh nói.

Năm là ra quyết định dựa trên dữ liệu. Trong đó, chia sẻ dữ liệu, quản trị dữ liệu và cải tiến liên tục là những điều được ông Thành nhấn mạnh.

Sáu là phát triển văn hoá học tập liên tục. Theo ông Vinh, doanh nghiệp cần theo dõi dữ liệu để nắm bắt sự thay đổi. Việc xây dựng một văn hoá học tập suốt đời giúp tổ chức bắt kịp với những thay đổi trong và ngoài tổ chức và cải tiến liên tục.

“Nói thì dễ nhưng hành động có được như vậy hay không mới là vấn đề. Cẩm nang văn hoá nếu trở thành hành động vô thức của từng cá nhân trong tổ chức thì mới trở thành văn hoá. Chuyển đổi số và chuyển đổi văn hoá số là hành trình rất dài, cần thay đổi, nâng cấp và hoàn thiện mỗi ngày”, chuyên gia Elite PR School nhận định.