Ban biên tập: truyenthong.cssb@gmail.com
NỔI BẬT

Gỡ khó cho doanh nghiệp: Bắt đầu từ việc có thể làm ngay

Những quy định không rõ ràng, thiếu thực tiễn trong điều kiện kinh doanh đang làm khó hoạt động doanh nghiệp, nhưng cũng là nút thắt có thể gỡ nhanh nhất.

Những nút thắt không nên có

Cầm bảng phân tích chi tiết về những ngành nghề kinh doanh có điều kiện thực sự đang trú ẩn trong một dòng phân ngành tại Danh mục Ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) thực sự lo ngại.

“Tôi chỉ mới rà soát sơ bộ 2 lĩnh vực trong ngành nông nghiệp là thủy sản và chăn nuôi, đã thấy số lượng ngành nghề kinh doanh có điều kiện nêu trong Danh mục của Luật Đầu tư ít hơn nhiều số lượng ngành nghề cụ thể có quy định về điều kiện kinh doanh tại pháp luật chuyên ngành. Ví dụ, trong dòng ngành kinh doanh thủy sản của Danh mục thì thực tế có 6 ngành kinh doanh có điều kiện trong đó. Tương tự, ngành kinh doanh thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi cũng có 6 ngành bên trong. Nhưng đây không phải là những trường hợp cá biệt”, bà Thảo lý giải.

Trước đó, phát biểu tại Hội thảo Thúc đẩy tự do kinh doanh và nâng cao hiệu quả thị trường do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VERP) phối hợp với Viện FNF tổ chức vào ngày hôm qua (6/12), bà Thảo đã nhắc đến những kết quả đáng kể trong cải cách quy định liên quan đến ngành nghề kinh doanh có điều kiện của môi trường kinh doanh Việt Nam từ năm 2014.

Sau các lần sửa đổi Luật Đầu tư, số lượng ngành nghề kinh doanh có điều kiện được công bố giảm từ 267 xuống còn 227 ngành, nghề hiện tại. Cùng với đó, những điều kiện kinh doanh gây rối cho doanh nghiệp trong tuân thủ, như có phương án, kế hoạch kinh doanh phù hợp, điều kiện về cơ sở vật chất, nhân sự đã giảm đáng kể… Nhờ vậy, thứ hạng của môi trường kinh doanh Việt Nam thay đổi vượt bậc, từ xếp thứ 78 (năm 2014) lên vị trí 69 (năm 2019); chỉ số tự do kinh tế năm 2022 tăng 6 bậc, từ thứ 90 năm 2021 lên thứ 84.

Tuy nhiên, bà Thảo cho biết, có tới 60,1% doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục hành chính cấp phép kinh doanh ngành nghề kinh doanh có điều kiện; tỷ lệ doanh nghiệp trả chi phí không chính thức cho việc cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện là 61,36%... Đáng nói hơn là, những phiền hà này khiến 21,7% doanh nghiệp phải trì hoãn hay hủy bỏ kế hoạch kinh doanh.

Như vậy, nếu không đi sâu vào từng ngành nghề cụ thể, đi vào thực chất những điều kiện mà doanh nghiệp phải tuân thủ để tiến hành cắt giảm, thì những quyết định thu hẹp ngành nghề kinh doanh có điều kiện sẽ chỉ là hình thức, không tác động tích cực tới doanh nghiệp.

Vẫn khúc mắc ở tư duy

Ông Nguyễn Minh Đức, chuyên gia pháp chế (Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) thực sự khó hiểu và không biết nên bình luận thế nào với nội dung của Điều 26, Dự thảo Thông tư hướng dẫn một số điều và biện pháp thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm đang được xây dựng.

Có tới 60,1% doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục hành chính cấp phép kinh doanh ngành nghề kinh doanh có điều kiện; tỷ lệ doanh nghiệp trả chi phí không chính thức cho việc cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện là 61,36%...

- Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM)

“Nội dung tại điều này chưa thực sự rõ ràng và quan trọng là rất khó để áp dụng trên thực tế”, ông Đức giải thích.

Cụ thể, Điều 26.1 của Dự thảo quy định về việc phải ghi âm toàn bộ nội dung tư vấn và lưu trữ trong thời hạn ít nhất 5 năm. Điều 26.2 quy định doanh nghiệp bảo hiểm phải kiểm tra độc lập nội dung tư vấn trước khi phát hành hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư, trong đó, phải có nội dung để kiểm tra việc khách hàng tham gia sản phẩm bảo hiểm là trên cơ sở tự nguyện.

Theo ông Đức, có hàng loạt vấn đề không rõ, như doanh nghiệp sẽ phải thực hiện ghi âm thế nào, bao lâu, từ lúc nào khi tư vấn trực tiếp, tư vấn qua điện thoại, chưa kể việc tư vấn qua tin nhắn, email sẽ được thực hiện như thế nào. Việc kiểm tra độc lập sẽ được thực hiện theo hình thức nào (gặp trực tiếp, gọi điện, email, hay tin nhắn…); các nội dung kiểm tra là gì; việc kiểm tra này có cần lưu lại biên bản, hồ sơ hay ghi âm không?

Thực tế, trong thời gian qua, việc các doanh nghiệp bảo hiểm phân phối qua kênh ngân hàng phát triển tương đối mạnh, cùng với đó là một số vấn đề tiêu cực nảy sinh như ngân hàng yêu cầu khách hàng phải mua bảo hiểm như là một điều kiện để được cấp tín dụng hay một số nhân viên ngân hàng tư vấn gây hiểu nhầm cho khách hàng về việc mua bảo hiểm và gửi tiết kiệm.

“Việc đưa ra quy định để khắc phục các vấn đề này là cần thiết, nhưng quan trọng là quy định thế nào để đảm bảo hiệu lực thực tế của các quy định, thuận tiện cho quá trình thực thi”, ông Đức nói.

Chia sẻ quan điểm này, bà Thảo cho rằng, để cải thiện được, mọi việc phải bắt đầu từ chính các nút thắt tại các cơ quan quản lý nhà nước, bắt đầu từ chính tư duy quản lý nhà nước.