Ban biên tập: truyenthong.cssb@gmail.com
NỔI BẬT

Nếu phụ nữ đổi mới, thế giới sẽ tốt đẹp hơn

Hưởng ứng Tháng Thanh niên 2023, nhân dịp Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, được sự chủ trì của Đoàn Thanh niên Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Đoàn Thanh niên Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) đã tổ chức "Diễn đàn Phụ nữ Đổi mới sáng tạo 2023".

“Phía sau người phụ nữ tuyệt vời đều là những người phụ nữ tuyệt vời” - #WomenleverageWomen, cùng với sự phát triển về bình đẳng giới, phụ nữ đang ngày càng đóng góp nhiều hơn những hàm lượng tri thức vào nền kinh tế thông qua các hoạt động đổi mới sáng tạo.

Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), phụ nữ làm chủ hơn 50% các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các nước trên thế giới và ở Việt Nam, con số này là trên 60%. Trong khi đó, số lượng nguồn nhân lực nữ nghiên cứu khoa học ở Việt Nam có sự gia tăng và chiếm đến 46% tổng số nhân lực nghiên cứu phát triển của cả nước.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, anh Nguyễn Anh Tú, Phó Bí thư thường trực Đoàn Thanh niên Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ, có thể khẳng định sức sáng tạo của phụ nữ ngày càng mạnh mẽ và đa dạng, không chỉ thể hiện trong các lĩnh vực phim ảnh, âm nhạc, thời trang, thiết kế, điêu khắc, văn học, nghệ thuật mà còn cả trong các lĩnh vực thuộc khoa học tự nhiên như vật lý thiên văn, công nghệ nano, y học, trí tuệ nhân tạo và robot....

Dù đâu đó vẫn còn những rào cản, thách thức trong công việc, gia đình và xã hội tới sự chưa đầy đủ về cơ chế chính sách, thế nhưng với bộ gen đổi mới trong người cùng tinh thần ham học hỏi, càng ngày càng nhiều những người phụ nữ đã thành công và được ghi nhận trong xã hội, trở thành nguồn cảm hứng cho những bạn trẻ trong câu chuyện khởi nghiệp.

Anh Nguyễn Anh Tú, Phó Bí thư thường trực Đoàn Thanh niên Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ

Một thực tế cũng cho thấy các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ lại thể hiện nhiều ưu điểm hơn như sử dụng nhiều lao động nữ hơn, chi trả bảo hiểm xã hội cao hơn, chi phí tạo ra một việc làm thấp hơn, giải quyết nhiều thách thức xã hội và có rất nhiều tấm gương tiêu biểu trong giải quyết thách thức xã hội. Phụ nữ lãnh đạo có khả năng thích ứng, chịu áp lực và linh hoạt nên đã có nhiều cơ hội biến "nguy" thành "cơ" với các chiến lược ứng phó hiệu quả, đổi mới sáng tạo.

Một trong những đức tính tạo nên những nguồn cảm hứng từ “một nửa của thế giới” đó là quyết tâm không làm thì thôi chứ quyết tâm làm thì chắc chắn làm thành công. Với câu chuyện đổi mới sáng tạo cần nhất là bản lĩnh và khả năng gắn kết, trong khi bản năng của phụ nữ là gắn kết, nên phụ nữ rất phù hợp với công cuộc đổi mới sáng tạo.

Bên cạnh đó, như chia sẻ của diễn giả Nguyễn Phương Ly, chủ sở hữu của Artemis Pastry Shop, khả năng ham học hỏi, chịu khó tìm hiểu và xây dựng nền tảng kiến thức và kinh nghiệm là yếu tố tạo nên những giá trị vượt trội cho một nửa thế giới tạo ra những điều tuyệt vời cho xã hội. Chỉ khi có một nền tảng kiến thức hoặc kinh nghiệm trong một lĩnh vực nhất định, những người phụ nữ mới có niềm tin hơn vào bản thân, tự tin hơn khi thực hiện bất cứ công việc gì mà mình mong muốn.

“Kiến thức sẽ là vũ khí mạnh nhất để chúng ta có thể sử dụng và thay đổi cuộc sống chính mình” Nguyễn Phương Ly, chủ sở hữu của Artemis Pastry Shop chia sẻ.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thu Thương, đồng sáng lập và CEO của thương hiệu Thương Thương Handmade cho rằng: “Cuộc đời mỗi người như một cây xương rồng, con người ta phải đối chọi với những sóng gió, khó khăn nhưng vẫn luôn mạnh mẽ và toả sáng”.

Là một trong những câu chuyện truyền đầy cảm hứng khi Thương là một người tật nguyền, nhưng với khát khao cống hiến cho xã hội, không cam chịu hoàn cảnh, Thương cho rằng, mọi thứ đều xuất phát từ đam mê và chỉ cần có quyết tâm và sẽ làm được tới cùng.

Nguyễn Thị Thu Thương, đồng sáng lập và CEO của thương hiệu Thương Thương Handmade

Thực tế, nhận thức rõ về những khó khăn vất vả mà các doanh nhân nữ phải đối diện, trong vài năm qua Chính phủ Việt Nam đã và đang ban hành nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ các nhà đổi mới sáng tạo và doanh nhân nữ, trong đó có lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

Tuy vậy, vẫn còn rất nhiều rào cản, thách thức khi nữ giới thực hiện hoạt động đổi mới sáng tạo. Những rào cản này có thể đến từ quan điểm của cộng đồng, xã hội; cơ chế chính sách còn thiếu; những đãi ngộ đủ mạnh để động viên, khuyến khích các nhà khoa học nữ làm công tác nghiên cứu hay việc thiếu các chương trình đào tạo dành riêng cho nữ giới về câu chuyện quản trị, tài chính doanh nghiệp.

Về tiếp cận tài chính của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ thường có quy mô nhỏ và siêu nhỏ vì vậy không có thế chấp, không đủ điều kiện vay vốn, không có năng lực, kỹ năng lập kế hoạch kinh doanh khả thi và chưa có được hệ thống kế toán chuẩn mực để xây dựng được các báo cáo tài chính minh bạch, phương án tài chính đủ để thuyết phục các ngân hàng thương mại. Bên cạnh đó là những khó khăn về ứng dụng công nghệ trong quản lý hoặc chuyển đổi kỹ thuật số vì thiếu kỹ năng và sự tự tin để sử dụng.

Về góc độ tài chính, theo diễn giả Nguyễn Hữu Quý, chuyên viên tài chính của Kiểm toán Nhà nước, với doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp khởi nghiệp nói riêng và đặc biệt doanh nghiệp do nữ giới khởi nghiệp, nên chú trong xây dựng hệ thống kế toán – tài chính bởi đây là yếu tố sống còn với mình. Chỉ có những chiến lược tài chính trung và dài hạn một cách rõ ràng mới là bước đệm cho sự phát triển lớn mạnh của doanh nghiệp trong tương lai.

Được biết, tại Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã quy định các chính sách hỗ trợ doanh nhân nữ với mức hỗ trợ cao hơn mức hỗ trợ dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa nói chung.

Doanh nhân nữ cũng sẽ được hỗ trợ 100% hoặc một phần chi phí để tham gia vào các sàn giao dịch thương mại điện tử quốc tế. Ngoài ra, nhiều sáng kiến hợp tác công tư cũng như của khu vực tư nhân đã được triển khai và đem lại tác động hết sức thiết thực, hữu ích cho cộng đồng doanh nhân nữ trong việc tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới.