Ban biên tập: truyenthong.cssb@gmail.com
NỔI BẬT

Nối dài hệ sinh thái đổi mới sáng tạo TP. HCM

Trong hoạt động đổi mới sáng tạo, Việt Nam xếp thứ 3 tại Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia và Singapore. Tuy vậy, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều nút thắt, cần được khai thông.

Sự thiếu kết nối của cơ quan nhà nước

Hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của TP.HCM đã đạt được những con số ấn tượng với 34 cơ sở ươm tạo/ tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, hơn 100 trường đại học và cao đẳng, hơn 60 quỹ đầu tư, hơn 3000 nhiệm vụ và hơn 250 chuyên gia/ cố vấn khởi nghiệp.

Tuy nhiên, theo khảo sát của H-OIP (Ho Chi Minh City Open Innovation Platform) - nền tảng trực tuyến thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo TP.HCM, những kết nối trong hệ sinh thái khởi nghiệp còn đang lỏng lẻo và chưa thực sự hiệu quả.

Khảo sát cho thấy, 100% cơ quan chức năng có nhu cầu thống kê về thông tin, dữ liệu của các dự án khởi nghiệp; 90% đơn vị có nhu cầu thống kê về thông tin dữ liệu startup để hiểu rõ lĩnh vực hoạt động, giai đoạn phát triển của startup và nhu cầu hỗ trợ của họ.

Đặc biệt, 11% cơ quan nhà nước tham gia khảo sát không hiểu rõ cơ chế liên kết hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.

Theo ông Nguyễn Việt Đức, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quản lý Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (ICM), nhiều cơ quan nhà nước khẳng định rằng chưa có chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho quỹ đầu tư trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, chưa có sự hợp tác giữa doanh nghiệp lớn với nhà nước trong hoạt động R&D, chưa có chương trình tôn vinh đóng góp của khu vực tư, khu vực đổi mới sáng tạo.

Trong hệ sinh thái khởi nghiệp, việc kết nối, tập trung thông tin dữ liệu và chia sẻ nguồn lực giữa các cấu phần là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng. Trên cơ sở đó, Sở Khoa học công nghệ TP. HCM cho ra đời nền tảng H-OIP, nhằm giải quyết những vấn đề trên.

Startup không chỉ cần có vốn

Theo khảo sát, đối với các nhà khởi nghiệp (startup), các công ty TNHH chiếm 35%, công ty cổ phần 22,6%, doanh nghiệp tư nhân 15,2%, còn lại là các nhóm khởi nghiệp.

Ngành nghề kinh doanh chính của các công ty khởi nghiệp bao gồm công nghệ thông tin, dịch vụ bán lẻ, nông nghiệp… với 66,1% doanh nghiệp thuộc mô hình truyền thống và 27,2% thuộc mô hình P2P, O2O.

Trong đó, những dự án chưa nhận được vốn, chỉ ở giai đoạn nghiên cứu chiếm đến 23%, các dự án đã nhận được vốn, sẵn sàng gọi vốn là 39%. Đặc biệt, kết quả khảo sát cũng phản ánh rằng hệ sinh thái startup thường tìm kênh thông tin về đổi mới sáng tạo thông qua truyền miệng, con số này chiếm đến 52%.

"Nắm được vấn đề này, chúng tôi lập tức đưa lên nền tảng một lời mời tham gia hệ sinh thái, cải thiện về tốc độ tham gia sự kiện hội thảo chiếm 33,9%. Một trong những mục tiêu của nền tảng đó là mỗi kết nối trên nền tảng này thì sẽ mang đến một kết nối trực tiếp. Hy vọng những vườn ươm, trung tâm đổi mới sáng tạo của sở sẽ là nơi trực tiếp đón tiếp những sự kiện này", ông Nguyễn Việt Đức cho biết.

Ông Đức cũng cho biết đơn vị đã xây dựng giải pháp để thực hiện tối ưu kênh truyền miệng, xây dựng giải pháp để các thông tin, chương trình về truyền thông đào tạo, ươm tạo sẽ đưa lên nền tảng.

Khảo sát cho thấy kì vọng của 54% startup chưa tham gia ươm tạo không hẳn chỉ là muốn nhận vốn. Họ muốn nhận được kiến thức về năng suất và kiến thức khởi nghiệp. Từ thực tế này, chủ nhiệm đề tài và Sở dự định thành lập một thư viện kiến thức trên nền tảng H-OIP nhằm chuẩn hóa kiến thức về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Nhà đầu tư kì vọng lớn vào việc miễn thuế

Khảo sát cho thấy các nhà đầu tư rất quan tâm đến hệ sinh thái khởi nghiệp, đặc biệt là trong việc tìm kiếm cơ hội kinh doanh tiềm năng.

Trong hệ sinh thái, những lĩnh vực được các nhà đầu tư quan tâm hàng đầu là công nghệ thông tin, logistic, nông nghiệp, bán lẻ, bất động sản, y tế, tài chính… với sự giảm dần về mức độ ưu tiên.

Nhiều nhà đầu tư cam kết sẽ chuyển giao kiến thức cho các startup, giải pháp về mặt công nghệ, dịch vụ hỗ trợ. Đổi lại, họ muốn nhận được thông tin tiềm năng từ các dự án, từ vườn ươm.

Nối dài hệ sinh thái đổi mới sáng tạo TP.HCM
Hoạt động tham vấn ý kiến từ những đại biểu và chuyên gia về nền tảng H-OIP (Ảnh: Tạp chí điện tử Tự động hóa ngày nay)

Các nhà đầu tư mong muốn H-OIP sẽ tạo ra các nhóm đầu tư hợp chuỗi giá trị, thông tin dự án gọi vốn. Họ sẵn sàng đầu tư - hợp tác thương mại hóa sản phẩm từ nhà khoa học.

Tuy vậy, 100% nhà đầu tư khẳng định rằng chưa nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền. Các nhà đầu tư đặt kỳ vọng lớn vào sự hỗ trợ của Chính phủ trong việc: miễn thuế thu nhập đầu tư cho đổi mới sáng tạo (70%), đồng hành đầu tư vốn 1 - 1 (46,7%).