Ban biên tập: truyenthong.cssb@gmail.com
NỔI BẬT

Thế Giới Di Động chờ thời “tái sinh”

Sức mua của người tiêu dùng giảm mạnh, chi phí tài chính tăng, lạm phát cao, thị trường mua trả góp liên tục suy yếu… khiến Thế Giới Di Động phải tái cấu trúc, tìm cơ hội tái sinh.

Thế Giới Di Động đang tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm tại chuỗi Bách Hóa Xanh
Thế Giới Di Động đang tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm tại chuỗi Bách Hóa Xanh

Sự chia rẽ của các tầng lớp tiêu dùng

Trước tác động của lạm phát và lãi suất vay nhảy múa thời gian qua, người giàu vẫn rủng rỉnh tiền để chi cho những thứ như giải trí, ăn uống và du lịch, trong khi nhóm thu nhập thấp phải chắt bóp từng đồng bạc.

Những ngày này, khi chuẩn bị kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 kéo dài gần 1 tuần sắp tới, tại nhiều khách sạn, resort nghỉ dưỡng 5 sao từ ven biển ở Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng… đến các điểm nghỉ dưỡng trên núi như Sapa, Hòa Bình, Yên Bái… đều bận rộn hơn dự kiến, với giá phòng khá cao, thấp nhất là 3 triệu đồng/đêm. Các thực đơn buffet với mức giá “chát” và sẵn sàng “nuốt” vài triệu đồng cho một thực khách đang được rốt ráo chuẩn bị và dự kiến cũng “cháy hàng”… Trong quán bar của khách sạn, nhân viên pha chế luôn bận rộn mỗi tối để chuẩn bị những ly cocktail cho khách.

Trong khi đó, những chuyến nghỉ của người lao động có thu nhập thấp cũng được chuẩn bị, dù phải đánh vật với việc chi tiêu tiết kiệm. Thế nhưng, cách đi nghỉ của họ là quyết định trở về quê với ông bà, cha mẹ, thăm người thân, bên mâm cơm gia đình, hội bạn nhậu, hoặc dự định tổ chức nhóm gia đình, bạn bè đi dã ngoại với món ăn bình dân tự chuẩn bị…

Bức tranh tương phản này đã minh họa sự chia rẽ của tầng lớp tiêu dùng tại Việt Nam sau 3 năm đại dịch.

Những người giàu vẫn rủng rỉnh tiền tiết kiệm và dư dả tài chính để ủng hộ các thương hiệu xa xỉ, khiến một số nhà bán lẻ cao cấp cũng như công ty du lịch thêm lạc quan về các kỳ nghỉ lễ kéo dài trong năm nay.

Trong khi đó, những người nghèo đang cạn kiệt nguồn dự trữ tiền mặt, gặp vô số khó khăn để theo kịp bão giá, đồng thời phải đối mặt với lãi suất leo thang nếu họ sử dụng thẻ tín dụng hoặc các khoản vay tín chấp để trang trải cuộc sống.

Nhiều hộ gia đình thuộc tầng lớp lao động vẫn duy trì cuộc sống tốt trong năm 3 năm qua. Mặc dù họ bị mất việc làm đột ngột ở thời kỳ đầu đại dịch, việc tuyển dụng đã phục hồi, tiền lương cũng tăng đã giúp các gia đình phần nào thoát nạn, thậm chí vẫn tích lũy được một khoản tiết kiệm.

Thế nhưng, số tiền tích cóp đó đang dần cạn kiệt sau những tháng ngày lạm phát chóng mặt. Ngoại trừ giá xăng dầu, giá gas, giá bưu chính - viễn thông giảm, các mặt hàng còn lại đều tăng. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, Chỉ số Giá tiêu dùng quý I/2023 tăng 4,18% so với cùng kỳ năm 2022, lạm phát tăng 4,88% so với cùng kỳ năm trước. Khi tiền tiết kiệm gần hết và những chi phí cần thiết như thực phẩm, nhà ở, phương tiện đi lại trở nên đắt đỏ hơn, nhiều người ở các khu dân cư có thu nhập thấp bắt đầu chuyển sang sử dụng thẻ tín dụng để duy trì chi tiêu.

“Cuộc sống sẽ rất khó khăn. Do chi phí tiêu dùng trở nên đắt đỏ, ngày càng nhiều người tìm đến chúng tôi”, nhân viên cho vay tín chấp tiêu dùng tại TPBank, Chi nhánh quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho hay. Nhân viên này cũng nhấn mạnh rằng, nhiều khoản chi đội giá, như tiền thuê nhà, càng khiến cuộc sống khó khăn hơn.

Người tiêu dùng trong năm nay đã dựa vào việc vay mượn hoặc rút tiền tiết kiệm để có thể chi trả các khoản chi tiêu thường xuyên của họ.

“Thế nhưng, cách lựa chọn đó cũng dần cạn kiệt. Do đó, khách hàng của chúng tôi ngày càng nhạy cảm với giá cả, họ tập trung và phản ứng nhanh hơn với các chương trình khuyến mãi, giảm giá từ 20-50%, cũng như do dự hơn khi mua hàng với giá gốc”, đại diện cửa hàng Thế Giới Di Động tại phố Nguyễn Văn Cừ (Long Biên, Hà Nội) cho hay.

Tuy nhiên, lãnh đạo Công ty Đầu tư Thế Giới Di Động (mã chứng khoán MWG) thừa nhận, tình hình đơn hàng sụt giảm rất trầm trọng, nhưng bắt đầu có dấu hiệu phục hồi; lãi suất cũng đang được kiểm soát theo chiều hướng giảm; bất động sản có dấu hiệu được cởi bỏ những nút thắt. Trong vài tháng nữa, bất động sản có thể sẽ bước qua đáy, có khả năng đi lên. Nhà nước cũng đang đẩy mạnh đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Do đó, các chỉ tiêu kinh doanh tại các nhà bán lẻ trên thị trường vẫn tăng.

Vị lãnh đạo này cho biết, Thế Giới Di Động không tái cấu trúc như 2022, nhưng kế hoạch năm 2023 chỉ đi ngang. Thế Giới Di Động đặt mục tiêu 135.000 tỷ đồng doanh thu và 4.200 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng lần lượt 1,2% và 2,4% so với kết quả năm 2022.

“Câu chuyện chỉ do sức mua thôi. Nếu sức mua tăng lên, năm nay sẽ rất lạc quan. Nhưng sau quý IV/2022 và vài tháng đầu năm 2023, tình hình dường như rất căng thẳng, sức mua cũng có vấn đề”, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Thế Giới Di Động lý giải về kế hoạch kinh doanh của Công ty.

Còn với giai đoạn đầu năm hiện tại, sức mua điện thoại và điện máy phân khúc tầm trung và bình dân đang giảm mạnh hơn dự báo.

Nguyên nhân là nhóm khách hàng trung, cao cấp đang có tâm lý thận trọng trong quyết định mua các sản phẩm lâu bền và có giá trị cao, trong khi nhóm khách hàng thu nhập thấp khó tiếp cận các khoản vay tiêu dùng mua trả góp.

Thế Giới Di Động có tỷ lệ đơn hàng chốt qua hình thức trả góp và vay tiêu dùng lên tới 35%. Doanh số cho vay trả góp giờ đã rớt xuống dưới 10% và đó là yếu tố gây sụt giảm doanh thu.

“Chúng tôi làm trả góp bằng hệ thống của mình, chứ không phải mở hệ thống từ đối tác. Khi thuận lợi, chúng tôi sẽ hưởng lợi lớn, nhưng khi khó khăn, tác động cũng lớn hơn bình thường”, ông Đoàn Văn Hiểu Em, Tổng giám đốc Thế Giới Di Động chia sẻ.

Đối với các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, hàng tiêu dùng nhanh và dược phẩm, tình hình cũng không khả quan hơn, bởi người tiêu dùng đang có xu hướng tiết kiệm, cắt giảm chi tiêu hoặc mua sản phẩm cùng công dụng, nhưng với giá thấp hơn.

Trong năm nay, Thế Giới Di Động chủ trương ưu tiên duy trì doanh thu và bảo vệ dòng tiền, bên cạnh việc kiểm soát các hạng mục chi phí lớn như chi phí thuê mặt bằng, chi phí điện… Công ty sẽ tạm ngưng mở rộng chuỗi nhà thuốc An Khang và chuỗi bán lẻ AVAKids, chỉ giữ những cửa hàng có lợi nhuận dương.

Với riêng Bách Hóa Xanh, lãnh đạo sẽ thực thi 5 hành động lớn. Trong đó, dịch chuyển mọi suy nghĩ, hành động, hướng đến các mục tiêu cốt lõi, gồm “Khách hàng là trọng tâm”; tập trung phát triển hàng tươi, để biến Bách Hóa Xanh thành điểm đến của hộ gia đình, điểm mua hàng tươi thú vị nhất của các bà nội trợ; xây dựng chuỗi cung ứng đặc biệt về thực phẩm tươi, sẵn sàng để mở rộng hệ thống; Bách Hóa Xanh online đạt điểm hòa vốn trong năm nay, trở thành trang thương mại điện tử ngành hàng tiêu dùng số 1.

Ước mơ cho 5 năm tới

Giữa muôn trùng khó khăn, ông Nguyễn Đức Tài vẫn nói về ước mơ trong 5 năm tới. Ông ước mơ công ty này sẽ là doanh nghiệp của Việt Nam sở hữu những chuỗi kinh doanh offline và online các nhóm hàng lớn của người tiêu dùng.

Giống như Thế Giới Di Động đã ăn sâu vào người tiêu dùng, ông và các cổ đông lớn của Công ty muốn thấy điều đó xảy ra với các ngành hàng khác, như hàng tiêu dùng, thuốc...

“Chúng tôi muốn tập trung vào các ngành hàng phục vụ số đông người tiêu dùng, cả online và offline”, ông Tài chia sẻ.

Ông Robert Alan Willet, thành viên HĐQT Thế Giới Di Động cho rằng, khi thị trường khó khăn, cần phải làm nhiều hơn để nắm được nhiều thị phần hơn, bởi khi khủng hoảng, khó khăn, những công ty mạnh nhất sẽ có cơ hội chiếm lĩnh thêm thị phần.

“Tôi nghĩ, trong năm nay chưa có sự khôi phục rõ ràng, nhưng năm 2024, ngành điện máy sẽ khôi phục. Với điện thoại di động, các phân khúc không có sự khác biệt quá nhiều, nên với tình hình hiện nay, sẽ không hồi phục quá nhanh.

Riêng với chuỗi bán lẻ Bách Hóa Xanh, để chiếm được trái tim của khách hàng trong 3 - 5 năm tiếp, ông Phạm Văn Trọng, CEO chuỗi này cho rằng, cần đảm bảo yếu tố chất lượng.

Ban đầu, Bách Hóa Xanh áp dụng mô hình chuỗi cung ứng giống nước ngoài, nhưng thực tế sau một thời gian, lãnh đạo đã nhận ra phải làm những điều cho riêng mình, để giảm chi phí vận hành.

Bách Hóa Xanh phải là điểm đến của người tiêu dùng và bà nội trợ, về cả hàng tươi và hàng khô. Hàng tươi chưa hoàn hảo thì sẽ được hoàn tất trong năm nay. Còn hàng khô, đặc biệt là hàng tiêu dùng, Công ty tự tin với thành công của mình.

Đáng chú ý, để đảm bảo lợi nhuận, các chuỗi thương hiệu nằm trong hệ sinh thái của Thế Giới Di Động sẽ linh hoạt, tùy theo mô hình lớn, nhỏ. Mặc dù giới phân tích cho rằng, mô hình bán lẻ nhỏ tại Việt Nam khó có lời, nhưng trong 5 năm, TP.HCM gần như không có siêu thị lớn mới nào mở cửa. Vậy nên, lãnh đạo Thế Giới Di Động nhận định, mô hình nhỏ mới là tương lai của ngành bán lẻ. Khách hàng chỉ cần những điều rất cơ bản, từ việc có hàng, mức giá, cho đến chất lượng dịch vụ.

Theo lãnh đạo của Thế Giới Di Động, Công ty và Điện máy Xanh đang đặt mình trong hoàn cảnh như vậy. Mọi thứ diễn biến trên thị trường hiện nay rất khác. Các nhà bán lẻ luôn phải tận dụng mọi cơ hội bán hàng, để khách hàng tới cửa hàng đều muốn mua sản phẩm. Thời gian tới là cơ hội để Thế Giới Di Động tái sinh sau khi củng cố lại phí, vận hành, con người. Đó là điều họ ít để ý tới trong giai đoạn bình yên.