Ban biên tập: truyenthong.cssb@gmail.com
NỔI BẬT

Thuế carbon với thép, xi măng, phân bón... sang EU không còn xa

Dự kiến, 27 quốc gia thành viên EU sẽ bắt đầu thực hiện thí điểm thu thuế carbon với hàng hóa nhập khẩu, trong đó có hàng hóa Việt Nam từ tháng 10/2023

Ngành thép, xi măng, phân bón sẽ bi thu thuế carbon khi xuất khẩu sang EU từ cuối năm 2023.
Doanh nghiệp thép, xi măng, phân bón... đang đối diện với thuế carbon xuất khẩu sang EU từ cuối năm 2023.

Nhiều lưu ý đối với hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU đã được các chuyên gia đưa ra tại Hội thảo tham vấn kết quả đánh giá tác động của Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của Liên minh châu Âu (EU) và khuyến nghị với Việt Nam, diễn ra hôm nay, 14/4/2023.

Bà Sirpa Jarvenpaa, Giám đốc Chương trình Đối tác Chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP) khẳng định, với hoạt động trao đổi thương mại với EU ngày càng gia tăng, CBAM sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam sang EU.

Phạm vi áp dụng của CBAM là khí nhà kính, cụ thể: Đối với sắt thép là khí CO2, nhôm là CO2 và PFC, phân bón là CO2 và N2O và xi măng là CO2.
Theo đề xuất của EU, cách tính phát thải dựa trên phát thải thực tế, theo đó doanh nghiệp phải tự đo đếm được mức phát thải, nếu không xác định được mức phát thải đầy đủ hoặc trong trường hợp phát thải gián tiếp, giá trị mặc định sẽ được sử dụng để xác định phát thải của hàng hóa.

EU là khu vực thương mại đầu tiên trên thế giới đánh thuế carbon đối với hàng hóa nhập khẩu.

Loại thuế này càng có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam vì Việt Nam là nước xuất khẩu nhiều vào EU. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) thực thi từ 8/2020 càng tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho xuất nhập khẩu, nhưng có thể, động lực tăng trưởng sẽ giảm đi, nếu mức độ đáp ứng của các ngành hàng xuất khẩu không theo kịp.

Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu một lượng hàng hóa trị giá 47,15 tỷ USD sang 27 nước thành viên EU, tăng 17,5% so với cùng kỳ, nhập khẩu từ EU khoảng 15,3 tỷ USD, xuất siêu sang EU 31,8 tỷ USD.  Nhóm hàng ghi nhận mức tăng trưởng cao và có kim ngạch xuất khẩu lớn sang EU là điện thoại, hàng dệt may, giày dép, sắt thép, đồ gỗ, nông thủy sản..

Báo cáo Kết quả đánh giá tác động của CBAM cho thấy, các doanh nghiệp sẽ đối mặt với không ít trở ngại trong quá trình chuyển đổi sản xuất để giảm thiểu phát thải, đáp ứng các yêu cầu về thuế carbon tại EU. Các doanh nghiệp cũng phải đối mặt với khó khăn do mức độ phức tạp về kỹ thuật liên quan đến xác định mức thuế carbon.

CBAM ban đầu sẽ áp dụng đối với các hàng hóa nhập khẩu như thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hydro. Đây là những lĩnh vực có nguy cơ rò rỉ carbon cao và có lượng khí khải carbon cao. Dự kiến, 27 quốc gia thành viên EU sẽ bắt đầu thực hiện thí điểm CBAM vào tháng 10/2023, sau đó sẽ có hiệu lực chính thức từ 2026.

Phạm vi áp dụng CBAM có thể mở rộng để bao trùm phát thải gián tiếp và sang các ngành khác thuộc Hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính của EU (EU-ETS).

Như vậy, thực hiện các giải pháp giảm phát thải nhà kính trong quá trình sản xuất hàng hóa đã trở thành yêu cầu bắt buộc với các nhà xuất khẩu Việt Nam, trước mắt là các ngành hàng nằm trong danh mục sẽ bị áp thuế carbon sớm vào EU, gồm: thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hydro.

Theo đó, sản phẩm nào có mức độ phát thải nhà kính trong quy trình sản xuất vượt quá mức quy định của EU thì sẽ bị đánh thuế carbon. Loại thuế này một khi được áp, sẽ làm tăng thêm chi phí đáng kể đối với một số hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam.

Các nhà nhập khẩu sẽ phải báo cáo lượng khí thải có trong hàng hóa nhập khẩu, nếu lượng khí thải này vượt quá tiêu chuẩn của EU, họ sẽ phải mua "chứng chỉ khí thải" theo mức giá carbon hiện nay tại EU.

Cừ nay đến hết năm 2025 các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải có báo cáo phát thải, từ 2026 EU quy định phải có thêm một đơn vị thẩm định, xác minh các số liệu báo cáo của các doanh nghiệp xuất khẩu vào EU.

Từ năm ngoái, EU đã thông báo sẽ thực hiện Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon, với việc áp thuế carbon đối với tất cả hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này dựa trên mức độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sản xuất hàng hóa đó, mục tiêu là thúc đẩy ngành công nghiệp xanh hơn.

Nhưng không chỉ EU, hiện các thị trường khác như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… cũng đang gia tăng các tiêu chuẩn với hàng hóa nhập khẩu thông qua cơ chế cắt giảm phát thải khí nhà kính. Theo đó tác động của thuế carbon đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ còn lớn hơn nữa trong tương lai gần.

Để giảm thiểu tác động của thuế carbon, giữ lợi thế cạnh tranh trong việc xuất khẩu sang EU, các ngành sản xuất phải có phương án đầu tư chuyển đổi sản xuất, tăng tận dụng năng lượng tái tạo,  giảm thiểu phát thải...

Động thái đầu tư chuyển đổi sản xuất đã được một số doanh nghiệp xi măng, thép, phân bón triển khai ở bước đầu tiên. Đơn cử, các doanh nghiệp như Vicem Hà Tiên, Vicem Hoàng Mai, Sông Thao... đã áp dụng các chương trình "Đổi mới sáng tạo" trong sản xuất để giảm tiêu hao nguyên, nhiên liệu, tăng năng suất, giảm phát thải ra môi trường,... 

Nhưng  trước yêu cầu ngày càng cao về giảm phát thải nhà kính của các thị trường nhập khẩu, hoạt động đầu tư chuyển đổi tại các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu cần phải được tiếp tục ở quy mô bài bản, thực chất hơn.