Lễ hội Bánh mì Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức tại TP HCM đã gây "sốt" dư luận. Bên cạnh những điều cần cải thiện, một trong những hoạt động truyền cảm hứng là chương trình trao tặng xe bánh mì khởi nghiệp cho phụ nữ và học viên ngành bánh.

Khởi nghiệp với vốn nhỏ

Bà Nguyễn Thị Khánh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP HCM, đồng Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội Bánh mì Việt Nam - cho biết ban đầu chỉ là ý tưởng hỗ trợ từ một số nhà tài trợ nhưng dần lan tỏa với sự hỗ trợ, đồng hành của nhiều doanh nghiệp hơn. Đến nay, Maggi đã tặng 15 xe bánh mì cho phụ nữ TP HCM, Sóc Trăng và Bến Tre; thương hiệu Bánh mì que tặng 5 xe bánh mì cho phụ nữ Trà Vinh; Công ty CP Bánh kẹo Á Châu (ABC Bakery) tặng 5 xe cho học viên ngành bánh…

"Đây là một chương trình mang ý nghĩa nhân văn, thiết thực của Lễ hội Bánh mì Việt Nam và đang tiếp tục mở rộng để càng có nhiều xe bánh mì khởi nghiệp đến với hộ kinh doanh, bạn trẻ, phụ nữ… Người nhận xe bánh mì có thể khởi nghiệp bởi các nhà tài trợ không chỉ tặng xe mà còn hướng dẫn về chuyên môn, an toàn vệ sinh thực phẩm, cung cấp thực phẩm sạch… cho họ. Không dừng lại ở đó, Hiệp hội Du lịch TP HCM sẽ đồng hành, hỗ trợ các chương trình dạy làm bánh mì miễn phí để chủ của những xe bánh mì khởi nghiệp có thể mở rộng mô hình" - bà Khánh thông tin.

Truyền cảm hứng khởi nghiệp từ xe bánh mì - Ảnh 1.

Một gian hàng bánh mì thu hút người dân tại Lễ hội Bánh mì Việt Nam mới đây Ảnh: AN NA

Chị Ma Thị Mỹ Hương, chủ thương hiệu Bánh mì 81 (trước đây là Bánh mì pate - Hương vị Pleiku Gia Lai) khởi nghiệp bánh mì từ năm 2016, khi thị trường chỉ có vài chuỗi bánh mì truyền thống như Ngọc Mai, Như Lan, Hà Nội… "Hồi đầu chỉ bán được 20 ổ/ngày, sau tăng dần lên, cao điểm đến 700 ổ/ngày từ 2 điểm bán tại quận Bình Thạnh và Phú Nhuận. Bánh ngon, nóng giòn khi được nướng thêm trên than hồng. Thêm nữa, việc ghi những bảng hiệu vui vui như: "pate mẹ nấu em bán ngon lắm!"; "ở đây có bánh mì ngon lắm, bạn đã thử chưa?" thu hút khách. Khi trời nắng nóng, tiệm giao bánh tận nơi, rồi lên app bán hàng… việc kinh doanh ngày càng chuyên nghiệp hơn" - Hương bày tỏ.

Hương kể, trước dịch COVID-19, nhiều người đến hỏi về việc bán công thức, nhượng quyền thương hiệu nhưng Hương từ chối. "Sau đó, có rất nhiều điểm bán bánh mì pate Pleiku mọc lên khắp TP HCM, nhiều người tưởng của mình nhưng không phải. Lúc này, tôi mới để ý đến việc bảo hộ thương hiệu và chủ động đổi thành Bánh mì 81 nhưng đã lỡ mất cơ hội phát triển thành một chuỗi nhượng quyền" - Hương bộc bạch.

Theo Hương, hiện nay nhiều chuỗi bánh mì đầu tư bài bản từ đăng ký sở hữu trí tuệ, chuẩn hóa công thức… nên tăng quy mô rất nhanh bởi lợi thế là mô hình kinh doanh không cần vốn lớn, thu hút được nhiều người tham gia.

Mở chuỗi, vào giáo trình đại học

Chị Võ Thị Bích Vân, CEO Bánh mì Dòn Dòn, cho biết sau gần 1 năm có mặt trên thị trường, đến nay chuỗi bánh mì mang thương hiệu Dòn Dòn đã có 3 chi nhánh tại TP Thủ Đức, quận Bình Thạnh và tiếp tục phấn đấu để phủ sóng khắp các quận tại TP HCM trước khi tiến bước xa hơn các tỉnh, thành khác. Chuỗi cũng bước đầu triển khai bếp trung tâm để cung ứng nguyên liệu đến các chi nhánh.

Kể về ý tưởng mở chuỗi bánh mì Dòn Dòn, chị Bích Vân cho biết từ nhỏ đã thích ăn bánh mì thịt nướng và nuôi ước mơ sẽ khởi nghiệp kinh doanh bánh mì. Phải đến sau COVID-19, ý tưởng này mới bắt đầu được thực hiện. "Sau 1 tháng chuẩn hóa công thức và chế biến sản phẩm, các khâu thiết kế nhận diện thương hiệu, xây dựng cửa hàng… tiệm bánh mì Dòn Dòn đầu tiên ra đời, được khách hàng yêu mến. Bước đầu cũng đã có thành quả" - chị Bích Vân chia sẻ.

Cũng bắt đầu khiêm tốn bằng 1 xe đẩy bánh mì ở vỉa hè năm 2013, bánh mì Má Hải hiện là một trong những chuỗi có độ phủ rộng nhất với hơn 500 ki-ốt đang hoạt động tại hơn 40 tỉnh thành, mỗi ngày bán ra gần 33.000 ổ bánh mì. Từ tháng 2 vừa qua, bánh mì Má Hải chính thức trở thành case study (tình huống kinh doanh) thành công được phân tích, mổ xẻ trong quá trình giảng dạy cho sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP HCM (UEH).

Anh Đoàn Văn Minh Nhựt, đồng sáng lập và CEO chuỗi Bánh mì Má Hải, thông tin nhờ sự trợ giúp và hỗ trợ tận tình từ thầy Hoàng Cửu Long (UEH) mà đề tài nghiên cứu khoa học "Hành trình và phát triển bền vững: Quản trị và vận hành chuỗi bán lẻ Bánh mì Má Hải" đã được bảo vệ thành công. Với những kinh nghiệm, thông số kinh doanh cụ thể, Bánh mì Má Hải đã thuyết phục được hội đồng phản biện về sự hữu ích của đề tài này trong việc giảng dạy, hướng dẫn các bạn sinh viên học tập.

"Bên cạnh các case study của các tập đoàn nước ngoài lớn, việc Bánh mì Má Hải - một doanh nghiệp khởi nghiệp thuần Việt - được chính thức đưa vào giáo trình giảng dạy tại UEH là một bước tiến lớn khẳng định vị thế của doanh nghiệp Việt Nam. Với bước tiến trong hành trình học thuật này, chúng tôi hy vọng sẽ trở thành một niềm cảm hứng để tiếp tục khơi nguồn tinh thần khởi nghiệp đến với những bạn trẻ tại Việt Nam" - CEO Bánh mì Má Hải chia sẻ.

Theo anh Nhựt, kinh doanh bánh mì là một mô hình truyền thống có từ lâu ở Việt Nam. Thông thường những người bán bánh mì là những cô, dì, chú, thuộc tầng lớp lao động phổ thông. "Bánh mì Má Hải bắt đầu hành trình khởi nghiệp bằng việc tiếp thu những tinh hoa trong công thức và sản phẩm của các bậc tiền bối đi trước trong nghề. Bên cạnh đó, chúng tôi sử dụng những dây chuyền sản xuất hiện đại, ứng dụng nền tảng kỹ thuật số để mở rộng hệ thống và duy trì được thành quả như hiện tại" - anh Nhựt nói thêm. 

Từ xe bánh mì đến thương hiệu lớn

Trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Kao Siêu Lực, Tổng Giám đốc ABC Bakery, nhận định các bạn trẻ hoàn toàn có thể khởi nghiệp từ bánh mì, không hẳn là các lò sản xuất bánh chuyên nghiệp mà từ những xe bánh mì, cửa hàng bánh mì rồi xây dựng thương hiệu riêng cho mình. Để thành công, cần chú ý về chất lượng sản phẩm, đây là yếu tố quan trọng nhất.

Bánh mì ngày nay không chỉ là món ăn đặc sản của Việt Nam mà còn trở thành thành tố quan trọng trong văn hóa ẩm thực Việt Nam, được thế giới vinh danh. Năm 2011, bánh mì Việt Nam được ghi nhận với danh từ riêng trong từ điển Oxford phổ biến trên toàn thế giới.

THÁI PHƯƠNG - VƯƠNG NGỌC