Ban biên tập: truyenthong.cssb@gmail.com
NỔI BẬT

Tương lai 60.000 nhà thuốc truyền thống tại Việt Nam đi về đâu?

Với 85% là các nhà thuốc truyền thống, miếng bánh 7-8 tỷ USD đang hấp dẫn các đại gia bán lẻ - hứa hẹn sẽ làm thay đổi cuộc chơi thị trường dược phẩm Việt Nam.

Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán VNDIRECT, năm 2021, Việt Nam có khoảng 57.000 nhà thuốc bán lẻ truyền thống, chiếm khoảng 85% thị trường, còn lại 15% là chuỗi nhà thuốc hiện đại.

Báo cáo cho rằng, thời của các chuỗi nhà thuốc hiện đại như: Long Châu, An Khang hay Pharmacity đang đến, do dư địa thị trường còn rất lớn, các chỉ số kinh tế, tiêu dùng đang hỗ trợ tích cực cho ngành bán lẻ dược phẩm trong trung và dài hạn.

Thị trường dược phẩm Việt Nam được đánh giá là vô cùng tiềm năng, với giá trị khoảng 7 - 8 tỷ USD. Đây là quy mô đủ lớn để các doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu như MWG, hay FPT Retail tham gia khai phá.

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán SSI nhận định, thị trường dược phẩm Việt Nam sẽ được dẫn dắt bởi cuộc đua mở chuỗi của các nhà thuốc hiện đại. Với việc mở rộng nhanh chóng số lượng cửa hàng ra các tỉnh, thành trên cả nước, các chuỗi này sẽ dần thay thế các cửa hàng thuốc truyền thống.

Tương lai gần 60.000 nhà thuốc truyền thống tại Việt Nam đi về đâu?
Thị trường dược phẩm Việt Nam sẽ được dẫn dắt bởi cuộc đua mở chuỗi của các nhà thuốc hiện đại

Mô hình chung của các chuỗi nhà thuốc hiện đại, đó là được đặt tại các vị trí đắc địa; áp dụng các phương thức mua hàng mới như: ship thuốc, bán online, bán kèm sản phẩm tiện lợi; đồng thời chinh phục được lòng tin của người tiêu dùng nhờ minh bạch giá, đảm bảo nguồn gốc và chất lượng thuốc.

Thống kê của VNDIRECT chỉ ra, Pharmacity hiện đang dẫn đầu về số lượng nhà thuốc hiện đại trên toàn quốc, với khoảng 1.000 cửa hàng, do việc tham gia thị trường từ sớm.

Theo sau là chuỗi Long Châu của FPT Retail với 546 cửa hàng, tại thời điểm quý 1/2022. Còn với chuỗi An Khang của Thế Giới Di Động là 250 cửa hàng.

Tất nhiên, như rất nhiều lĩnh vực bán lẻ khác, số lượng cửa hàng không hẳn là yếu tố quyết định thành công của một chuỗi.

Nếu xét về mặt doanh thu, chuỗi Long Châu hiện đạt hiệu quả cao nhất trong ngành, khi mỗi cửa hàng đem về 1,3 tỷ đồng/tháng trong quý 1/2022. Mỗi cửa hàng An Khang mang về 700-800 triệu/tháng và đã có lãi, còn Pharmacity ước đạt 400-500 triệu/tháng.

Tương lai gần 60.000 nhà thuốc truyền thống tại Việt Nam đi về đâu? 1
Các chuỗi nhà thuốc hiện đại sẽ dần thay thế các cửa hàng thuốc truyền thống

Trong cuộc đua này, Pharmacity dường như đang "hụt hơi" so với 2 đại gia bán lẻ là MWG và FPT Retail. Công ty này vẫn đang chật vật với khoản lỗ lũy kế lên tới 1.000 tỷ đồng tính đến cuối năm 2020, và đang kỳ vọng tìm ra nguồn vốn mới thông qua hoạt động gọi vốn từ các nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Thông tin từ DealStreetAsia từng tiết lộ, Pharmacity đang chuẩn bị nhận vốn từ SK Group. Giá trị khoảng đầu tư dự kiến lên tới 100 triệu USD, và hiện đã tiến đến những vòng đàm phán cuối cùng.

Trong khi đó, chuỗi Long Châu đang được xem như động lực tăng trưởng mới của FPT Retail bên cạnh lĩnh vực bán lẻ công nghệ. Từ năm 2019 đến nay, mức độ đóng góp doanh thu của Long Châu vào FRT liên tục tăng từ 3% lên 28%.

Dự kiến, công ty sẽ mở thêm ít nhất 300 cửa hàng, nâng tổng số cửa hàng lên khoảng từ 700 - 800 vào cuối năm 2022. Song song đó, FPT Long Châu sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng và hệ thống logistic phục vụ cho việc tăng trưởng và tối ưu hàng hoá.

Về phía Thế Giới Di Động, CEO Đoàn Văn Hiểu Em nhìn nhận: "Còn nhiều hành động tiếp theo nữa nên tôi kỳ vọng doanh thu mỗi cửa hàng sẽ còn tăng nữa. Đồng thời, An Khang đang mở rộng đầu tư, tăng số lượng cửa hàng và doanh thu nên chưa nói đến vấn đề lợi nhuận".

Vị CEO đặt mục tiêu tăng tốc mạnh và vào top 3 trên thị trường phân phối được phẩm. Tính đến cuối năm 2021, chuỗi An Khang có 178 cửa hàng, và được kỳ vọng đến cuối tháng 6 này sẽ tăng lên 400 cửa hàng.

Mỗi ngày Thế Giới Di Động mở mới 1 nhà thuốc An Khang