Ban biên tập: truyenthong.cssb@gmail.com
NỔI BẬT

VCCI: Lan tỏa đạo đức kinh doanh bằng những tấm gương doanh nhân cụ thể

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhằm kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh để công bố Quy tắc đạo đức doanh nhân và phát động thực hiện trong cộng đồng doanh nhân.

.
Ngày 19/5/2022, VCCI phát động thực hiện Quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam

6 quy tắc đạo đức doanh nhân

Quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam do VCCI công bố gồm 6 điều. Một là, tạo giá trị kinh tế cho xã hội. Hai là, tuân thủ pháp luậtBa là, minh bạch, công bằng, liêm chính. Bốn là, sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển. Năm là, tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Sáu là, yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình.

Trong đó, hai quy tắc đầu là những nguyên tắc đạo đức và cũng là nghĩa vụ cơ bản của doanh nhân để đảm bảo cho tính chính danh và sự tồn tại của doanh nghiệp.

Hai quy tắc tiếp theo là những chuẩn mức trong hoạt động kinh doanh và tương tác với các đối tác.

Hai quy tắc cuối cùng là phẩm chất cần có trong ứng xử với thiêu nhiên, môi trường, với Tổ quốc, xã hội và gia đình.

3 mục đích lớn mà VCCI hướng tới là: nâng cao nhận thức của doanh nhân về đạo đức, lấy đạo đức làm cốt lõi xây dựng văn hóa kinh doanh và đảm bảo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, doanh nhân; góp phần thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước đã đề ra về xây dựng đội ngũ doanh nhân có tinh thần dân tộc, có văn hóa kinh doanh và trách nhiệm xã hội cao; củng cố niềm tin, tăng sự ủng hộ của xã hội với đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam.

Lan tỏa đạo đức kinh doanh bằng những tấm gương cụ thể

Chia sẻ về thời điểm công bố 6 quy tắc đạo đức doanh nhân, nhân kỷ niệm ngày sinh Hồ Chủ tịch, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI cho biết, đây là hành động thể hiện quyết tâm của cộng đồng doanh nhân Việt Nam hưởng ứng và làm theo lời Bác.

“Bằng sự đồng tâm, đồng hành, chúng ta sẽ tạo ra các giá trị mới, giá trị bền vững, đó là đạo đức, là văn hóa kinh doanh Việt Nam. Văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp đều bắt đầu tư con người, do con người và vì con người, vì vậy, chúng ta bắt đầu từ đạo đức doanh nhân, đây là yếu tố nền tẳng, là cốt lõi hình thành nên văn hóa của mỗi doanh nghiệp”, ông Công nói.

Với 200 ngàn doanh nghiệp hội viên, gần 200 hiệp hội doanh nghiệp thành viên, VCCI tin rằng, đây sẽ là cơ sở quan trọng để quy tắc đạo đức đi vào cuộc sống.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn, ông Công cho biết, để hoạt động này không chỉ là phong trào, VCCI đã có kế hoạch triển khai cụ thể, từ xây dựng và công bố bộ tiêu chí, để căn cứ thực hiện, lan tỏa đạo đức kinh doanh.

“VCCI sẽ lan tỏa đạo đức doanh nhân, bắt đầu bằng những tấm gương doanh nhân tiêu biểu, những câu chuyện thành công. Ngay trong năm nay, chúng tôi sẽ tôn vinh doanh nhân tiêu biểu dựa trên điều kiện tiên quyết là đạo đức”, ông Công chia sẻ.

"Sẽ mất rất nhiều công sức để xây dựng đạo đức doanh nhân, nhưng đó là cơ sở để doanh nghiệp trường tồn phát triển".
Ông Tô Dũng Thái, Chủ tịch VNPT
6 quy tắc này phù hợp với nguyện vọng của doanh nghiệp, doanh nhân chân chính. Chúng ta xác định rõ sẽ mất rất nhiều công sức, thời gian để xây dựng đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh, nhưng đó chính là cơ sở để doanh nghiệp, doanh nhân trường tồn phát triển cùng đất nước.
Nhưng tôi cũng thẳng thắn, theo lẽ thường, những thứ tốt đẹp hay lan tỏa chậm và rất mất công, những thứ chưa tích cực, không tích cực thường hay lan tỏa rất nhanh. Tôi hy vọng, cùng nhau bồi đắp, có thể sẽ điều chỉnh để phù hợp với hoàn cảnh, chúng ta sẽ cùng nhau thành công.

"Để doanh nghiệp hoạt động bài bản, thì doanh nghiệp cũng mong chính quyền đồng hành".

 Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái
Quy tắc này đáp ứng nhu cầu của đa số cộng đồng doanh nghiệp và xã hội, đặc biệt là trong bối cảnh yêu cầu phát triển bền vững đã trở thành nhu cầu của cả nền kinh tế, của các doanh nghiệp. Nhưng thực tế là chúng ta cần hành động cụ thể, để thực sự đạo đức kinh doanh đi vào từng doanh nhân, doanh nghiệp.
Với tôi, đạo đức kinh doanh chính là chìa khóa để hội nhập. Cách đây nhiều năm, khi chúng tôi quyết định làm viêc với các doanh nghiệp nước ngoài, tôi đã phải đọc những cam kết về đạo đức rất dài, nhưng nhờ vậy, chúng tôi phát triển bài bản, chuyên nghiệp hơn. Tôi đặc biệt tin vào thế hệ doanh nhân F2, những người được đào tạo bài bản, sẽ thực hiện và lan tỏa rất nhanh những điều này.
Đạo đức kinh doanh sẽ đi vào từng con người, từng doanh nghiệp không chỉ kiến thức mà cả trách nhiệm thực thi.
Nhưng để doanh nghiệp hoạt động bài bản, thì doanh nghiệp cũng mong chính quyền đồng hành.

"Doanh nhân có tài, tín, tầm thì sẽ có tiền"
Ông Đỗ Văn Vẻ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thái Bình

Chưa bao giờ lực lượng doanh nghiệp Việt Nam đông đảo như vậy, trong đó nhiều doanh nghiệp có đóng góp lớn cho kinh tế, xã hội, nhưng cũng nhiều doanh nghiệp, doanh nhân có những vi phạm đạo đức, vi pháp pháp luật.
Tôi tin rằng, triển khai được 6 quy tắc này sẽ tạo nên tác động tích cực cho không chỉ doanh nghiệp mà cho cả nền kinh tế, cho đất nước.
Quan điểm của tôi là doanh nhân có tài, tín, tầm thì sẽ có tiền. Tôi cam kết hưởng ứng Chương trình ày và sẽ lan tỏa tới hơn 8.000 doanh nghiệp tỉnh Thái Bình