Ban biên tập: truyenthong.cssb@gmail.com
NỔI BẬT

Doanh nghiệp "khát” lao động sau Tết

Chi thưởng tiền tỉ, "đón lõng" công nhân ngoài đường... đang là những cách mà nhiều doanh nghiệp áp dụng để tuyển lao động sau Tết Nguyên đán.

Cung cầu lao động sau Tết: Thừa doanh nghiệp, thiếu lao động

Không ít chuỗi sản xuất đã bị đứt gãy, gián đoạn vì doanh nghiệp chưa thể lấp đầy khoảng trống nhân công bỏ việc hoặc chưa có thể quay trở lại làm việc sau Tết, do tính địa lý và dịch bệnh.

Để góp phần bù đắp nguồn lực lao động thiếu hụt, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh thành đã bắt tay triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy thị trường lao động, hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất, cụ thể như: tổ chức các sàn giao dịch việc làm. Tuy nhiên, sàn đã mở, còn lao động vẫn chưa thực sự mặn mà.

Vắng vẻ, lác đác… là thực trạng diễn ra tại Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội trong những ngày đầu năm. Dù doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng, nhưng người lao động đến tìm việc khá thưa thớt.

Khát” lao động sau Tết - Ảnh 1.

Hiện nay, người lao động đã không còn yếu thế trước nhà tuyển dụng. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

"Vắng hơn những năm húng ta chưa bị ảnh hưởng bởi COVID-19, bởi trong doanh nghiệp thì vẫn còn có những khó khăn nhất định, chưa thể phục hồi hết được. Nhiều người lao động khi tiếp cận, tìm kiếm vị trí việc làm lại chưa thực sự quan tâm", ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội, cho biết.

Sau hơn 1 năm nghỉ việc, ông Hưng (quận Đống Đa, Hà Nội) quyết định đi xin việc trở lại. Dù đã tìm hiểu nhiều đơn vị tuyển dụng, nhưng để phù hợp với nguyện vọng của ông không phải là dễ.

"Đi xin việc mấy nơi thì nhiều nơi họ cũng tạo điều kiện giúp đỡ, nhưng mình thấy không phù hợp nên chưa cộng tác", ông Hoàng Kim Hưng chia sẻ.

Thay vì đến phỏng vấn trực tiếp, một số lao động chọn hình thức trực tuyến với mục đích thăm dò.

"Em muốn thử tìm hiểu trước. Nếu phù hợp thì mình gắn bó lâu dài", anh Đinh Công Hưng, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, nói.

"Tôi đến đây xem thử công việc như thế nào. Tôi cần công ty có thể có khả năng để thăng tiến. Với mức lương và chế độ làm sao trong vòng 1 năm tôi phải đạt được mức lương mà hiện giờ tôi đã nghỉ ở trong miền Nam", anh Hà Đăng Công, TP Hồ Chí Minh, cho hay.

Gián đoạn công việc, nhưng lại trông chờ vào khoản trợ cấp thất nghiệp nên một số lao động chưa mặn mà tìm việc. Do đó, doanh nghiệp và người lao động vẫn chưa có điểm "chạm" để tìm tiếng nói chung.

"Đa phần bây giờ tôi thấy nhiều bạn trẻ mong muốn tìm kiếm công việc được làm việc tại văn phòng nhiều hơn là làm sale khiến chúng tôi gặp phải khó khăn trong vấn đề tuyển dụng", chị Đoàn Thị Hồng, đơn vị tuyển dụng, nói.

"Sự cạnh tranh giữa các nhà tuyển dụng khá cao. Vì vậy để tìm một ứng viên phù hợp cho các vị trí không phải dễ dàng", chị Mạc Minh Hồng, đơn vị tuyển dụng, nhận định.

Chỉ tính riêng tại Hà Nội, đã có hơn 200 doanh nghiệp, tương ứng với 10.000 chỉ tiêu tuyển dụng qua sàn giao dịch việc làm từ đầu năm đến nay. Điều này cho thấy cơ hội việc làm là có, nhưng nghịch lý là doanh nghiệp vẫn "khát" nhân lực, còn người lao động vẫn lao đao tìm việc. Như vậy, khoảng cách để cân bằng nguồn cung cầu lao động vẫn còn bỏ ngỏ.

Doanh nghiệp chi tiền tỷ thưởng công nhân mới

Lao động phổ thông đang bị cạnh tranh gay gắt, có những thời điểm khan hiếm, rất khó tuyển. Do đó, không ít doanh nghiệp ở phía Nam đã thực hiện nhiều chính sách thưởng nhằm thu hút người mới. Lì xì, tặng tiền khi ký hợp đồng, thưởng gắn bó cho mỗi tháng…

Ngoài mức thưởng nóng cho người lao động mới là 2.400.000 đồng, người giới thiệu cũng được thưởng 500.000 đồng. Bên cạnh đó, lao động mới còn được trợ cấp nhà trọ, sinh hoạt đời sống, và phụ cấp khi đang có con nhỏ.

Thực tế cho thấy, người lao động hiện nay đã không còn yếu thế trước nhà tuyển dụng. Nhiều doanh nghiệp đang phải chật vật giữ nhân công để không bị trống lao động sau Tết.

Người lao động chưa mặn mà với công việc đầu năm

Dịch chồng dịch, nhưng doanh nghiệp vẫn cố duy trì hoạt động. Đời sống người lao động luôn được đảm bảo.

Từ trước Tết, ngoài lương tháng 13, nhiều doanh nghiệp cũng đã duy trì như thường niên là những khoản thưởng Tết và quà cho người lao động. Nhờ vậy sau Tết, nhân công ít bỏ việc; doanh nghiệp có cơ hội mở rộng nhà xưởng để phát triển. Mặc dù có nhiều đãi ngộ, tuy nhiên việc tuyển thêm lao động có chuyên môn cao không phải là chuyện dễ trong thời điểm này.

Thực tế, ngay từ đầu năm, Công ty Cổ phần Sữa Hà Lan, Hải Dương đã phải cắt cử 2 nhân sự chỉ chuyên phục vụ cho công tác tuyển dụng. Tuy nhiên đến nay, số lượng mới chỉ đáp ứng được khoảng 50%.

"Vì công ty chưa phải là doanh nghiệp lớn, công ty làm tại các tỉnh lẻ nên để tìm được ứng viên phù hợp nhất với công ty thực sự cần cân nhắc rất nhiều", chị Vương Thị Tân, Bộ phận hành chính Công ty Cổ phần Sữa Hà Lan, Hải Dương, cho biết.

Với mác doanh nghiệp tỉnh lẻ, thu hút lao động có chuyên môn cao khó đã đành, nhưng với lao động phổ thông cũng chật vật không kém. Vừa ra Tết, nhiều đơn hàng được xuất đi, mọi guồng quay đã bắt đầu trở lại, chỉ có người lao động là muốn đứng yên.

"Bà con vẫn còn đang muốn nghỉ Tết nên việc bố trí nhân công thu hoạch cho đến sản xuất vẫn đang gặp khó khăn", bà Ngô Thị Thu Hồng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam, chia sẻ.

Khát” lao động sau Tết - Ảnh 2.

Dù doanh nghiệp có nhiều đãi ngộ, nhưng ra Tết, để lấp đầy khoảng trống lao động vẫn là bài toán nan giải. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

Mặc dù ở nông thôn, lao động phổ thông vẫn được trả mức lương 10 triệu đồng/tháng, nhưng không vì thế người lao động mặn mà. Sau Tết, lao động tự nghỉ việc vẫn nhiều, số còn lại đi làm nhưng cũng không đảm bảo về mặt thời gian.

"Đi lễ bái thì cứ sáng ra đi, xong trưa tranh thủ về. Về trưa xong lại đi làm", bà Phạm Thị Lá, công nhân Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam, Hải Dương, nói.

Thích thì đi, có việc nhà thì nghỉ, dẫu chăm chỉ, nhưng với vẫn có thói quen và tập tính lao động tự do nông thôn. Bởi vậy mặc dù chủ doanh nghiệp có nhiều đãi ngộ, nhưng ra Tết, để lấp đầy khoảng trống lao động vẫn là bài toán nan giải.

Thiếu lao động, doanh nghiệp "đón lõng" công nhân ngoài đường

Vừa thiếu lao động sau đại dịch và kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, vừa phải mở rộng sản xuất, các doanh nghiệp phải ra sức tuyển dụng từ hàng trăm đến hàng nghìn lao động. Tuy nhiên, việc tuyển công nhân vào thời điểm này không phải chuyện dễ. Kể cả khi tăng lương thưởng, thêm chế độ đãi ngộ, nhiều doanh nghiệp vẫn phải ra đường để chờ lao động

Trên các cung đường vào khu công nghiệp của Bình Dương, Đồng Nai..., nhiều công ty đã cử cán bộ nhân sự kê bàn ngồi chờ người lao động đi tìm việc.

Chỉ một con đường, khoảng 20 doanh nghiệp treo bảng tuyển dụng từ 300 - 500 lao động, có doanh nghiệp còn đăng thông tin tuyển dụng trên 1.000 công nhân. Không chỉ cán bộ nhân sự ra đường tuyển dụng, mà lãnh đạo doanh nghiệp cũng thấp thỏm ngóng chờ lao động.

Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động, Lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết là do chịu ảnh hưởng của dịch bệnh và cuộc khủng hoảng lao động tạm trú dịch chuyển ngược về quê nên đến nay, doanh nghiệp cần lao động gặp khó bởi người lao động đã tìm việc khác hoặc về quê không quay trở lại.

Cụ thể, chỉ tính riêng tỉnh Thanh Hóa, cuối năm vừa qua đã có hàng trăm nghìn người lao động từ các tỉnh thành phía Nam và Hà Nội trở về quê để tránh dịch. Ban đầu chỉ là tạm lánh dịch, nhưng nỗi sợ thành thị lại hiện hữu, họ xác định ở lại quê hương để tìm sinh kế. Với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, khởi đầu bằng những mô hình nhỏ lẻ, nhưng với quyết tâm, họ hy vọng vào một ngày mai tươi sáng không xa.

Lao động tìm kế mưu sinh trên mảnh đất quê hương

Vốn liếng còn hạn hẹp, nhiều người đã lên kế hoạch vay vốn từ ngân hàng chính sách để làm ăn.

"Bây giờ tạm thời mua bò, mua lợn để sản xuất ở nhà. Nếu làm ăn được chúng tôi sẽ chuyển hướng", chị Hoàng Thị Dung, xã Trường Giang, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, cho biết.

Hồ sơ vay vốn mỗi ngày 1 tăng, vì số lượng người lao động hồi hương mỗi lúc một nhiều.

"Sau khi tiếp nhận hồ sơ và trên cơ sở chỉ tiêu đã được phân bổ, đơn vị ngân hàng huyện phân công cán bộ tín dụng nhận hồ sơ và giải ngân cho đối tượng trong thời gian sớm nhất", ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Nông Cống, Thanh Hóa, cho hay.

Dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn vay, quy mô sản xuất cũng bắt đầu được mở rộng. Ông Lê Ngọc Huy (xã Thăng Long, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) từ miền Nam trở về, bắt đầu với 2 con lợn giống, nay lợn đã thành đàn.

"Việc đi vay đã trong dự tính, mà mình làm được mới dám vay, chứ làm không được mà vay mang nợ thêm lại chết", ông Lê Ngọc Huy nói.

Bắt đầu tìm sinh kế trên chính mảnh đất quê hương, không cần biển hiệu cầu kỳ, chàng thanh niên Trần Quang Linh bắt tay ngay vào công việc, vừa làm thợ vừa làm chủ xưởng may của mình.

"Em quyết tâm ở quê khởi nghiệp, trên chính mảnh đất quê hương mình, vừa tạo công ăn việc làm cho mình, thu nhập cho mình, vừa tạo việc làm cho lao động địa phương", Trần Quang Linh, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, chia sẻ.

Năm nay vẫn giống năm xưa, chỉ khác là thay vì làm việc nơi đất khách, không ít người đã chọn quê hương để gắn bó. Gánh nặng cộng nỗi lo, nhưng lại thêm niềm tin vào cuộc sống, khó khăn sẽ đẩy lùi và tương lai sẽ tươi sáng.