Ban biên tập: truyenthong.cssb@gmail.com
NỔI BẬT

Play – to - earn - Xu hướng mới trong lĩnh vực kinh doanh trò chơi điện tử

(KD&BM) - Mô hình kinh doanh trò chơi điện tử “Play-to-earn” hay còn được hiểu là “chơi game để kiếm tiền” mới xuất hiện trong vài năm trở lại đây cùng với sự phát triển của công nghệ Blockchain hiện đang là cách thức kinh doanh mới nhất của những nhà phát triển trò chơi điện tử. Đây là một mô hình kinh doanh dựa trên khái niệm về nền kinh tế GIG (GIG Economy) mang lại lợi ích về tài chính cho tất cả những ai tham gia đóng góp vào trò chơi.

Đây được coi là một khái niệm mới này trong lĩnh vực trò chơi điện tử với mô típ giữ chân người dùng chưa từng được thấy ở các trò chơi trước đây.

Lĩnh vực trò chơi điện tử song hành cùng với sự lan tỏa của ngành công nghệ ngày càng trở nên dễ tiếp cận với xã hội hơn bao giờ hết.

Nếu như ở cuối những năm 70 và đầu năm 80 của thế kỷ XX, mọi người thường lui tới những trung tâm giải trí trong thành phố, mua xèng và chơi trò chơi trên những chiếc máy arcade, họ cố gắng để đạt được điểm số cao nhất có thể, thì  giờ đây, với sự phổ biến của smartphone, chúng ta có thể thấy mọi người chơi game mọi lúc mọi nơi, ngay cả khi đi trên những phương tiện công cộng hoặc tranh thủ những thời gian nghỉ ngơi. Nếu người chơi cần có những trải nghiệm sâu hơn, họ chơi game trên máy tính cá nhân hoặc những thiết bị chơi game chuyên dụng như PlayStation, Xbox,… Có thể nói rằng, hiện nay trên bất kể nền tảng nào, luôn có những trò chơi phù hợp cho mọi nhóm đối tượng.

Từ mô hình PAY-TO-PLAY đến FREE-TO-PLAY

Vài chục năm trước đây, cùng với sự ra đời của máy tính cá nhân và những thiết bị chơi game chuyên dụng như PlayStation, những người chơi game phải chi trả một khoản tiền nhất định để mua bản quyền của trò chơi thông qua những cửa hàng trò chơi trực tuyến hay đĩa DVD bản quyền từ các game store, đôi khi chi phí có thể lên đến 60-100 USD cho những tựa game mới phát hành. Hình thức kinh doanh này được gọi là Pay-to-play (Trả tiền để chơi trò chơi), sự ra đời của một mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực này được gọi là Free-to-play (Chơi game miễn phí) đã đạt được những thành công lớn về doanh thu cho những nhà phát triển game và thay đổi tư duy về hinh thức kinh doanh trò chơi điện tử trong những năm trở lại đây.

Mô hình Free-to-play cho phép người chơi có thể tải và tham gia vào game hoàn toàn miễn phí. Người chơi có thể trải nghiệm những tính năng cơ bản nhất trong game và có quyền lựa chọn trả phí để có được trải nghiệm tốt nhất hoặc để mua những vật phẩm cá nhân hóa trong game.

Doanh số từ game Free-to-play (màu tím) và Pay-to-play (màu xanh) năm 2016,
Nguồn: https://www.gamesindustry.biz/

Có thể dễ dàng kể ra rất nhiều tựa game thành công ở trên thị trường hiện nay mang về doanh thu tỷ đô đang được vận hành theo mô hình Free-to-play. Ví dụ tựa game mang tên Fortnite đã mang về doanh số 1.8 tỷ dollar vào năm 2020, cho dù đây là 1 game hoàn toàn miễn phí và phần lớn doanh thu mang lại dựa vào việc bán những vật phẩm, trang sức để cá nhân hóa nhân vật trong game.

Hai tựa game nổi tiếng khác trong mô hình Free-to-play là League of LegendsHeartstone cũng cho phép người chơi tải về và chơi miễn phí. Tuy nhiên, những nhà phát triển của những game này có các cách riêng để móc hầu bao của người chơi bằng việc bán những nội dung bổ sung và vật phẩm đặc biệt trong game.

Những tựa game kể trên đã mang về hàng tỷ đô doanh thu trong nhiều năm và chưa có dấu hiệu dừng lại cho đến tận bây giờ. Điều đó chứng tỏ sự thành công rất lớn của mô hình kinh doanh Free-to-play và mô hình này đã trở thành mô hình chuẩn mực trong ngành kinh doanh trò chơi điện tử.

PLAY-TO-EARN – Mô hình thay đổi cuộc chơi trong lĩnh vực kinh doanh trò chơi điện tử?

Hầu hết các tựa game trong mô hình play-to-earn cũng được sử dụng các cơ chế tương tự như free-to-play. Tuy nhiên, sự khác nhau là những trò chơi play-to-earn cho phép người chơi kiếm được tiền hoặc sưu tầm và sở hữu thu thập được những tài sản kỹ thuật số có giá trị bằng việc ứng dụng công nghệ Blockchain.

Việc token hóa và trao cho người chơi quyền sở hữu các tài sản có trong game và có khả năng gia tăng giá trị tài sản bằng việc tích cực hoạt động trong game là điểm chính của mô hình play-to-earn.

Ngoài nội dung game hấp dẫn thì việc kiếm được tiền khi chơi trò chơi là động lực chính để giúp nhà sáng lập giữ chân người dùng khi phát triển theo mô hình play-to-earn. Người dùng trở thành 1 thành phần được chia sẻ kinh tế trong cuộc chơi, họ được trao quyền để tạo ra giá trị cho những người chơi khác và cho cả những nhà tạo lập. Đổi lại, công sức của họ được thưởng bằng những tài sản trong trò chơi. Các tài sản kỷ thuật số này có thể là các đồng tiền điện tử (Cryptocurrencies) hay các tài nguyên có trong game được mã hóa dựa trên công nghệ blockchain và chúng có thể giao dịch trên những chợ tiền điện tử để đổi ra tiền thật. Đó cũng chính là lý do tại sao hầu hết các tựa game theo mô hình play-to-earn đều dựa trên nền tảng công nghệ blockchain.  

Axie Infinity là một trong những tựa game Play-to-earn thành công nhất

So sánh với mô hình free-to-play, lợi ích nổi bật nhất của mô hình play-to-earn là người chơi có thể bán được bất kỳ những tài sản kỹ thuật số nào mà họ tạo ra hay được thưởng trong game, ngay cả những nhân vật mà họ đã phải bỏ tiền ra mua ban đầu cũng có thể được giao dịch và bán lại cho người chơi khác nếu muốn.

Khác với những tựa game theo mô hình free-to-play như Fortnite hay League of Legends, những nhà tạo lập tìm mọi cách để người chơi ném tiền của họ vào một cái hố không đáy, và khi ngừng chơi, họ không thu về được gì cả. Mô hình play-to-earn đã thay đổi điều đó, tất cả những vật phẩm kiếm được trong game đều có giá trị dựa trên quy luật cung-cầu. Điều đó có nghĩa là các game thủ có thể vẫn kiếm được tiền ngay cả khi họ “nghỉ hưu”.

Game Play-to-earn bùng nổ mạnh mẽ trong đại dịch Covid-19

Kể từ năm 2020 trở lại đây, do sự ảnh hưởng mạnh mẽ của đại dịch Covid-19 khiến cho hàng triệu người lao động thất nghiệp hoặc bị rút ngắn giờ làm việc, những người chịu ảnh hưởng rất sẵn sàng cho những cơ hội mới có thể kiếm thêm thu nhập tại nhà, một trong những cơ hội đó đến từ việc chơi game play-to-earn.

Theo CNBC, Philippines là một trong những nước bị thiệt hại nặng nề nhất ở Đông Nam Á, đại dịch Covid-19 đã khiến cho hàng chục ngàn người thất nghiệp, ghi nhận mức GDP giảm 9.6% trong năm 2020, mức giảm lớn nhất trong lịch sử nước này kể từ năm 1946. Trong một phóng sự được đăng tải trên Youtube vào tháng 5/2021 với tựa đề “Play-To-Earn” được quay bởi Emfarsis – một công ty tư vấn về tiền điện tử và Yield Guild Game – công ty kinh doanh về game, ta có thể thấy rất nhiều người Philippines ở mọi tầng lớp như nội trợ, người về hưu, tài xế, chủ hàng ăn uống,… họ đã tìm ra một giải pháp để kiếm thêm thu nhập trong thời gian giãn cách xã hội bằng việc chơi game.

Biểu đồ giá trị vốn hóa của token AXS (Axie Infinity) theo www.coinmarketcap.com

Tại thời điểm quay phóng sự trên, đã có gần 60,000 người tại Philippines đã tham gia trò chơi mang tên Axie Infinity – 1 tựa game blockchain được phát triển bởi 1 Start-up đến từ Việt Nam – SkyMavis. Đây là một phương thức kiếm tiền mới trong thời gian giãn cách xã hội tại nước này. Điều này cũng xảy ra tương tự ở nhiều nước khác như Indonesia, Brazil, Việt Nam,… Tại thời điểm viết bài này, giá trị vốn hóa của game Axie Infinity đang tăng trưởng bùng nổ trong 1 tháng vừa qua, tăng gấp 10 lần từ 25 triệu USD (24/06/2021) lên tới 2.5 tỷ USD (24/07/2021), và tựa game này cũng trở thành dự án tiền điện tử Việt Nam có tổng vốn hóa lớn nhất từng được biết tới.

Phóng viên sẽ gửi đến độc giả những thông tin chi tiết hơn về tựa game blockchain Axie Infinity trong bài viết sắp tới.

Hồng Hà