Ban biên tập: truyenthong.cssb@gmail.com
NỔI BẬT

Bloomberg: Trung Quốc đè bẹp Jack Ma, các gã khổng lồ công nghệ khác có thể là nạn nhân tiếp theo

Gã khổng lồ Fintech Ant Group đã mất khoảng 70 tỷ USD kể từ sau thương vụ IPO hụt và những công ty công nghệ khác của Trung Quốc, từ Tencent đến JD.com, cũng đều đang chịu áp lực.

Đã 8 tháng kể từ khi Jack Ma, một trong những lãnh đạo công nghệ nổi tiếng nhất Trung Quốc, không xuất hiện trước công chúng. 8 tháng và theo một ước tính thận trọng, khoảng 70 tỷ USD đã bị thổi bay. Đây được xem là đánh giá nhẹ nhàng về tổn hại của gã khổng lồ fintech Ant Group sau thương vụ IPO hụt. Việc Jack Ma công khai chỉ trích các chính sách của Bắc Kinh là dấu mốc chính của sự kiện này.

Tuy Ant đã tách khỏi Alibaba Group nhưng đế chế thương mại điện tử khổng lồ không tránh khỏi vạ lây. Nặng nhất, Alibaba bị phạt nhiều tỷ USD vì cáo buộc độc quyền khi cấm người bán hàng trên nền tảng của mình sử dụng các nền tảng thương mại điện tử của đối thủ. Đây là án phạt chưa từng có ở Trung Quốc với 2,75 tỷ USD.

Khi sóng gió dần qua đi, một nguồn tin cho biết nhà chức trách Trung Quốc đang thảo luận về việc đưa một người của chính phủ vào đội ngũ lãnh đạo cấp cao của Ant. Trước đó, CEO công ty này cũng liên tục phải báo cáo tiến độ cải tổ doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, sóng gió dường như không chỉ ập xuống đầu Jack Ma và đế chế của ông ta. Các nhà quản lý Trung Quốc đang hướng tới một cuộc cải cách quy mô lớn với những gã khổng lồ công nghệ khác của nước này, chẳng hạn như Tencent Holdings Ltd., JD.com Inc., chủ sở hữu TikTok ByteDance Ltd. và gã khổng lồ gọi xe Didi Chuxing.

Riêng trong lĩnh vực Fintech, các công ty công nghệ tài chính kiểu như Ant đang bị buộc phải hành xử giống các ngân hàng cũ hơn. Điều đó có nghĩa là cán cân quyền lực trong ngành tài chính khổng lồ của Trung Quốc nghiêng về phía các ngân hàng quốc doanh. Đó là điều mà các doanh nghiệp tư nhân phải chấp nhận.

Thực tế, việc các công ty fintech có tầm ảnh hưởng vượt các ngân hàng quốc doanh là điều không thể được chấp nhận ở Trung Quốc. Riêng lĩnh vực cho vay trực tuyến, vốn là động cơ tăng trưởng lớn nhất của ngành fintech, đã bị siết chặt và có thể giảm mạnh trong 5 năm tới. Các hệ sinh thái thanh toán bây giờ cũng sẽ bị kiểm soát chặt chẽ.

"Chúng ta đang bước vào một thời kỳ biến động lớn khi Bắc Kinh định hình lại mối quan hệ với những gã khổng lồ công nghệ. Có thể các biện pháp kiểm soát chặt chẽ sẽ được duy trì lâu dài. Các ưu tiên của Trung Quốc đã thay đổi", Liao Ming, một đối tác sáng lập của Prospect Avenue Capital có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết.

Hơn một chục công ty công nghệ đã được thông báo rằng họ cần phải tái cơ cấu lại các bộ phận tài chính của mình thành các thực thể gần giống như ngân hàng và nằm dưới sự giám sát của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc. Mọi thông tin, từ dữ liệu người dùng tới các khoản vay cần phải được giám sát chặt chẽ, bao gồm cả cấu trúc doanh nghiệp.

Tuy nhiên, nỗi đau vẫn còn rất dài. Cả Ant và đối thủ Tencent đều được yêu cầu "cắt đứt các liên kết không phù hợp" trong các nền tảng thanh toán phổ biến của họ là Alipay của Ant và WeChat Pay của Tencent.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng đang cân nhắc các quy định để hạn chế độc quyền trong thanh toán trực tuyến đồng thời cố gắng khởi động một liên doanh chịu trách nhiệm về dữ liệu mà các nền tảng này thu thập và chia sẻ nó với các đối thủ.

Linh Anh

Doanh nghiệp và tiếp thị