Ban biên tập: truyenthong.cssb@gmail.com
NỔI BẬT

Đánh thức tiềm năng

Với trên 3.260km bờ biển, trên 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tiềm năng và lợi thế lớn để mở rộng không gian phát triển ra biển và đại dương.

Để đánh thức tiềm năng “mặt tiền” Biển Đông, nhiều thập kỷ qua, chúng ta đã khai thác tối đa thế mạnh các vùng bờ biển, ven biển. Trong đó, lấn biển không chỉ là một giải pháp hiệu quả nhằm bảo vệ bờ biển, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, mà còn mở rộng không gian sống, hình thành các khu đô thị, khu kinh tế biển sầm uất.

Thời gian qua, một số dự án lấn biển tiêu biểu như: Khu lấn biển thành phố Rạch Giá (Kiên Giang) rộng 420ha; Khu công nghiệp Nam Đình Vũ (Hải Phòng) rộng 1.329ha; Khu đô thị du lịch Hùng Thắng (Quảng Ninh) rộng 224ha; Khu đô thị Đa Phước (Đà Nẵng) rộng 210ha..., trở thành những điểm nhấn thu hút các nhà đầu tư và phát triển thương mại, du lịch.

Theo các chuyên gia, để hiện thực hóa Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, việc mở rộng không gian ra biển và đại dương là yêu cầu bắt buộc. Không chỉ lấn biển sát bờ, mà cần hướng đến các dự án cách xa bờ như kè biển, đê biển, bồi lấp đầm vũng, kết nối các đảo... để phát triển thành các điểm dân cư, khu đô thị mở, vừa có thêm quỹ đất vừa bảo đảm công tác quốc phòng, an ninh tại các khu vực xa đất liền.

Tuy nhiên, lấn biển là một hoạt động phức tạp, ngoài các yếu tố tích cực nói trên, hoạt động này cũng có tác động tiêu cực đến hệ sinh thái ven biển, chôn vùi đáy biển, biến đổi dòng chảy...

Đáng lo ngại là nhiều khu đất lấn biển đang bị các doanh nghiệp cát cứ, xây bít lại, gây cản trở cho hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân và cộng đồng. Thậm chí, nhiều khu vực lấn biển xâm phạm khu bảo tồn thiên nhiên, đất quốc phòng...

Những hệ lụy từ hoạt động lấn biển gây bức xúc trong dư luận thời gian qua cho thấy, khai thác tiềm năng “mặt tiền” biển chưa mang lại hiệu quả như mong đợi. Nguyên nhân do quy định của pháp luật về hoạt động lấn biển mới dừng lại ở nguyên tắc, khuyến khích, chưa có quy định cụ thể.

Chính vì thế, dự thảo Nghị định quy định hoạt động lấn biển do Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận với kỳ vọng tạo ra khuôn khổ pháp lý đồng bộ và toàn diện để điều chỉnh hoạt động lấn biển, giảm thiểu những tác động tiêu cực đối với môi trường.

Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định, Nghị định quy định rõ khu vực lấn biển là khu vực biển không thuộc khu bảo tồn, khu tránh trú bão, cảng biển, luồng hàng hải và các khu vực được quy hoạch, sử dụng vào mục đích an ninh, quốc phòng. Khu vực này được xác định cụ thể vị trí địa lý, diện tích, ranh giới, tọa độ trên nền bản đồ địa hình đáy biển.

Đặc biệt, các dự án lấn biển chỉ được cấp phép khi phù hợp với kế hoạch, phương án lấn biển được cấp có thẩm quyền phê duyệt và qua đánh giá, thẩm định chặt chẽ tác động môi trường, bảo đảm hạn chế tối đa tác động xấu đến môi trường sinh thái cũng như cộng đồng dân cư ven biển.

Một trong những điểm mới của dự thảo Nghị định được dư luận đồng tình, đánh giá cao là khu vực lấn biển phải bố trí một quỹ đất nhất định thuộc dải đất dọc theo bờ biển bàn giao cho địa phương quản lý để xây dựng công trình hạ tầng công cộng, bảo đảm quyền tiếp cận biển của người dân.

Thiết nghĩ, hệ sinh thái cũng như môi trường biển là tài nguyên quý giá của đất nước không chỉ hôm nay mà cả thế hệ mai sau. Bởi vậy, hoạt động lấn biển cần phải tính toán thật kỹ để hạn chế tới mức thấp nhất tác động tới môi trường sinh thái trong khi vẫn bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, mang lại lợi ích tốt nhất cho đất nước.

Thanh Thảo