Ban biên tập: truyenthong.cssb@gmail.com
NỔI BẬT

Hà Nội hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn

(KD&BM) - Với nhiều giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn, điều này đã giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Hà Nội nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường.

Thúc đẩy sản xuất sạch hơn là chủ trương của Chính phủ cũng như TP. Hà Nội. Để hỗ trợ doanh nghiệp, năm 2020 Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội đã tổ chức tuyên truyền về áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tổ chức nhiều lớp đào tạo tập huấn giới thiệu về sản xuất sạch hơn, phổ biến lợi ích cho doanh nghiệp khi áp dụng… Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đã tiến hành điều tra khảo sát đánh giá sản xuất sạch hơn cho 10 cơ sở sản xuất trên địa bàn Thành phố theo 3 nhóm đối tượng: Sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực; ngành in ấn – bao bì; doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc ngành chế biến gỗ, gốm sứ.

Thực hiện chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững, Trung tâm Khuyến công đã giới thiệu các mô hình về đổi mới sinh thái, thiết kế sinh thái, thiết kế bền vững, các chuỗi cung ứng, mô hình điển hình về sản xuất và tiêu dùng bền vững, cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường; giới thiệu kiến thức về chuỗi sản xuất và tiêu dùng bền vững cho người tiêu dùng Thủ đô...

Nhiều cơ sở chế biến gỗ ở Đan Phượng, Hà Nội đã chủ động áp dụng sản xuất sạch hơn thông qua đầu tư đổi mới công nghệ.

Ông Vương Đăng Hoa, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp, Sở Công Thương Hà Nội chia sẻ: " Trước đây, ngành sản xuất gốm sứ thường dùng nguồn nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên. Đến nay, để đáp ứng với khối lượng lớn nhu cầu nguồn nguyên liệu phục vụ trong sản xuất các sản phẩm gốm sứ, việc đầu tư mua sắm dây chuyền sản xuất đất sét nguyên liệu sẽ giúp cho doanh nghiệp cải tiến được nguồn hàng và đặc biệt hơn nữa là các doanh nghiệp cùng ngành nghề trên địa bàn. Việc đổi mới công nghệ đã giúp cho các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, giảm phát thải trong quá trình sản xuất ra môi trường".

Điển hình như năm 2019, Trung tâm đã quyết định hỗ trợ đầu tư dây chuyền sản xuất đất sét nguyên liệu tại Công ty cổ phần Văn Miếu Sơn Tây, phường Phú Thịnh, thị xã Sơn Tây. Việc đầu tư “Dây chuyền sản xuất đất sét nguyên liệu” với công xuất là 20 tấn đất đầu vào/giờ đã góp phần tạo nguồn nguyên liệu, nâng cao chất lượng của sản phẩm; tăng hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp; giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Với việc đầu tư cho dây chuyền sản xuất đất sét nguyên liệu, sản phẩm làm ra của doanh nghiệp đạt chất lượng cao hơn, không độc hại, không gây ô nhiễm môi trường, đáp ứng được những yêu cầu nghiêm ngặt từ phía khách hàng.

Hay trong lĩnh vực sản xuất gỗ ván ép, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển công nghiệp Hà Nội phối hợp với Công ty TNHH Tổng hợp Thương mại và Dịch vụ Hà Bình chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai Hỗ trợ Đầu tư Dây truyền máy ép ván gỗ tự động tại Công ty TNHH Tổng hợp Thương mại và Dịch vụ Hà Bình, Cụm 3, xã Liên Trung, huyện Đan Phượng.

Theo đánh giá của UBND thành phố Hà Nội, việc triển khai xây dựng kế hoạch sản xuất sạch hơn cho giai đoạn tiếp theo là nhằm sử dụng tài nguyên thiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu hợp lý, hiệu quả; giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm… Chính từ việc hỗ trợ này đã động viên, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ thiết bị. Góp phần nâng cao đời sống cho công nhân lao động, công nghiệp hóa, hiện đại hóa công nghiệp nông thôn. Có thể khẳng định, thời gian qua, trong nhiều ngành và lĩnh vực công nghiệp quan trọng cũng đã có các doanh nghiệp điển hình thực hiện các biện pháp sản xuất sạch hơn. Điều này đã góp phần mang lại lợi ích kinh tế và môi trường to lớn không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho toàn xã hội.

Thu Hường