Ban biên tập: truyenthong.cssb@gmail.com
NỔI BẬT

Phát triển bền vững trong xu thế hiện nay - Doanh nghiệp cần làm gì?

Hiểu thế nào cho đúng về phát triển bền vững doanh nghiệp? Tiêu chí đánh giá phát triển bền vững? Và làm sao để phát triển doanh nghiệp theo xu hướng trên?

Phát triển bền vững đang là xu hướng phát triển mà nhiều doanh nghiệp hướng đến trong thời gian gần đây. Hiểu thế nào cho đúng về phát triển bền vững doanh nghiệp? Tiêu chí đánh giá phát triển bền vững? Và làm sao để phát triển doanh nghiệp theo xu hướng trên? Cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

1.Phát triển bền vững nền kinh tế  là gì?

Năm 1980, thuật ngữ "phát triển bền vững" lần đầu tiên được nhắc đến trong ấn phẩm Chiến lược bảo tồn Thế giới (công bố bởi Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên Quốc tế - IUCN) , cụ thể là : "Sự phát triển của nhân loại không thể chỉ chú trọng tới phát triển kinh tế mà còn phải tôn trọng những nhu cầu tất yếu của xã hội và sự tác động đến môi trường sinh thái học". Khái niệm này được phổ biến rộng rãi vào năm 1987 nhờ Báo cáo Brundtland (còn gọi là Báo cáo Our Common Future) của Ủy ban Môi trường và Phát triển Thế giới - WCED (nay là Ủy ban Brundtland). Báo cáo này ghi rõ: Phát triển bền vững là "sự phát triển có thể đáp ứng được những nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai..." ( theo Wikipedia Tiếng Việt)

1.1 Nội hàm phát triển kinh tế bền vững

Nội hàm về phát triển bền vững được bổ sung và hoàn chỉnh tại Hội nghị thượng đỉnh Thế Giới về Phát  triển bền vững tổ chức tại Nam Phi. Theo đó "Phát triển bền vững" là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa 3 mặt của sự phát triển, gồm: phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường”

Xem thêm: Nội hàm của phát triển bền vững

1.2 Tiêu chí đánh giá phát triển bền vững

Để đánh giá sự phát triển bền vững của một nền kinh tế, chúng ta có những tiêu chí về 3 trụ cột của phát triển bền vững: Kinh tế, xã hội và môi trường

1.2.1 Tăng trưởng kinh tế cao và ổn định 

Về trụ cột kinh tế, phát triển bền vững đạt được khi đạt được các tiêu chí:

  • Có tăng trưởng GDP và GDP đầu người đạt mức cao. Nước phát triển có thu nhập cao vẫn phải giữ nhịp độ tăng trưởng, nước càng nghèo có thu nhập thấp càng phải tăng trưởng mức độ cao. Các nước đang phát triển trong điều kiện hiện nay cần tăng trưởng GDP vào khoảng 5%/năm thì mới có thể xem có biểu hiện phát triển bền vững về kinh tế.
  • Cơ cấu GDP cũng là tiêu chí đánh giá phát triển bền vững về kinh tế. Chỉ khi tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP cao hơn nông nghiệp thì tăng trưởng mới có thể đạt được bền vững.
  • Tăng trưởng kinh tế phải là tăng trưởng có hiệu quả cao, không chấp nhận tăng trưởng bằng mọi giá. 

1.2.2 Cải thiện xã hội, công bằng xã hội

Phát triển bền vững về xã hội bao gồm:

  • Tăng trưởng với nâng cao mức sống dân cư bao gồm mức sống vật chất, mức sống về y tế và giáo dục.
  • Tăng trưởng với phát triển con người, biểu hiện thông qua việc nâng cao năng lực cho con người về thể lực, sức khỏe, trình độ và thu nhập. Các thước đo đánh giá phát triển con người gồm chỉ số phát triển con người HDI (đo thành tựu phát triển con người của 1 quốc gia trên 3 phương diện về mức sống, sức khỏe và giáo dục) ;hệ số tăng trưởng GHR ( đo độ giãn cách thành tựu phát triển con người với tăng trưởng kinh tế
  • Tăng trưởng kinh tế với việc xóa đói giảm nghèo được đánh giá thông qua chỉ số nghèo khổ con người HPI và chỉ số nghèo đa chiều MPI, hệ số CD ( hệ số co giãn của nghèo tới tăng trưởng) và IR ( tỷ số thu nhập)
  • Tăng trưởng kinh tế và bất bình đẳng xã hội. Trong đó công bằng xã hội là công bằng trong phân phối thu nhập, bình đẳng trong cơ hội phát triển và khả năng tiếp cận nguồn tạo ra của cải vật chất. Các chỉ tiêu đo lường bất bình đẳng như hệ số Gini, hệ số giãn cách thu nhập..

1.2.3 Cải thiện chất lượng, bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên.

Phát triển bền vững về môi trường là việc bảo sự phát triển kinh tế không làm ảnh hưởng đến chất lượng môi trường, điều kiện tự nhiên. Điều này đặt ra các vấn đề về xử lý, khắc phục ô nhiễm, phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường; phòng chống cháy và chặt phá rừng; khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái của các loài động vật, khai thác đi đôi với tái tạo năng lượng…

Như vậy, vấn đề môi trường cần được kiểm tra và đánh giá thường xuyên theo các tiêu chí của quốc tế.

Cụ thể, Phát triển bền vững về môi trường gồm những nội dung cơ bản sau:

  • Sử dụng có hiệu quả tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên không tái tạo
  • Phát triển không vượt quá ngưỡng chịu tải của hệ sinh thái
  • Bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ tầng ôzôn;
  • Kiểm soát và giảm thiểu phát thải khí nhà kính
  • Bảo vệ chặt chẽ các hệ sinh thái nhạy cảm;
  • Giảm thiểu xả thải, khắc phục ô nhiễm (nước, khí, đất, lương thực thực phẩm), cải thiện và khôi phục môi trường những khu vực ô nhiễm...

Bài viết tham khảo: Bộ tiêu chí đánh giá phát triển bền vững của doanh nghiệp

2. Phát triển bền vững doanh nghiệp

Phát triển bền vững cũng là xu hướng mà nhiều doanh nghiệp theo đuổi trong thời gian gần đây. Vậy cụ thể phát triển bền vững doanh nghiệp là gì?

2.1 Phát triển bền vững doanh nghiệp là gì

 Phát triển bền vững của doanh nghiệp được hiểu là việc áp dụng các chiến lược và hoạt động kinh doanh nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và các bên liên quan như khách hàng, người lao động… Bên cạnh đó là đảm bảo vấn đề trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, duy trì nâng cao sử dụng nguồn nhân lực cũng như nguồn tài nguyên thiên nhiên cho việc phát triển trong tương lai.

3 trụ cột của phát triển bền vững
3 trụ cột của phát triển bền vững

2.2 Tại sao cần phát triển bền vững doanh nghiệp

Phát triển doanh nghiệp theo hướng bền vững mang đến nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. cụ thể:

Giúp cải thiện hình ảnh thương hiệu và khả năng cạnh tranh: Việc chú trọng đến trách nhiệm của doanh nghiệp với vấn đề môi trường, xã hội giúp tăng độ uy tín với đối tác và cộng đồng xã hội. Nhờ đó mà doanh nghiệp có thể thu hút được sự đầu tư từ bên ngoài, tăng tính hấp dẫn với người lao động

Nâng cao năng suất và giảm thiểu chi phí: Xây dựng một hệ thống kỹ thuật “xanh” về lâu dài giúp tiết kiệm được nhiều chi phí vận hành và nhân lực. Với việc tối ưu nguyên liệu đầu vào giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí sản xuất.

Linh hoạt thích ứng với điều kiện của nền kinh tế: Phát triển bền vững dần trở thành xu hướng, kim chỉ nam trong chính sách phát triển của nhiều quốc gia khu vực. Thay đổi mô hình kinh doanh theo hướng phát triển xanh từ sớm giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong các chiến lược lâu dài của mình. Từ đó tiết kiệm được chi phí, thời gian và công sức của ban lãnh đạo.

2.3 Tiêu chí đánh giá phát triển bền vững doanh nghiệp

Các bộ tiêu chí đánh giá phát triển bền vững từ trước tới nay trên Thế Giới đều chủ yếu dựa vào 3 trụ cột chính: vấn đề kinh tế, xã hội và môi trường. Việc tham khảo các bộ tiêu chí này giúp doanh nghiệp nhận biết được sự phát triển của doanh nghiệp đã đúng xu thế hay chưa? Từ đó có những giải pháp điều chỉnh để phù hợp, bắt kịp các doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Tại Việt Nam, việc đánh giá sự phát triển bền vững của doanh nghiệp dựa trên bộ chỉ số của Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam VCCI. Năm nay, bộ chỉ số bao gồm 119 chỉ tiêu trên 4 lĩnh vực gồm kết quả phát triển bền vững, quản trị doanh nghiệp, môi trường và lao động xã hội.

Lễ công bố doanh nghiệp phát triển bền vững của VCCI
Lễ công bố doanh nghiệp phát triển bền vững của VCCI

3. Làm thế nào để phát triển doanh nghiệp một cách bền vững.

3.1 Đảm bảo các điều kiện để phát triển kinh tế

  • Xác định mục tiêu: Trước hết mỗi doanh nghiệp cần xác định rõ mục tiêu kinh doanh của mình là gì?  Mỗi dự án hay hoạt động đều cần phải trả lời được câu hỏi “ tại sao doanh nghiệp đi theo hướng này?”
  • Xây dựng hệ thống quản trị doanh nghiệp hiệu quả: Sau khi có mục tiêu cụ thể, việc xây dựng chiến lược và hoạt động triển khai là yếu tố đặc biệt quan trọng. Mỗi giai đoạn doanh nghiệp sẽ có những điều kiện khác nhau, vì vậy việc thay đổi hành động theo ngắn hạn là cần thiết, giúp doanh nghiệp linh hoạt thích ứng với môi trường kinh tế biến động. Cần chú ý đến việc xây dựng một hệ thống quản trị đồng bộ, tiết kiệm.
  • Xây dựng, duy trì văn hóa doanh nghiệp giúp tạo động lực, truyền cảm hứng, tinh thần làm việc cho nhân viên. Từ đó giúp nâng cao năng suất và hiệu quả công việc của nguồn nhân lực.
  • Quan tâm, bảo vệ thương hiệu sản phẩm: Tạo dựng sợi dây liên kết giữa doanh nghiệp và khách hàng và vô cùng quan trọng. Nếu biết cách giữ chân khách hàng là một thành công lớn trong kinh doanh
  • Không ngừng đổi mới, sáng tạo: Đổi mới sáng tạo trong chính sản phẩm cũng như cách thức tiếp cận khách hàng giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp
Xây dựng văn hóa doanh nghiệp là yếu tố tiên quyết cho phát triển bền vững doanh nghiệp
Xây dựng văn hóa doanh nghiệp là yếu tố tiên quyết cho phát triển bền vững doanh nghiệp

3.2 Quan tâm đến an toàn sức khỏe môi trường

Trong quá trình sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp cần nhận diện rõ, toàn diện về các vấn đề môi trường bao gồm cả những vấn đề toàn cầu và vấn đề phát sinh ngay tại địa bàn sản xuất. Từ đó có những giải pháp nhằm cải thiện quy trình sản xuất và xử lý rác thải. Bên cạnh đó việc nhận diện các vấn đề môi trường giúp doanh nghiệp có biện pháp để cải thiện chất lượng không gian làm việc cho nhân viên. Đảm bảo sức khỏe cho nguồn nhân lực của doanh nghiệp.

3.3. Chú trọng vấn đề xã hội - Nỗ lực thực hiện bình đẳng giới 

Bình đẳng giới trong doanh nghiệp luôn là vấn đề được nhiều cá nhân, cộng đồng quan tâm. Tạo ra một môi trường bình đẳng, công bằng cho cả 2 giới luôn là bài toán đối với các chủ doanh nghiệp. Đặc biệt với nhân viên nữ, doanh nghiệp cần chú trọng đến các chính sách lương, thưởng, nghỉ thai kỳ để giúp nhân viên của mình làm việc được hiệu quả, gắn bó với doanh nghiệp lâu hơn.

Dịch Covid 19 đang đặt ra nhiều thách thức cho toàn bộ nền kinh tế. Để thích ứng với những khó khăn thường trực, mỗi doanh nghiệp cần không ngừng thay đổi chiến lược phát triển hợp xu thế, đặc biệt cần quan tâm đến phát triển xanh, phát triển bền vững. Sự vững vàng của những doanh nghiệp đã và đang theo đuổi xu hướng này là minh chứng rõ ràng nhất cho lý do tại sao phát triển bền vững lại là xu thế tất yếu hiện nay. Mỗi doanh nghiệp, tổ chức cần không ngừng thay đổi, hợp tác, thích nghi để đóng góp vào nền kinh tế xanh của đất nước và Thế Giới.