Ban biên tập: truyenthong.cssb@gmail.com
NỔI BẬT

Trước hết cần quy hoạch, thứ hai là vốn

Dù đạt được nhiều kết quả tích cực, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19, tuy nhiên, kinh tế-xã hội khu vực biên giới (KVBG) còn chậm phát triển so với mặt bằng chung của tỉnh biên giới nói riêng và của cả nước nói chung. Kim ngạch xuất nhập khẩu qua biên giới năm 2020 đạt 30 tỷ USD, chiếm tỉ trọng khiêm tốn (5,5%) trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước nói chung. Vậy, đâu là giải pháp để phát triển kinh tế KVBG?

Lưu chuyển hàng hóa vẫn được đảm bảo tại các cửa khẩu biên giới đất liền trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Ảnh: Bích Nguyên

Kết quả tích cực

Việt Nam có đường biên giới trên đất liền dài khoảng 5.036,471km, tiếp giáp với Trung Quốc, Lào, Campuchia đi qua 25 tỉnh biên giới của Việt Nam. Theo thông tin từ Bộ Công thương, bức tranh kinh tế KVBG đã có những điểm sáng đáng chú ý.

Trong bối cảnh đầy khó khăn, các tỉnh biên giới đã chủ động, nỗ lực vươn lên, vừa đảm bảo an ninh, quốc phòng tại KVBG, phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa duy trì phát triển kinh tế. Kinh tế các tỉnh biên giới và KVBG tiếp tục duy trì tăng trưởng dương.

Năm 2020, có 24/25 tỉnh biên giới vẫn đạt mức tăng trưởng dương (trừ Quảng Nam tăng trưởng -7%). 15 tỉnh có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng bình quân của cả nước (2,91%). 17/25 tỉnh có chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) tăng trưởng cao hơn mức tăng chung của cả nước (cả nước tăng 3,4%).

Tiếp đà phát triển đó, 6 tháng đầu năm 2021, tất cả các địa phương biên giới tăng trưởng dương. 20 tỉnh có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng bình quân của cả nước (5,64%). 13/25 tỉnh KVBG có chỉ số IIP tăng trưởng cao hơn mức tăng chung của cả nước (9,3%).

Các tỉnh biên giới đã thực hiện tốt công tác quản lý cửa khẩu, kịp thời cùng nước bạn điều chỉnh, kéo dài thời gian thông quan ở cửa khẩu hoặc mở thêm lối thông quan để giải phóng hàng nông sản cho cả nước trong những thời điểm ùn tắc ở cửa khẩu.

Đến nay, các tỉnh biên giới bước đầu đã hình thành một số hạ tầng quan trọng phục vụ mục tiêu phát triển công nghiệp và thương mại tại KVBG, bao gồm 319 cụm công nghiệp (267 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động) và 26 khu kinh tế cửa khẩu.

Và những “điểm trừ”

Nhìn một cách tổng thể, bên cạnh những điểm sáng, kinh tế KVBG còn chậm phát triển so với mặt bằng chung của cả nước nói chung. Cơ cấu kinh tế chậm chuyển dịch, vẫn dựa vào nông nghiệp là chính. Trong khi đó, sản xuất nông sản ở các KVBG còn manh mún, chưa hình thành vùng sản xuất tập trung, chưa áp dụng tiêu chuẩn, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu.

Kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới tuy tăng trưởng trong giai đoạn vừa qua, nhưng còn tồn tại nhiều bất cập. Kim ngạch xuất nhập khẩu qua biên giới năm 2020 đạt 30 tỷ USD, chiếm tỉ trọng khiêm tốn (5,5%) trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước nói chung và tập trung thực hiện qua một số cửa khẩu biên giới. Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc tiếp tục sử dụng đường “tiểu ngạch”, dẫn đến tình trạng ùn ứ tại các cửa khẩu, ảnh hưởng đến chất lượng và giá cả.

Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông, hạ tầng ở khu kinh tế cửa khẩu, cụm công nghiệp, hạ tầng thương mại biên giới vẫn chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội khu vực cửa khẩu nói riêng và xu thế hội nhập kinh tế quốc tế nói chung. Loại hình hạ tầng đã hình thành chủ yếu là chợ biên giới, kho hàng hóa, được tập trung ở những KVBG có cửa khẩu quốc tế hoặc cửa khẩu chính. Còn rất thiếu các loại hình hạ tầng thương mại biên giới khác như siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm logistics, kho ngoại quan, cửa hàng giới thiệu mua bán hàng hóa, hệ thống viễn thông - thông tin liên lạc....

Hiện nay, mới chỉ hình thành 3 trung tâm logistics cấp tỉnh ở Lào Cai; 270 chợ biên giới và 159 kho hàng chủ yếu nằm trên tuyến biên giới với Trung Quốc và Campuchia. Về giao thông, thiếu hệ thống đường cao tốc liên vùng kết nối tỉnh biên giới với trung tâm các vùng. Đường giao thông nối cửa khẩu biên giới với nội tỉnh vừa thiếu, vừa xuống cấp.

Theo đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương, những tồn tại kể trên là do thiếu vốn cho đầu tư phát triển; kết cấu hạ tầng giao thông thiếu và xuống cấp; tâm lý e ngại (nhất là doanh nghiệp tư nhân) đầu tư vào KVBG.

Thực tế, tất cả các tỉnh biên giới đều gặp phải tình trạng thiếu vốn cho việc triển khai, thực hiện các đề án, quy hoạch phát triển kinh tế tại KVBG. Khó khăn này càng nhân lên gấp bội trong bối cảnh dịch Covid-19. 23/25 tỉnh vẫn phải phụ thuộc vào ngân sách Trung ương. Mới chỉ có 2 tỉnh tự chủ ngân sách (Quảng Ninh, Quảng Nam). Do đó, nguồn vốn đầu tư phát triển cho các hạ tầng quan trọng ở KVBG còn rất hạn chế.

Một nguyên nhân khác nữa là thiếu quy hoạch hoặc chất lượng quy hoạch kém, thiếu tầm nhìn dài hạn; thiếu chủ trương nhất quán, cơ chế chính sách hợp lý đủ mạnh để phát triển khu kinh tế cửa khẩu và hạ tầng kinh tế, thương mại biên giới. Cùng với đó, công tác đầu tư quản lý cửa khẩu chưa theo kịp nhu cầu phát triển. Việc nâng cấp, mở mới cửa khẩu, lối mở biên giới chậm, áp dụng công nghệ trong quản lý cửa khẩu còn hạn chế.

Giải pháp then chốt là vốn và quy hoạch

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ ra tiềm năng, lợi thế của việc thu hút đầu tư phát triển kinh tế ở KVBG là khai thác thị trường hơn 1,5 tỷ dân Trung Quốc; thị trường ASEAN và thị trường các nước mà Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA).

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, để phát triển kinh tế KVBG, cần thực hiện các nhóm giải pháp trọng tâm, bao gồm xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển công nghiệp - thương mại giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045, khẩn trương tích hợp quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Đồng thời, triển khai quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển công nghiệp - thương mại khu vực biên giới, cửa khẩu... tương xứng với tiềm năng, lợi thế của khu vực và tương thích với quy hoạch, đầu tư phát triển của nước bạn.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu đề xuất chính sách hoặc ban hành chính sách địa phương đủ sức hấp dẫn, đồng bộ, khả thi để thu hút đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là đô thị và công nghiệp thương mại. Ưu tiên bố trí phân bổ vốn ngân sách để đầu tư hạ tầng về giao thông, điện, nước, viễn thông và hạ tầng thương mại dịch vụ. Có cơ chế, chính sách thật hấp dẫn nhằm thu hút các doanh nghiệp công nghiệp lớn cả trong và ngoài nước, đầu tư vào KVBG để tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới của đất nước.

Ngoài ra, cần tận dụng tốt quan hệ qua biên giới và các FTA để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao... phục vụ nhu cầu xuất khẩu. Nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu chính ngạch. Hạn chế tới mức thấp nhất, tiến tới xóa bỏ tiểu ngạch trong thương mại KVBG.

Bích Nguyên