Ban biên tập: truyenthong.cssb@gmail.com
NỔI BẬT

Cuộc chiến chống mua bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới (bài 2)

Là cửa ngõ vùng Đông Bắc, nhiều năm qua, địa bàn biên giới tỉnh Lạng Sơn luôn là địa bàn “nóng” bởi hoạt động của các loại tội phạm, trong đó có tội phạm mua bán người (MBN). Với sự vào cuộc mạnh mẽ của lực lượng chức năng, đặc biệt là của lực lượng đấu tranh phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP Lạng Sơn, đã có nhiều vụ án, chuyên án về buôn lậu, gian lận thương mại, ma túy và MBN được bóc gỡ, nhiều nạn nhân đã được giải cứu.

Bài 2: Dấu chân thầm lặng của người lính Biên phòng trên đường biên

Đồn BPCK Hữu Nghị bàn giao cháu bé sơ sinh được giải cứu cho Cơ sở bảo trợ xã hội tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Vi Toàn

Gian nan hành trình phá án

Với Trung tá Lý Văn Tý, Phó Đồn trưởng nghiệp vụ Đồn Biên phòng cửa khẩu (BPCK) Chi Ma thì vụ án mà đối tượng Nguyễn Thị Bích Liễu, bị bắt ngày 8/8/2019 vì tội mua bán trẻ sơ sinh là vụ án đem lại cho anh nhiều cảm xúc nhất. Là người trực tiếp tham gia phát hiện, bắt giữ đối tượng, Trung tá Tý kể lại: Sáng ngày 8/8, trong khi anh đang cùng tổ công tác làm nhiệm vụ thì phát hiện một phụ nữ bế một cháu bé đi xe ôm vào địa bàn khu vực biên giới.

Bằng kinh nghiệm của một trinh sát Biên phòng, anh Tý nhận thấy có dấu hiện bất bình thường. Lập tức, tổ công tác yêu cầu kiểm tra giấy tờ thì đối tượng Liễu khai cháu bé là con đẻ của mình. Khi cháu bé khóc vì khát sữa, “người mẹ” này lại tỏ ra thờ ơ, không muốn cho con bú, sau đó, Liễu pha sữa bột cho cháu bé uống nhưng hành động rất lóng ngóng. Quan sát kỹ đối tượng, anh Tý cảm nhận được Liễu không giống một thai phụ vừa mới sinh con.

Chính vì vậy, anh và đồng đội yêu cầu Liễu đưa cháu bé về đơn vị để kiểm tra giấy chứng sinh của cháu bé. Tại đây, cán bộ Biên phòng phát hiện Liễu có mang theo giấy chứng sinh của đứa trẻ, nhưng mẹ cháu không phải là Liễu mà là một phụ nữ ở Bình Dương, cháu bé mới sinh được 1 tuần tuổi. “Lúc này, cháu bé khóc nhiều, cơ thể tím tái, sức khỏe yếu, chúng tôi vô cùng lo lắng nên đề xuất chỉ huy đơn vị đưa cháu bé đến trạm y tế xã chăm sóc sức khỏe. Khi cháu bé bình phục, tự bú bình được, cả đơn vị mới thở phào nhẹ nhõm” - Trung tá Tý nhớ lại.

Trước đó 4 ngày, ngày 4/8/2019, bằng các biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát của Đồn BPCK Hữu Nghị cũng nắm được thông tin có một đối tượng nữ lạ mặt mang theo một cháu bé mới sinh vài ngày tuổi thuê trọ tại một nhà nghỉ ở địa bàn biên giới nơi đơn vị quản lý. Cháu bé khóc nhiều, nhưng người mẹ cũng chỉ pha sữa bột cho con bú. Nhận định đây có khả năng là một vụ mua bán trẻ em nên lãnh đạo Đồn BPCK Hữu Nghị đã báo cáo lên cấp trên nắm và chỉ đạo xử lý.

Các trinh sát được cử đi xác minh, điều tra thân nhân và hành tung của đối tượng trên. Chỉ sau nửa ngày, các trinh sát có được thông tin đối tượng nữ tên là Lò Thị Nguyệt, sinh năm 1998, dân tộc Thái. Trên mạng xã hội, Nguyệt kết bạn và tương tác với nhiều phụ nữ trẻ ở khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên và thường xuyên chia sẻ tâm sự muốn giúp đỡ các cô gái bị “trót dại” có thai ngoài ý muốn, nhưng sợ gia đình, sợ tai tiếng, muốn “cho” con của mình làm con nuôi để có cuộc sống khá giả hơn.

Đại úy Dương Văn Tốt, Đội trưởng Đội Phòng chống ma túy và tội phạm (PCMT&TP), Đồn BPCK Hữu Nghị, người trực tiếp tham gia phá án cho biết: Ngay sau khi điều tra được một số thông tin về đối tượng, dưới sự chỉ đạo của Phòng PCMT&TP, BĐBP Lạng Sơn, các trinh sát tiếp tục hóa trang mật phục xung quanh khu vực nhà trọ nắm bắt chặt mọi hành tung của đối tượng.

Ngày 4/8/2019, sau gần một ngày theo dõi, các trinh sát phát hiện đối tượng Nguyệt để cháu bé ở nhà trọ và thuê xe ôm đi vòng quanh khu vực cửa khẩu để thăm dò, tìm cách xuất cảnh sang biên giới. Thông tin được báo về Phòng PCMT&TP, BĐBP Lạng Sơn và Ban chuyên án nhận định, có khả năng đối tượng sẽ hành động trong ngày hôm nay và phương án bắt quả tang đối tượng đã được vạch ra.

Đúng như nhận định, chiều muộn ngày 4/8, Lò Thị Nguyệt bế cháu bé tìm cách vượt biên sang Trung Quốc thì bị trinh sát Đồn BPCK Hữu Nghị bắt giữ. Sau khi bị bắt, Nguyệt khai, đã nhận cháu bé từ tay mẹ đẻ cháu ở Hưng Yên mang lên Lạng Sơn để đưa qua biên giới cho gia đình người Trung Quốc nhận nuôi, nếu trót lọt sẽ được trả công số tiền 15 triệu đồng.

Gần đây nhất là Chuyên án A321.2 do Cục PCMT&TP BĐBP phối hợp với BĐBP Lạng Sơn, BĐBP Quảng Ninh đấu tranh, triệt phá thành công. Hành trình giải cứu cháu bé sơ sinh 10 ngày tuổi trên chặng đường Hà Nội-Cao Bằng-Lạng Sơn-Quảng Ninh là một kỳ tích của lực lượng đánh án. Trong hành trình đó, biết bao mồ hôi, công sức, sự đấu trí căng thẳng của những trinh sát Biên phòng quả cảm để giải cứu cho đứa trẻ mới chào đời thoát khỏi bàn tay của bọn buôn người mất nhân tính.

Thượng tá Trịnh Nguyên Sáng, Trưởng phòng PCMT&TP, BĐBP Lạng Sơn, một trong những thành viên tham gia phá án cho biết: Ngay sau khi nhận được kế hoạch phối hợp cùng các lực lượng đấu tranh để phá Chuyên án A321.2, BĐBP Lạng Sơn thể hiện quyết tâm cao, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ trong nắm, bám sát các đối tượng, đặc biệt là khi đối tượng quay trở lại Lạng Sơn và dùng mọi thủ đoạn để ngụy trang nhằm che mắt các lực lượng chức năng.

Trong chuyên án này, đối tượng đã ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng điện thoại thông minh thành lập các group thông qua Zalo, wechat... để trao đổi, bàn bạc kế hoạch, sau đó, dùng Google Maps để định vị, xác định tuyến đường di chuyển. Chúng che mắt cơ quan chức năng bằng cách di chuyển liên tục từ Hà Nội-Lạng Sơn-Cao Bằng rồi lại từ Cao Bằng-Lạng Sơn-Quảng Ninh và thay đổi cả phương tiện di chuyển..., gây khó khăn cho cơ quan điều tra.

Là một trong những thành viên tham gia phá án, Trung tá Nguyễn Văn H, Cục PCMT&TP BĐBP chia sẻ, trong mấy tuần cao điểm, anh và các đồng đội thực hiện nhiệm vụ, mọi người chỉ ăn bánh mì, mì ăn liền cho qua bữa, “ăn tranh thủ, ngủ chợp mắt”, nhiều hôm còn không kịp tắm và đánh răng, rửa mặt... Đúng 8 giờ 10 phút, ngày 18/3/2021, tại khu vực biên giới thuộc địa bàn quản lý của Đồn Biên phòng Hoành Mô (BĐBP Quảng Ninh), bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng đánh án đã bắt quả tang các đối tượng đang thực hiện hành vi mua bán trẻ sơ sinh. Tại đây, chúng khai nhận mua cháu bé sơ sinh 10 ngày tuổi của Trần Thị T, sinh năm 1992 (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) với giá 15 triệu đồng để đưa sang Trung Quốc bán. Nếu thành công, bọn chúng sẽ kiếm được số tiền từ 350 đến 400 triệu đồng.

Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Đại tá Nông Quang Tám, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Lạng Sơn nhận định: Trước diễn biến phức tạp của tình trạng MBN ở Lạng Sơn như hiện nay, chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị chủ động, tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng huy động tối đa lực lượng, phương tiện, triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều biện pháp đấu tranh, ngăn chặn kịp thời các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm MBN qua biên giới.

Đồng thời, BĐBP Lạng Sơn cũng tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân trong tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội. Thông qua các buổi tập huấn, BĐBP Lạng Sơn đã phối hợp với một số đơn vị trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết cho cán bộ, nhân dân về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm MBN. Đồng thời, tạo sự chuyển biến cơ bản về nhận thức và hành động trong phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tội phạm MBN, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, đối tượng có nguy cơ trở thành nạn nhân của tội phạm MBN. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, BĐBP đã nhận được hàng chục nghìn tin liên quan đến an ninh trật tự do quần chúng cung cấp, trong đó có nhiều tin quan trọng giúp phá các vụ án, chuyên án.

Trung tá Dương Văn Hảo, Chính trị viên Đồn BPCK Chi Ma cho biết: “Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác đấu tranh với tội phạm MBN, đơn vị cũng tập trung tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền tập trung vào nhóm có nguy cơ cao trở thành nạn nhân để có các biện pháp, hình thức tuyên truyền phù hợp với đặc điểm của từng nhóm đối tượng. Nội dung tuyên truyền chủ yếu là chính sách, pháp luật về phòng chống MBN, phương thức, thủ đoạn của tội phạm, kỹ năng phòng ngừa, phát hiện... để nâng cao nhận thức cho người dân, chủ động phòng tránh, không trở thành nạn nhân của tội phạm MBN”.

Ông Lương Văn Nam, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tú Mịch, huyện Lộc Bình khẳng định: “Đảng ủy, chính quyền địa phương luôn phối hợp chặt chẽ với cán bộ BĐBP để tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân; vận động bà con không tin, không nghe theo kẻ xấu, không tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật. Trong hoạt động tuyên truyền về phòng chống MBN, bà con đã được cán bộ BĐBP chỉ ra những phương thức, thủ đoạn dụ dỗ, lừa gạt của các đối tượng MBN. Vì vậy, gần 1 năm qua, trên địa bàn không xảy ra vụ án MBN nào”.

Hoàng Vân