Ban biên tập: truyenthong.cssb@gmail.com
NỔI BẬT

Đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm mua bán người

Hoạt động của tội phạm mua bán người đang diễn biến ngày càng phức tạp, với nhiều phương thức thủ đoạn rất tinh vi. Các đơn vị trong Quân đội, đặc biệt là BĐBP đã phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai đồng bộ các biện pháp đấu tranh ngăn chặn và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, để tội phạm mua bán người không còn đất dung thân rất cần sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân.

Cán bộ điều tra làm việc với đối tượng Ngô Văn Tuấn bị bắt giữ trong Chuyên án HP722. Ảnh: Ban chuyên án cung cấp

Hoạt động ngày càng tinh vi

Báo cáo hằng năm của Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) chỉ rõ, lợi nhuận từ hoạt động mua bán người của các tổ chức phạm tội được ước tính lên tới 150 tỷ USD mỗi năm, chỉ đứng sau lợi nhuận của tội phạm ma túy và buôn bán vũ khí. Chính vì nguồn lợi nhuận mang lại quá lớn, tội phạm mua bán người tại nhiều quốc gia trên thế giới hoạt động ngày càng phức tạp, tinh vi hơn.

Ở Việt Nam nói chung và khu vực biên giới nói riêng, tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp, khó lường. Thành phần phạm tội đa dạng, bao gồm những đối tượng phạm tội chuyên nghiệp; người thường xuyên qua lại khu vực biên giới; người nhà nạn nhân sinh sống và định cư ở nước ngoài, thậm chí là nạn nhân của các vụ mua bán người trước đó. Các đối tượng trong và ngoài nước hình thành đường dây mua bán người xuyên quốc gia với phương thức, thủ đoạn tinh vi, như lấy danh nghĩa các công ty môi giới hôn nhân, môi giới lao động, sử dụng các nền tảng trực truyến để tiếp cận, lừa bán nạn nhân ra nước ngoài nhằm cưỡng bức lao động và bóc lột tình dục; lợi dụng các quy định về y tế, nhân đạo, cho nhận con nuôi, mang thai hộ để bán trẻ sơ sinh; lợi dụng hình thức thăm thân, du lịch để lừa bán nạn nhân đến các cơ sở lao động cưỡng bức.

Gần đây, nổi lên hoạt động của các đối tượng người Việt Nam tại nước ngoài móc nối với đối tượng ở trong nước, sử dụng “chiêu bài” quảng cáo trên các trang mạng xã hội để tuyển lao động “việc nhẹ, lương cao”; sau đó, đưa ra nước ngoài (bao gồm cả xuất cảnh hợp pháp và trái phép), rồi ép buộc làm việc trong các công ty đánh bạc trực tuyến, tổ chức lừa đảo sử dụng công nghệ cao. Nếu không hoàn thành chỉ tiêu ở mức cao sẽ bị đánh đập, giam giữ; số lao động này muốn trở về Việt Nam thì bị bắt ký giấy vay nợ, đòi tiền chuộc.

Đấu tranh không khoan nhượng

Trước tình hình trên, Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương, địa phương, trong đó có Bộ Quốc phòng vào cuộc rất quyết liệt trong phòng, chống mua bán người và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tính từ đầu năm 2021 đến nay, các đơn vị trong toàn quân đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 77 vụ với 42 đối tượng; giải cứu, tiếp nhận 118 nạn nhân (riêng tháng 7/2022 là “Tháng hành động phòng, chống tội phạm mua bán người”, các đơn vị Quân đội đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 15 vụ với 8 đối tượng, giải cứu, tiếp nhận 33 nạn nhân).

Trong thời gian qua, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, lực lượng BĐBP đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, các tổ chức quốc tế đấu tranh ngăn chặn tội phạm mua bán người, giải cứu, hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng. Chỉ tính từ đầu năm 2021 đến nay, các đơn vị BĐBP đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 65 vụ với 33 đối tượng có hành vi mua bán người, giải cứu, tiếp nhận 105 nạn nhân bị mua bán. Điển hình, ngày 21/7, BĐBP thành phố Hải Phòng đã đấu tranh thành công Chuyên án HP 722, bắt giữ đối tượng Ngô Văn Tuấn, sinh năm 2000, trú tại phường Tam Sơn, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, kịp thời giải cứu 2 nữ nạn nhân sinh năm 2004, người dân tộc thiểu số trú tại tỉnh Đắk Lắk bị lừa đưa ra Hải Phòng bán sức lao động.

Tuy nhiên, kết quả đấu tranh vẫn chưa tương xứng với tình hình thực tế hoạt động của tội phạm mua bán người. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng mua bán người diễn ra nhức nhối, trong đó phải kể đến bất cập từ pháp luật Việt Nam chưa tương thích với luật pháp quốc tế về khái niệm “mua bán người”, xác định độ tuổi nạn nhân là trẻ em và các dấu hiệu cấu thành tội phạm. Đối tượng, địa bàn thực hiện hành vi phạm tội mua bán người đã mở rộng phạm vi xuyên quốc gia, trong khi hoạt động bọn tội phạm ngày càng tinh vi, xảo quyệt gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong công tác phát hiện, điều tra, xử lý. Bên cạnh đó, nước ta có cơ cấu dân số trẻ, nhu cầu tìm kiếm việc làm ngày càng tăng, trong khi nhận thức của một bộ phận người dân ở khu vực nông thôn, vùng dân tộc thiểu số còn hạn chế nên dễ trở thành nạn nhân của các đường dây mua bán người.

Đại tá Phạm Long Biên, Trưởng phòng Phòng, chống mua bán người, Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP cho biết: “Để đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả tội phạm mua bán người thì BĐBP, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng cần phối hợp công tác tuyên truyền, tập trung vào nhóm có nguy cơ cao bị mua bán. Hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân... nhằm hạn chế thấp nhất điều kiện nảy sinh tội phạm mua bán người. Để ngăn ngừa hoạt động mua bán người qua biên giới, các đơn vị trong BĐBP tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ biên giới, cửa khẩu, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hoạt động mua bán người, xuất nhập cảnh trái phép. Đặc biệt, các đơn vị cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong trao đổi thông tin, tình hình về tội phạm; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống mua bán người”.

Viết Lam