Ban biên tập: truyenthong.cssb@gmail.com
NỔI BẬT

Giá hồ tiêu sẽ còn tăng cao?

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến ngày 15-6, sản lượng tiêu xuất khẩu đã đạt 16.764 tấn, cao hơn hẳn so với các tháng trước đó và cao nhất so với cùng kỳ những năm trước.

Sau một thời gian giá tiêu xuống thấp, diện tích trồng tiêu ở Đắk Lắk đã giảm trông thấy. Ảnh: Phương Tú

Nếu sản lượng tiêu xuất khẩu tiếp tục diễn tiến như những tháng trước (nửa tháng sau luôn cao hơn nửa tháng trước), thì lượng tiêu xuất khẩu trong tháng 6 sẽ đạt mức kỉ lục. Sản lượng tiêu xuất khẩu tăng chưa từng thấy trong nửa đầu tháng 6 được xem là “chuyện lạ”, bởi thời điểm hiện nay, giá vận chuyển bằng container đi các nước Trung Đông, Châu Âu, Mỹ... đang tăng rất cao - từ 6 đến 10 lần so với trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.

Việc sản lượng tiêu xuất khẩu tăng cao, cộng với giá tiêu tăng so với những năm trước (tại thời điểm hiện tại là 74.000 - 76.000 đồng/kg) đang khiến những dự báo về giá tiêu thêm “rung lắc” và hứa hẹn nhiều bất ngờ. Tuy nhiên, nguồn cung hồ tiêu trong nước những tháng tới sẽ như thế nào vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải chính xác. Bởi lẽ, theo tính toán, sản lượng của vụ thu hoạch tiêu năm 2020 - 2021 giảm rất nhiều so với năm trước (ước tính của Hiệp hội hồ tiêu Chư Sê là trên 30%). Nguyên nhân là do mấy năm vừa qua, giá hồ tiêu xuống thấp (tháng 4 năm 2020, giá chạm đáy là 34.000 đồng/kg), càng đầu tư vào vườn tiêu thì càng bị lỗ. Chính vì vậy, các chủ vườn tiêu đã bỏ bê không chăm sóc, không đầu tư, rất nhiều vườn tiêu bị phá bỏ, thay thế bằng các loại cây ăn quả khác... Bên cạnh đó, những diện tích đang trồng tiêu còn lại cũng chịu ảnh hưởng bởi hạn hán nghiêm trọng năm 2020 nên tiêu ra gié và kết trái được rất ít.

Nếu năm 2019 - 2020, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) công bố lấy sản lượng thu hoạch là 240.000 tấn thì năm 2020 - 2021, đơn vị này ước tính sản lượng thu hoạch chỉ còn trên dưới 180.000 tấn (Số liệu của Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê đưa ra còn thấp hơn: khoảng 150.000 tấn).

Thực tế, ngoài lượng hồ tiêu đã xuất khẩu, sản lượng tiêu tích trữ trong dân đến nay vẫn còn tương đối. Đây là số hồ tiêu được những hộ trồng tiêu có sản lượng cao, các đại lý lớn, những người có điều kiện và am hiểu về thị trường đầu cơ, mua gom tích trữ từ mấy năm trước và đầu vụ thu hoạch năm nay. Vậy nhưng, với giá tiêu như hiện nay, trừ những người vay tiền nóng, lãi cao, hay những nông dân cần bán để chi tiêu, trả tiền phân bón... buộc phải “đẩy” tiêu đi. Còn lại, rất ít người có tiêu muốn bán. Bởi lẽ, giá 74.000 - 76.000 đồng/kg như hiện tại tuy có tăng so với thời điểm năm 2019 - 2020, nhưng so với chi phí đầu tư, công sức phải bỏ ra để trồng tiêu thì mức giá này mới chỉ đủ để người trồng tiêu chống lỗ, chứ chưa có lãi. Với các đại lý, nhà đầu cơ thì giá này là chưa “thoả mãn” lợi nhuận mà họ kỳ vọng, nên việc “nhả hàng” ra lúc này không phải là lựa chọn của nhiều người.

Giá tiêu tăng, người trồng tiêu đã có thêm hi vọng vào những vụ mùa tới. Ảnh: Phương Tú

Dự báo về giá hồ tiêu trong thời gian tới, ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, khẳng định: “Năm 2020 - 2021 là năm giá tiêu chạm đáy và bắt đầu một chu kỳ lên giá mới. Đến cuối năm nay và các năm tiếp theo, giá tiêu sẽ tốt dần lên và khả năng đến cuối năm, giá sẽ đạt từ 90.000 đến 100.000 đồng/kg”. Lý giải cho nhận định này, ông Bính thông tin, mấy năm vừa qua, sản lượng hồ tiêu đạt khá, nguồn cung dồi dào, giá thấp nên nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã mua tích trữ, thời gian ngắn nữa, số tiêu tích trữ này sẽ tiêu thụ hết. Khi đó, nhu cầu về tiêu mới lộ rõ và Việt Nam sẽ là thị trường mà các doanh nghiệp này nhắm tới, bởi Việt Nam là quốc gia đang cung gần 60% lượng hàng nguyên liệu hồ tiêu cho thế giới. Nhất là trong điều kiện Brazil, Indonesia cũng đang rơi vào tình trạng sản lượng tiêu thu hoạch giảm do mất mùa (dự báo của Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế - IPC).

Sau nhiều mùa tiêu thất bát, người trồng tiêu giờ đây đang buồn - lo lẫn lộn. Giá tiêu đang theo chiều hướng tăng lên, có tiêu lúc này như có của quý trong nhà. Tiếc rằng, không có nhiều người trồng tiêu có đủ tiền và đủ tầm nhìn xa để tích trữ. Và “cuộc chơi” với hồ tiêu lúc này thu hẹp hơn, trở thành “cuộc chơi” của những người có điều kiện, đủ lực để bình tĩnh chờ đợi, với hi vọng giá tiêu có thể tăng gấp rưỡi, gấp đôi so với hiện nay.

Phương Tú