Ban biên tập: truyenthong.cssb@gmail.com
NỔI BẬT

Hóa đơn điện tử

Từ ngày 1/7/2022, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh sẽ chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 123/2020/NĐ-CP chính thức có hiệu lực thi hành. Hóa đơn giấy truyền thống sẽ chấm dứt sử dụng từ thời điểm này.

Hình ảnh minh họa.

Theo các chuyên gia, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý thuế, nhất là việc triển khai hệ thống hóa đơn điện tử thực sự là bước đột phá mới trong ngành thuế, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số tại các doanh nghiệp, chuyển đổi số đối với cơ quan tài chính và thực hiện thành công chiến lược Chính phủ điện tử.

3 năm trở lại đây, thương mại điện tử Việt Nam luôn duy trì tốc độ tăng trưởng hai con số, quy mô đạt hơn 13 tỷ USD trong năm 2021 và dự kiến sẽ vượt ngưỡng 52 tỷ USD vào năm 2025. Hệ thống hóa đơn điện tử sẽ góp phần tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch và thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, góp phần tăng năng suất lao động.

Qua thời gian thử nghiệm tại địa bàn 6 tỉnh, thành phố (gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Định, Phú Thọ) từ ngày 21/11/2021, hóa đơn điện tử đang mang lại nhiều lợi ích cho cả người bán và người mua cũng như cơ quan quản lý thuế. Giao dịch không chỉ được thực hiện ngay, lưu trữ đơn giản, mà còn tiết kiệm được chi phí in ấn, giấy tờ.

Tính đến ngày 31/5, số lượng doanh nghiệp, tổ chức đang sử dụng hóa đơn đã đăng ký và chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử đạt tỷ lệ trên 90%. Nhiều tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ hoàn thành ở mức 99%.

Đặc biệt, qua giao dịch điện tử, người bán, người mua và cơ quan nhà nước có thể kiểm tra, nắm được các giao dịch, kiểm tra chéo lẫn nhau; không lo lắng hóa đơn của doanh nghiệp bỏ trốn, không lo bị loại trừ chi phí khi kết nối dữ liệu về cơ quan thuế, bảo đảm cho một thị trường kinh doanh trung thực, lành mạnh.

Mặc dù, hóa đơn điện tử tuy không thể ngăn chặn hoàn toàn được việc gian lận hóa đơn, chiếm đoạt tiền hoàn thuế, nhưng chắc chắn, tình trạng này sẽ giảm hơn rất nhiều so với việc sử dụng hóa đơn giấy như trước đây. Bởi, khi thấy dấu hiệu bất thường, hệ thống hóa đơn điện tử sẽ phát cảnh báo cho cơ quan thuế để thanh tra, kiểm tra kịp thời.

Trước những vướng mắc phát sinh cần xử lý kịp thời cho người nộp thuế, nhất là các hộ, cá nhân kinh doanh lần đầu sử dụng hóa đơn điện tử và các hộ kinh doanh di chuyển lên doanh nghiệp, ngành thuế đã xây dựng giải pháp cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử có mã không phải trả tiền dịch vụ trong 12 tháng nhằm hỗ trợ các đối tượng trên.

Để đạt mục tiêu áp dụng bắt buộc hóa đơn điện tử trên toàn quốc, chấm dứt hoá đơn giấy, Tổng cục Thuế hiện mở rộng các kênh tiếp nhận và xử lý yêu cầu hỗ trợ của người nộp thuế như: Hotline, Email, Web, Chatbot, Zalo và 479 điểm trong toàn quốc ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp...

Đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các cá nhân, hộ kinh doanh có thể dễ dàng tra cứu, tiếp cận thông tin, thực hiện nộp thuế dễ dàng và thuận tiện nhất, với sự ra đời của Ứng dụng dịch vụ thuế điện tử trên nền tảng thiết bị di động eTax Mobile, vận hành hệ thống hóa đơn điện tử 24/7.

Với cách làm thận trọng, chắc chắn, hỗ trợ tối đa cho người dân và doanh nghiệp, tin tưởng rằng, Việt Nam sẽ áp dụng hoàn toàn hóa đơn điện tử trên toàn quốc vào ngày 1/7/2022.

Tuy nhiên, ngành thuế rất cần sự vào cuộc, ủng hộ của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, hộ và cá nhân kinh doanh để thực hiện thành công chủ trương triển khai hóa đơn điện tử đi vào cuộc sống, góp phần quan trọng cùng Chính phủ tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch và thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, từ đó tăng năng suất lao động và thực hiện thành công Chiến lược chuyển đổi số quốc gia.

Thanh Thảo