Ban biên tập: truyenthong.cssb@gmail.com
NỔI BẬT

Không khí u ám bao trùm cộng đồng doanh nghiệp

Thời điểm tháng 9/2021 mang tính chất quyết định để các doanh nghiệp đang tạm ngưng hoạt động không bị rơi vào nhóm giải thể.

Gần 70% trong tổng số hơn 21,5 nghìn doanh nghiệp tham gia khảo sát trực tuyến do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) và VnExpress thực hiện từ 12 – 22/8/2021 đang phải tạm ngưng hoạt động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tập trung cao ở doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. 16% vẫn cố gắng duy trì sản xuất, kinh doanh một phần và còn lại đã giải thể.

Tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh do dịch ở TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai cao hơn mức trung bình chung và đều trên 71%. Đây cũng là những tỉnh/thành phố có số ca mắc Covid-19 rất cao hiện nay và thực hiện việc giãn cách/cách ly kéo dài.

Nhóm ngành thuỷ sản, dịch vụ và nông, lâm nghiệp chiếm tỷ lệ giải thể cao nhất, kế đến là công nghiệp, xây dựng. Số doanh nghiệp xây dựng phải tạm dừng kinh doanh là 76% và cao nhất khi so với các khu vực kinh tế khác.

Điều đáng chú ý là gần một nửa trong số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động không biết sẽ phải “ngủ đông” đến bao giờ. Theo Ban IV, điều này cho thấy các doanh nghiệp hiện khá bị động, không thể dự tính được các kế hoạch sử dụng lao động, đặt nguyên liệu hay các kế hoạch khác dù trong ngắn hạn.

Số doanh nghiệp dự kiến đóng cửa một đến ba tháng chiếm 28,5%. Hơn 10% dự kiến sẽ kéo dài ba đến sáu tháng, tỷ lệ này cũng tương đương với các doanh nghiệp dự kiến đóng cửa khoảng bốn tuần. Có 2,5% doanh nghiệp bi quan cho rằng phải đóng cửa tới nửa năm.

Trong khi đó, số doanh nghiệp có dòng tiền giúp duy trì hoạt động được 1-3 tháng chiếm 46%. Số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động có dòng tiền chỉ có thể giúp duy trì hoạt động được ít hơn một tháng chiếm tới 40%, tỷ lệ này cao gấp 2,5 lần so với những doanh nghiệp đang cố duy trì hoạt động.

Hộ kinh doanh là đối tượng dễ tổn thương nhất với 45% số hộ cho biết có dòng tiền duy trì hoạt động ít hơn một tháng. Tỷ lệ này ở doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH và công ty CP 39,5%; doanh nghiệp nhà nước 30%; các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khoảng 23,5%. Điều này cho thấy nếu các doanh nghiệp tiếp tục phải đóng cửa dài hơn một tháng mà không có sự hỗ trợ từ bên ngoài, khả năng giải thể rất cao.

Theo Ban IV, doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động do dịch chỉ có dòng tiền đủ để duy trì hoạt động dưới 3 tháng mà vẫn tiếp tục ở trong các khu vực đang thực hiện cách ly/giãn cách thì xác suất rơi vào nhóm giải thể rất cao vì không có nguồn tiền từ bên ngoài bổ sung dưới mọi hình thức.

Vì vậy, thời điểm tháng 9/2021 có thể xem là thời điểm mang tính chất “quyết định” để “cứu nguy” cho doanh nghiệp thông qua sự hỗ trợ của chính quyền và tự thân doanh nghiệp.

Hàng loạt doanh nghiệp có nguy cơ giải thể
Gần một nửa doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết không dự tính được sẽ đóng cửa trong bao lâu

5 điều doanh nghiệp cần nhất

Một chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vay với lãi suất 1-3%/năm để trả lương là điều mà rất nhiều doanh nghiệp cần hiện nay.

Trong bối cảnh tạm ngừng hoạt động, họ vẫn phải tìm cách giữ chân lao động chờ cơ hội khôi phục sản xuất, kinh doanh, bởi chi phí tuyển dụng lại là rất cao đặc biệt đối với các nhóm nhân sự quản lý, nhân sự chuyên môn kỹ thuật sâu.

Còn các doanh nghiệp đang duy trì sản xuất kinh doanh cũng đang chịu rất nhiều áp lực và chịu nhiều khoản chi phí phát sinh đối với người lao động nhằm duy trì một phần hoạt động, giữ thị trường, giữ khách hàng, không bị phạt hợp đồng.

Bên cạnh đó, có tới 65% doanh nghiệp đang duy trì hoạt động và 60% phải tạm đóng vì Covid-19 cho biết rất cần chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.

Khi chi phí tăng, đặc biệt chi phí lao động, hay chi phí vận chuyển hàng hóa, hay thậm chí chi phí bị phạt hợp đồng do không đảm bảo thời hạn, số lượng hàng hóa, thì nhiều doanh nghiệp có thể cũng “không còn lợi nhuận” và trong trường hợp này không có cơ hội để hưởng lợi từ chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.

Giảm chi phí điện, nước, nhiêu liệu cho hoạt động kinh doanh cũng là điều mà các doanh nghiệp đang cần hiện nay. Các doanh nghiệp cho rằng đây là cách Nhà nước có thể hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả và nhanh nhất, ít bị cản trở bởi các điều kiện khác về sửa đổi luật, hay các điều kiện hành chính đi kèm với các chính sách hỗ trợ khác của Chính phủ trong thời gian qua.

Các doanh nghiệp cũng đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng để có thể giúp giảm giá hàng hóa (giá có cả thuế), tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa, giúp tăng cầu hàng hóa của người dân. Khi cầu hàng hóa tăng thì các doanh nghiệp có thể duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất.

Chính sách thứ năm được cả hai nhóm doanh nghiệp cho là chính sách hỗ trợ có hiệu quả là giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội. Khi tỷ lệ đóng góp này giảm thì góp phần giảm chi phí cho doanh nghiệp, nhưng đồng thời có thể tạo một hướng mới cho doanh nghiệp là dùng tỷ lệ giảm đóng bảo hiểm bắt buộc để có thể đóng góp bảo hiểm tự nguyện cho người lao động, một cách thức góp phần giữ chân người lao động đồng thời mang lại nguồn dự phòng đời sống cho người lao động.