Sáng 7-8, tại buổi họp trực tuyến với Tổ công tác đặc biệt Bộ Công Thương về việc bảo đảm nguồn hàng hóa và hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ở phía Nam, đại diện các hội ngành nghề tại TP HCM cho rằng tiến độ tiêm vắc-xin có thể ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất - kinh doanh.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM, cho biết lương thực - thực phẩm là lĩnh vực quan trọng, cần được ưu tiên tiêm vắc-xin để bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh, duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa thực phẩm cho người dân nhưng đến nay, rất nhiều DN dù đã được Sở Công Thương chuyển danh sách về các địa phương nhưng vẫn chưa được tiêm.

Ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM, cho rằng chỉ có tiêm vắc-xin cho công nhân mới có thể giảm thiểu rủi ro xuất hiện F0 trong các nhà máy đang thực hiện "3 tại chỗ".

"Việc tiêm vắc-xin hiện đang gặp khó khăn do TP quy định đưa danh sách tiêm về địa phương, dẫn tới việc tiêm chưa đồng bộ. Cần có phương án tiêm tập trung thông qua hiệp hội để đẩy nhanh tiến độ" - ông Việt đề xuất.

Lo ảnh hưởng đến sản xuất, doanh nghiệp xin được xã hội hóa việc tiêm vắc-xin - Ảnh 1.

Theo các doanh nghiệp, chỉ có tiêm vắc-xin đồng bộ mới giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro khi xuất hiện F0 trong quá trình thực hiện "3 tại chỗ"

Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội DN Cơ khí - Điện TP HCM, cho biết thêm đa số công nhân đang thực hiện "3 tại chỗ" ở hầu hết DN không được ra ngoài đi tiêm vắc-xin theo tin nhắn thông báo.

"Vì đang "3 tại chỗ" nên không thể cho công nhân ra ngoài đi tiêm. Công nhân có danh sách tiêm ở địa phương, nhận được tin nhắn nhưng không đi tiêm được thì họ rất tâm tư" - ông Tống phản ánh.

"Nên cho phép các hội DN đứng ra làm đầu mối thuê các tổ chức y tế tư nhân có chứng chỉ hành nghề đến DN tiêm vắc-xin cho công nhân, DN sẽ chi trả phần chi phí tiêm phòng này" - ông Tống kiến nghị.

Thanh Nhân