Ban biên tập: truyenthong.cssb@gmail.com
NỔI BẬT

Ngân hàng tư nhân vượt trần vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn

Việc tỷ lệ này đang ở mức cao hơn tới 9% so với quy định mới, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần đang chịu thêm áp lực trong việc cơ cấu lại nguồn vốn và hoạt động cho vay.

Theo thống kê một số chỉ tiêu cơ bản của tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiến hành trong tháng 9, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần là 39%, giảm nhẹ so với cuối tháng trước. Kết quả này tiếp tục cao hơn so với mức trần đang áp dụng cho tới cuối tháng 9 là 34%. 

Thông tư 08 của NHNN quy định trong giai đoạn từ 1/10/2022 đến hết ngày 30/9/2023, các ngân hàng phải duy trì tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là 34%. Kể từ ngày 1/10, mức trần này được hạ xuống chỉ còn 30%.

Trước đó, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của nhóm ngân hàng cổ phần đã tăng vọt trong tháng 8, từ 33,66% lên 39,11%. Dù đã giảm nhẹ trong tháng 9, mức này vẫn khá xa so với mức trần 30% theo quy định.

Việc tỷ lệ này đang ở mức cao có thể khiến nhóm ngân hàng thương mại cổ phần chịu thêm áp lực trong việc cơ cấu lại nguồn vốn và hoạt động cho vay.

Trái lại, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn tại nhóm ngân hàng thương mại nhà nước (bao gồm Agribank, GPBank, OceanBank và CBBank), công ty tài chính và Ngân hàng Hợp tác xã đều được duy trì dưới mức trần mới. Trong tháng 9, tỷ lệ này tại nhóm ngân hàng quốc doanh đã giảm từ 24,97% xuống còn 24,67%.

Để giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, các ngân hàng đã tích cực phát hành trái phiếu, tăng vốn điều lệ để nâng nguồn vốn dài hạn.

Công ty Chứng khoán MB (MBS) ghi nhận tính đến ngày 25/10, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành của nhóm ngân hàng là gần 94.000 tỷ, chiếm tỷ trọng lớn nhất, khoảng 47% giá trị phát hành của toàn thị trường. Các ngân hàng phát hành giá trị lớn nhất có ACB (16.400 tỷ đồng), Techcombank (14.000 tỷ đồng), OCB (11.200 tỷ đồng).

Báo cáo của MBS cho rằng việc các ngân hàng tích cực phát hành trái phiếu trong quý 3 nhằm đáp ứng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ mức 34% xuống 30% theo Thông tư 08/2020.

Các công ty chứng khoán đã dự báo rằng trong ngắn hạn, việc hạ tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ làm chậm quá trình giảm lãi suất cho vay những kỳ hạn dài trong bối cảnh nền kinh tế đang cần được hỗ trợ. Ngoài ra, Thông tư 08 cũng sẽ góp phần làm tăng chi phí vốn và khiến biên lãi ròng (NIM) thu hẹp.