Ban biên tập: truyenthong.cssb@gmail.com
NỔI BẬT

Người lao động chật vật vì bão giá

Hiện nay, giá nhiên liệu đầu vào tăng cao khiến giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm cũng tăng cao. Trước tình trạng trên, người lao động tại các tỉnh phía Nam phải thắt chặt chi tiêu, thậm chí, nhiều người còn tranh thủ “săn” hàng giảm giá, khuyến mãi để giảm chi tiêu hàng ngày xuống mức thấp nhất.

Người lao động phải tranh thủ mua hàng giảm giá tại các phiên chợ giảm giá dành cho công nhân tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Nguyễn Hoàng

Cân đo, đong đếm chi tiêu hàng ngày

Với đồng lương ít ỏi, nhiều công nhân ở tỉnh Bình Dương phải tăng ca, thắt chặt chi tiêu để bám trụ lại trong cơn bão giá. Chị Nguyễn Thị Hoa đang sống cùng gia đình tại khu trọ ở Khu công nghiệp Sóng Thần, tỉnh Bình Dương, trước đây, mỗi tháng thu nhập của chị khoảng 10 triệu đồng. Nhưng từ khi dịch bệnh Covid-19, thu nhập của chị giảm rõ rệt vì công ty không còn tăng ca như trước, thậm chí, có thời điểm chị phải tạm ngưng công việc vì dịch phức tạp.

Tính đến thời điểm hiện tại, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, chị được đi làm tăng ca trở lại, nhưng thu nhập của chị chỉ hơn 8 triệu đồng/tháng. “Mọi chi phí sinh hoạt hiện đang tăng cao, không riêng gì tôi, nhiều công nhân lao động trong các xóm trọ tại Bình Dương cũng đang phải tằn tiện, chắt chiu để tồn tại, chứ bây giờ mà về quê thì cũng không biết làm gì để sống” - chị Hoa chia sẻ.

Đi làm cả ngày tại công ty, chị Nguyễn Thị Hoa chỉ lo bữa tối và bữa sáng. Thỉnh thoảng, chị ăn sáng bên ngoài để thay đổi khẩu vị, nhưng từ khi giá cả tăng cao, chị đã chuyển sang ăn sáng tại nhà. Để tiết kiệm, thắt chặt khoản chi, mỗi bữa tối, chị Nguyễn Thị Hoa nấu nhiều cơm hơn để sáng hôm sau ăn cơm nguội đi làm.

“Ngày trước, tôi chỉ mua 10.000 đồng/kg rau, bây giờ ở chợ đã tăng lên 15.000 đồng/kg, có loại lên 20.000 đồng/kg. Thịt, cá ở cửa hàng quen, tôi hay mua cũng đồng loạt tăng giá, do xăng tăng nên hàng hóa cũng tăng, chỉ mong sao có điều chỉnh giá cả, tăng lương để công nhân bớt chật vật hơn thôi, chứ cứ đà này người lao động lại bỏ hết về quê” - chị Nguyễn Thị Hoa nói.

Tại thành phố (TP) Hồ Chí Minh, nơi có nhiều công nhân nhất Việt Nam, người lao động cũng phải tiết kiệm chi tiêu. Chị Đỗ Thị Mai, ngụ ở Đỗ Xuân Hợp, TP Thủ Đức cho biết: “Từ ngày giá xăng tăng lên thì mọi chi tiêu trong nhà cũng phải bớt lại. Theo đó, khoản đi chợ hàng ngày của hai vợ chồng và hai đứa con tôi chỉ ở mức 100.000 đồng/ngày mới trang trải cho cuộc sống của công nhân ở trọ tại TP Hồ Chí Minh. Nếu mua thịt cá nhiều sẽ hụt tiền mua rau, dầu ăn, đường..., như vậy, sẽ đội lên các chi phí sinh hoạt khác. Vì vậy, mỗi lần đi chợ, tôi đều phải cân đong, đo đếm từng đồng”.

Chị Mai cho biết, tổng thu nhập của hai vợ chồng làm công nhân nhiều lắm thì một tháng được khoảng 13 - 14 triệu đồng, nhưng lại bao gồm hàng loạt khoản phải chi. Trong đó, tiền nhà trọ và các khoản điện, nước ngốn hết gần 3 triệu đồng, hai đứa con nhỏ gửi trường tư loại thấp nhất cũng mất 5 triệu đồng/tháng, rồi tiền sữa cho con một tháng cũng gần 2 triệu đồng. Sau khi chắt bóp chi tiêu, một tháng, hai vợ chồng dư được 2 triệu đồng, phòng khi con cái ốm đau.

“Mấy tháng trước gồng mình vì dịch bệnh, giờ giá hàng hóa tăng cao, chịu không nổi. Tình trạng này kéo dài thì vợ chồng tui tính chuyện về quê để giảm bớt khoản chi như: tiền thuê nhà, tiền cho con đi học...” - chị Mai than thở.

Hỗ trợ tiền thuê nhà trọ

Hiện nay, để hỗ trợ người lao động tiền thuê nhà trọ, các tỉnh phía Nam như: Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh cũng đang tích cực triển khai hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.

Cụ thể, tại tỉnh Bình Dương, ông Hà Minh Trung, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cho biết, để hỗ trợ người lao động trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, Sở cũng phối hợp Sở Tài chính, Ban quản lý khu công nghiệp và các địa phương cùng thực hiện nhanh việc hỗ trợ tiền thuê nhà theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg cho công nhân, lao động thuê nhà. Theo đó, dự kiến, sẽ có 820.000 lao động được hưởng chính sách với tổng số tiền khoảng 1.380 tỉ đồng.

Các đơn vị, doanh nghiệp chăm lo cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn tại các tỉnh phía Nam. Ảnh: Nguyễn Hoàng

Trong khi đó, tại TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết, qua rà soát, có gần 1,2 triệu người lao động trên địa bàn có nhu cầu hỗ trợ tiền thuê nhà, với tổng dự toán là hơn 2.000 tỉ đồng. Trong đó, hơn 987.000 người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp với kinh phí hơn 1.480 tỉ đồng và hơn 205.000 người lao động quay lại thị trường lao động với kinh phí hơn 616 tỉ đồng.

“Theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, người lao động đang làm việc nhận mức hỗ trợ là 500.000 đồng/tháng, tối đa 3 tháng; còn người lao động quay trở lại thị trường lao động được hỗ trợ là 1 triệu đồng/tháng, tối đa 3 tháng. Vì vậy, để hưởng gói hỗ trợ này, người lao động chỉ cần có đơn, chủ nhà trọ xác nhận và gửi cho doanh nghiệp lập danh sách gửi Bảo hiểm xã hội, sau đó gửi cho quận, huyện phê duyệt. Việc xác nhận của chủ nhà trọ là cơ sở để doanh nghiệp lập danh sách. Hiện nay, để đảm bảo đúng tiến độ, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã trình UBND TP Hồ Chí Minh lập 3 đoàn kiểm tra về tiến độ chi trả, tính chính xác của hồ sơ và sự kịp thời khi doanh nghiệp chi trả cho người lao động” - ông Lâm cho biết thêm.

Ngoài ra, để chia sẻ với những khó khăn mà người tiêu dùng đang đối diện, một số hệ thống bán lẻ chủ động mở đợt giảm giá hàng hóa. Giá cả hàng trăm mặt hàng được kéo giảm, giúp người tiêu dùng tiết kiệm chi tiêu.

Ông Nguyễn Trần Phú, Phó Giám đốc Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh nhận định, từ đầu năm đến nay, đã có nhiều mặt hàng tăng giá do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Vì vậy, một số nhà sản xuất cũng đề nghị tăng giá sản phẩm. Theo bảng thống kê, giá bình ổn các mặt hàng tham gia chương trình bình ổn thị trường năm 2022 - 2023 cho thấy, có 10 nhóm hàng đề nghị tăng giá như: dầu ăn (tỷ lệ điều chỉnh 24%), thịt gia cầm điều chỉnh tăng 10 - 27% và trứng gia cầm điều chỉnh tăng từ 5 - 9%...

Tuy nhiên, sau khi làm việc với các đơn vị liên quan, doanh nghiệp sản xuất đã tiếp tục hỗ trợ người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm chất lượng với giá hợp lý nhất so với thị trường nên thống nhất giữ nguyên giá như năm 2021.

Cụ thể, có 6 nhóm hàng giữ nguyên giá như: thịt heo, dầu ăn, gạo, đường, muối, sữa, văn phòng phẩm... để chia sẻ khó khăn với người lao động. Ngoài ra, các doanh nghiệp, nhà bán lẻ còn mang hàng Việt Nam chất lượng cao đến các khu vực có đông công nhân để bán hàng giảm giá, bán hàng 0 đồng để người lao động có thể tiết kiệm chi tiêu trong thời bão giá...

Nguyễn Hoàng