Ban biên tập: truyenthong.cssb@gmail.com
NỔI BẬT

Phá nghẽn từ khâu bảo quản

5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 22,83 tỷ USD, tăng 30,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính đạt 7,78 tỷ USD, tăng 13%. Đặc biệt, cả nước đã xuất khẩu được 2,5 triệu tấn trái cây tươi, bằng 76,2% sản lượng cả năm. Trong đó, nhiều loại trái cây tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu như thanh long, dưa hấu, vải thiều...

Đây là kết quả rất đáng khích lệ trong bối cảnh làn sóng thứ 4 của dịch bệnh Covid-19 đang gây tác động nặng nề đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lưu ý, hầu hết sản phẩm nông sản chỉ mới xuất khẩu ở dạng thô, chưa tới 30% nông sản xuất khẩu thông qua chế biến.

Chế biến là khâu rất quan trọng tạo giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị nông sản từ sản xuất đến người tiêu dùng. Vấn đề này càng cấp thiết đối với Việt Nam khi nhiều loại nông sản xuất khẩu chủ lực có tính chất mùa vụ, dễ gặp khó khăn, áp lực tiêu thụ khi vào mùa vụ thu hoạch. Để hạn chế thiệt hại cho người sản xuất, rất cần một hệ thống logistics bảo quản và các nhà máy chế biến tại các địa phương, khu vực sản xuất tập trung.

Thế nhưng, cả nước chỉ có 48 kho lạnh làm dịch vụ bảo quản nông thủy sản với công suất khoảng 700.000 palet (kệ kê hàng) và hàng nghìn kho lạnh nhỏ với tổng công suất bảo quản ước đạt 2 triệu tấn sản phẩm phục vụ xuất khẩu. Với hệ thống bảo quản nông sản mỏng, năng lực hạn chế, nhất là khu vực đồng bằng sông Cửu Long, việc bảo quản nông sản tươi để tiêu thụ trong nước đang gặp rất nhiều khó khăn, chưa nói đến bảo quản để chế biến xuất khẩu.

Các chuyên gia cho rằng, đây thực sự là “điểm nghẽn” tiêu thụ nông sản. Công nghệ bảo quản và chế biến sâu ở nước ta còn rất hạn chế nên nông sản tươi chỉ giữ được trong thời gian rất ngắn, sau đó mất giá, thậm chí phải bỏ đi. Nếu có công nghệ cao thì việc bảo quản sản phẩm sẽ giữ được độ tươi ngon trong vài tháng.

Thực tế, hàng nông sản chưa tận dụng được kênh tiêu thụ của siêu thị, các trung tâm thương mại vì các nhà vườn hay các hợp tác xã chưa có đủ năng lực bảo quản, sản phẩm không đáp ứng đủ các tiêu chí chất lượng để siêu thị có thể nhập hàng. Nhiều ngành hàng nông nghiệp cũng đang thiếu nhà máy chế biến sâu, khiến nông sản không nâng cao được giá trị gia tăng, thậm chí còn bị ùn ứ vì không tiêu thụ được hết ngay sau khi thu hoạch.

Mặc dù, cả nước có 43.000 doanh nghiệp chế biến, kinh doanh nông lâm thủy sản, trên 7.500 cơ sở chế biến nông lâm thủy sản quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu, trong đó có 67 nhà máy chế biến nông sản lớn hiện đại. Nhưng, khâu chế biến chưa kịp đổi mới, bổ sung các sản phẩm chế biến sâu, có thời gian bảo quản lâu, giá cả phải chăng, phù hợp xu hướng tiêu dùng mới trong bối cảnh dịch bệnh, nên nông sản Việt Nam bị giảm tính cạnh tranh, hàm lượng giá trị gia tăng khá thấp.

Theo kế hoạch, năm 2021, ngành nông nghiệp phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 43-44 tỉ USD, trong đó, sản lượng hoa quả đạt trên 8,3 triệu tấn... Mục tiêu này hoàn toàn khả thi khi cộng đồng doanh nghiệp đang từng bước khắc phục khó khăn, thách thức để thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa đẩy mạnh sản xuất, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Thiết nghĩ, trong các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu nông sản, Chính phủ cần tập trung đầu tư vào nâng cao năng lực hệ thống logistics, kho lạnh bảo quản và nhà máy chế biến sâu theo kịp tốc độ tăng trưởng nhanh của sản xuất nông nghiệp. Bởi, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cộng với đổi mới công nghệ bảo quản và đầu tư chế biến sâu sẽ là “chìa khóa” mở rộng cánh cửa tiêu thụ nông sản và bảo đảm một nền nông nghiệp phát triển bền vững.

Thanh Thảo


  • TAG :