Ban biên tập: truyenthong.cssb@gmail.com
NỔI BẬT

Tăng cường kết nối, đẩy mạnh phát triển kinh tế biên mậu

Tỉnh Bình Phước có đường biên giới tiếp giáp Campuchia khá dài 258,939km và địa phương này đang tiếp tục đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để tạo trục nối từ các trung tâm kinh tế (thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, các tỉnh Tây Nguyên) tới Bình Phước và ra Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư nằm tiếp giáp với Vương quốc Campuchia.

Các nút giao thông sau khi hoàn thành sẽ kết nối Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư với hệ thống cảng biển ở thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Văn Chương

Hỗ trợ bạn về nhiều mặt

Tại xã Lộc Thạnh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước có một cây cầu bắc qua sông nối liền với xã Xờ Re Cha, huyện Snoul, tỉnh Kratie, Vương quốc Campuchia và được đặt tên là cầu Ô Liu. Đây là một trong những cây cầu biên giới, tạo điều kiện cho nhân dân 2 bên đi lại, góp phần cho các hoạt động giao thương trên tuyến biên giới phát triển. Toàn bộ kinh phí xây dựng cây cầu này do tỉnh Bình Phước đầu tư giúp bạn.

Trong những năm qua, hoạt động giao thương biên giới giữa 2 nước chủ yếu là các mặt hàng nông sản. Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Phước đã thường xuyên cấp phép liên vận cho phương tiện vận tải phi thương mại. Cụ thể, năm 2018, cấp 7 giấy phép liên vận Việt Nam - Campuchia, 298 giấy phép liên vận Campuchia - Lào - Việt Nam; năm 2019, cấp 2 giấy phép liên vận Việt Nam - Campuchia và 277 giấy phép liên vận Campuchia - Lào - Việt Nam. Năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Phước không cấp giấy phép liên vận.

Trước thời điểm đại dịch bùng phát, tỉnh Bình Phước đã chỉ đạo ngành du lịch thúc đẩy ngành kinh tế không khói, tổ chức làm việc với Sở Du lịch của tỉnh Kratie, Stung Treng của Vương quốc Campuchia; tỉnh Chăm Pa Sắc, nước bạn Lào; tỉnh Ubon Ratchathani, Vương quốc Thái Lan nhằm trao đổi và tiến tới ký kết du lịch 4 nước Đông Dương. Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19 nên hoạt động du lịch đã tạm dừng và sẽ được xúc tiến trở lại trong thời gian tới.

Một trong những hoạt động nổi bật của tỉnh Bình Phước để hỗ trợ cho người dân nước bạn ở các khu vực giáp biên, đó là năng lượng. Công ty điện lực Việt Nam, chi nhánh Bình Phước đã duy trì việc cung cấp điện lưới cho Công ty điện lực Hoàng gia Campuchia để phục vụ người dân Campuchia ở khu vực biên giới sử dụng và phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế. Theo thống kê, năm 2017, Công ty điện lực Việt Nam, chi nhánh Bình Phước đã cung cấp cho bạn 25,368 triệu kw; năm 2018 là 15,533 triệu kw; năm 2019 là 26,053 triệu kw; năm 2020 là 39,973 triệu kw và năm 2021 là 21,268 triệu kw.

Giao thông - sự kết nối

Trong những ngày cuối tháng 4, con đường dẫn ra khu vực cửa khẩu quốc tế Hoa Lư và những làng mạc gần đó luôn thấp thoáng hình ảnh của những công trường, công trình quy mô, nhất là tuyến đường phía Tây quốc lộ 13 nối với cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, với tổng chiều dài 50km, tốc độ thiết kế cho xe chạy 80 km/giờ. Dự án quốc lộ 13 đi qua 3 huyện Chơn Thành, Hớn Quảng và Lộc Ninh. Sau khi công trình có tổng mức đầu tư 965 tỷ đồng hoàn thành sẽ là một trục xương sống thúc đẩy phát triển vùng, tạo điều kiện cho hàng hóa liên thông từ thành phố Hồ Chí Minh - Bình Dương - Bình Phước, tới cửa khẩu quốc tế Hoa Lư sang Vương quốc Campuchia.

Để tuyến hành lang thương mại từ Campuchia về Bình Phước và đi đến các cảng biển thuận lợi, tỉnh Bình Phước đã xúc tiến đầu tư các dự án cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Chơn Thành - Đắk Nông; dự án xây dựng cầu Mã Đà kết nối đi sân bay Long Thành (tỉnh Đồng Nai), dự án quốc lộ 14C kết nối Đắk Nông với Bình Phước qua Tây Ninh, Long An, quốc lộ 13, 14, tạo mạng lưới giao thông liên hoàn, gắn kết các tỉnh, thành trong khu vực và sang Vương quốc Campuchia; xây dựng tuyến Đồng Phú - Bình Dương; nâng cấp các tuyến giao thông kết nối giữa vùng nguyên liệu với chế biến, tiêu thụ và giữa các khu, cụm công nghiệp với nhau.

Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư được Chính phủ phê duyệt từ năm 2010 hướng đến việc phát triển giao lưu kinh tế, văn hóa, quan hệ chính trị, ngoại giao giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia. Nhìn chung, tốc độ lấp đầy khu kinh tế này diễn ra khá chậm. Theo cáo báo của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Phước, tính tới thời điểm hiện nay, Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư đã được UBND tỉnh đồng ý chủ trương cho 89 nhà đầu tư thuê đất với diện tích khoảng 1.685ha để triển khai thực hiện dự án.

Trong đó, có 86 nhà đầu tư thứ cấp với diện tích 541ha và 3 nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp với diện tích 1.129ha. Nhìn chung, 86 nhà đầu tư thứ cấp được đồng ý chủ trương cho thuê đất tại Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư chủ yếu là hoạt động thu mua các mặt hàng nông sản (mỳ, điều), xây kho lưu trữ hàng hóa và làm sân phơi. Cụ thể, có 77 dự án với diện tích khoảng 388ha sử dụng đất vào mục đích thương mại - dịch vụ và 9 dự án với diện tích khoảng 153ha sử dụng vào mục đích sản xuất kinh doanh.

Thúc đẩy giao thương

Trong quý I-2022, xuất khẩu của tỉnh Bình Phước ước đạt 896 triệu USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 23,3% kế hoạch năm, kinh tế của tỉnh tiếp tục phục hồi, tăng trưởng, tổng thu ngân sách thực hiện 3.231,37 tỷ đồng. Địa phương này xác định các hoạt động xuất khẩu là động lực để thúc đẩy phát triển sản xuất nhằm gia tăng các hoạt động kinh tế biên mậu.

Tỉnh Bình Phước có Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh, thường xuyên đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao nhân dân, thông qua đó, góp phần thúc đẩy sự giao lưu, hiểu biết và phát triển kinh tế. Hội thường xuyên phối hợp với Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia, Trung ương Đoàn Thanh niên Cách mạng Lào và Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam tổ chức diễn đàn “Thanh niên khu vực tam giác phát triển”, với các vấn đề nổi bật: Thanh niên và công nghệ; thanh niên và kỹ năng thế kỷ 21; thanh niên với khởi nghiệp.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Phước có 2 dự án đầu tư sang Campuchia, do nhà đầu tư ở tỉnh Bình Phước thực hiện, có tổng vốn đầu tư gần 90 triệu USD, đó là dự án Đồng Phú - Kratie phát triển cao su; dự án đầu tư 4.300ha cao su tại huyện Snoul, tỉnh Kratie. Trong quá trình đầu tư, các doanh nghiệp đã nhận được nhiều sự hỗ trợ của chính quyền 2 bên trong việc xuất nhập cảnh, giấy đăng ký kinh doanh.?

Năm 2021, các hoạt động thương mại biên giới của Bình Phước rất khả quan. Sản xuất công nghiệp của Bình Phước năm 2021 đã tăng 17,8%, đứng thứ nhất trong khu vực Đông Nam bộ, thứ 5 toàn quốc và là mức tăng cao hơn bình quân của toàn quốc (toàn quốc tăng trên 4%). Bước sang năm 2022, bức tranh kinh tế của địa phương tiếp tục khởi sắc. Thành công đó có được một phần là nhờ vào sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng bảo vệ biên giới của 2 nước Việt Nam - Campuchia, góp phần thúc đẩy kinh tế biên mậu ngày càng phát triển.

Lê Văn Chương