Ban biên tập: truyenthong.cssb@gmail.com
NỔI BẬT

Thúc đẩy thương mại chính ngạch để khai thác hiệu quả thị trường Trung Quốc

Việc vận chuyển hàng hóa lên biên giới để xuất khẩu (XK) sang Trung Quốc theo hình thức tiểu ngạch tại các cặp chợ đường biên đã bộc lộ rất nhiều rủi ro. Không ít lần hàng hóa bị ùn ứ, hư hỏng do hoạt động của các cặp chợ gián đoạn gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp. Trong khi đó, XK chính ngạch luôn có khả năng thông quan thuận lợi hơn rất nhiều. Thực tế cho thấy, XK chính ngạch mới thực sự là hướng đi hiệu quả và bền vững, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

Hiện nay, mỗi ngày, cửa khẩu Tân Thanh (tỉnh Lạng Sơn) thông quan xuất khẩu cho khoảng 170 xe container vận chuyển hàng hóa. Ảnh: Bích Nguyên

Bộ Công thương cho biết, Trung Quốc là thị trường XK lớn thứ 2 của Việt Nam (sau Mỹ) và Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong các nước ASEAN. Đối với nông sản, thủy sản, Trung Quốc là thị trường XK lớn nhất của Việt Nam, bình quân chiếm 28% tổng kim ngạch XK, tốc độ tăng trưởng đạt 8,9%/năm trong giai đoạn 2015-2020.

Còn nhiều cơ hội gia tăng kim ngạch xuất khẩu

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính chung 9 tháng của năm 2021, kim ngạch XK nông, lâm, thủy sản ước đạt 35,5 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, XK sang Trung Quốc đạt gần 6,8 tỉ USD.

Bộ Công thương dự báo, Trung Quốc vẫn là thị trường tiềm năng, còn nhiều dư địa để khai thác. Hiện nay, nhập khẩu nông sản, thủy sản của Trung Quốc chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch thương mại nông sản, thủy sản toàn cầu, với tốc độ tăng trưởng nhập khẩu bình quân 8,8%/năm. Với dân số hơn 1,4 tỷ người, chiếm 18,7% tổng dân số toàn thế giới, nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm nông sản, thủy sản của Trung Quốc là rất lớn và đa dạng, phong phú.

Tận dụng lợi thế từ Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc với mức thuế quan giảm về 0% đối với 8.000 dòng sản phẩm, cùng với những lợi thế về địa lý, đa dạng sản phẩm, thời gian tới, Việt Nam còn dư địa tăng trưởng XK vào Trung Quốc. Hơn nữa, 32 tỉnh, thành phố của Trung Quốc đều có nhu cầu khác nhau đối với từng loại sản phẩm cụ thể. Mỗi địa phương với dân số lớn có thể coi là một “thị trường” riêng lẻ như Sơn Đông (trên 90 triệu người), Hà Nam (hơn 90 triệu người), Quảng Đông (hơn 104 triệu người), Tứ Xuyên (80,4 triệu người), Hà Bắc (gần 72 triệu người)...

Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc đã hồi phục và đạt được kết quả tích cực khi kiểm soát tốt dịch bệnh. Dự báo, nhu cầu của thị trường này đối với hàng hóa nói chung và nông sản, thủy sản nói riêng vẫn tiếp tục tăng cao. Đặc biệt, xuất khẩu hàng rau quả trong các tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 có nhiều triển vọng tăng trưởng nhờ nhu cầu tăng từ thị trường Trung Quốc trong thời điểm mùa lễ hội và dịp Tết Nguyên đán.

Thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch để khai thác hiệu quả

Những năm qua, Trung Quốc duy trì chế độ ưu đãi cho hình thức trao đổi cư dân qua các cặp chợ biên giới (miễn thuế VAT cho các giao dịch cư dân không quá 8.000 nhân dân tệ/người/ngày) nên tại khu vực biên giới Việt - Trung, hình thành việc gom tiêu chuẩn của cư dân để buôn bán lớn qua các cặp chợ. Hàng hóa trao đổi theo hình thức này chủ yếu xuất qua các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới để vào các chợ đường biên.

Do chỉ là hàng hóa "trao đổi cư dân", không phải là hàng hóa XK theo hợp đồng với quy cách và điều kiện giao hàng rõ ràng nên việc quản lý cũng không theo thông lệ quốc tế. Chợ có thể đóng, có thể mở, hàng hóa thì lúc cho đi ban ngày, lúc cho đi ban đêm tùy thuộc vào hoàn cảnh của chợ dẫn đến bị động và rủi ro cho các thương nhân Việt Nam XK theo hình thức này, nhất là với các sản phẩm có tính mùa vụ cao như trái cây tươi. Trong bối cảnh cả hai bên cùng tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, bất cập của hình thức "trao đổi cư dân" còn thể hiện rõ hơn nữa. Tình trạng tồn đọng, ùn ứ cục bộ hàng hóa, phương tiện tại các cửa khẩu biên giới thường xuyên xảy ra ở cả hai bên biên giới.

Để khắc phục trình trạng trên, giảm rủi ro cho doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 21-9-2021 về việc thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và XK nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19. Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công thương thúc đẩy mở cửa thị trường XK nông sản chính ngạch sang Trung Quốc.

Để khai thác hiệu quả thị trường Trung Quốc, Bộ Công thương cho biết sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương vùng trồng nông sản, trái cây trọng điểm chủ động kết nối, mời các doanh nghiệp nước ngoài ký kết hợp đồng với doanh nghiệp trong nước, chủ động trong công tác tổ chức sản xuất, XK các loại trái cây.

Bộ Công thương đề nghị Hải quan các cửa khẩu biên giới phía Bắc công bố kịp thời thông tin thống kê chi tiết XK qua từng cửa khẩu biên giới, đặc biệt đối với các mặt hàng vào chính vụ thu hoạch, các thời điểm phát sinh tình trạng tồn đọng, ùn ứ hàng hóa, phương tiện tại cửa khẩu để giúp cho các tỉnh biên giới, các bộ, ngành liên quan cùng biết để phối hợp điều hành, quản lý. Đồng thời, tập trung tổ chức phân luồng thông quan đối với từng mặt hàng, nhóm mặt hàng theo từng cửa khẩu, thực hiện luồng xanh ưu tiên đối với nông sản khi đến thời điểm thu hoạch chính vụ; đẩy mạnh thông quan điện tử, tạo thuận lợi trong kiểm tra, giám sát thông quan đối với nông sản XK chính ngạch sang Trung Quốc.

Bộ Công thương cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư ưu tiên bố trí, phân bổ vốn đầu tư kết cấu hạ tầng cho khu vực biên giới, bao gồm đường giao thông, hạ tầng thương mại biên giới, khu kinh tế cửa khẩu, nâng cấp và mở mới các cặp cửa khẩu.

Về phía các địa phương, cần phải tổ chức lại sản xuất, đảm bảo nguồn hàng có chất lượng, truy xuất được nguồn gốc, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm; có kế hoạch chuyển mạnh sang XK chính ngạch, giảm dần giao thương theo hình thức tiểu ngạch để hạn chế tối đa rủi ro từ thị trường.

Bích Nguyên