Ban biên tập: truyenthong.cssb@gmail.com
NỔI BẬT

Tiền ảo không phải tiền pháp quy

Vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã thay mặt Chính phủ có tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của dư luận là những quy định mới về quản lý hoạt động kinh doanh trên nền tảng số và cung ứng dịch vụ tài sản ảo, tiền ảo trong phòng, chống rửa tiền.

Ảnh: minh họa

Theo các chuyên gia ngân hàng, nguy cơ rửa tiền ở Việt Nam được đánh giá ở mức độ trung bình nhưng thực trạng lại khá phức tạp vì tội phạm về rửa tiền ngày càng tinh vi, số lượng tiền ngày càng lớn, quy mô lan rộng và rất khó kiểm soát, tác động bất lợi, bất ổn đến an sinh xã hội.

Ngân hàng, bất động sản và chứng khoán nằm trong nhóm nguy cơ rửa tiền cao nhất được tội phạm lựa chọn để hợp pháp hóa các khoản thu bất chính. Vì đa số đối tượng rửa tiền tại Việt Nam liên quan đến tham ô, tham nhũng và tội phạm có tổ chức dùng cách chuyển tiền vào các lĩnh vực trên để hợp pháp số tiền đã nhận hối lộ, buôn lậu, trốn thuế... Trong khi việc thanh toán tiền mặt đối với các giao dịch tại Việt Nam vẫn còn khá phổ biến đang làm gia tăng nguy cơ rửa tiền qua lĩnh vực này.

Thực tế, sau hơn 8 năm triển khai thực hiện Luật Phòng, chống rửa tiền và các văn bản hướng dẫn hiện hành đang bộc lộ những bất cập, hạn chế trong phòng, chống loại tội phạm này. Bởi điều chỉnh của pháp luật hiện hành về phòng, chống rửa tiền mới quy định 2 nhóm đối tượng là các tổ chức tài chính và các tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính liên quan, mà chưa bao quát được các hoạt động mới phát sinh liên quan đến hoạt động kinh doanh, giao dịch trên nền tảng số.

Hiện nay, hoạt động kinh doanh, giao dịch, mua bán tiền ảo, tài sản ảo diễn ra sôi động và đang tạo ra các cơn sốt trên các sàn giao dịch ảo trong thời gian qua. Ước tính có khoảng 1 triệu người sở hữu và tham gia giao dịch tài sản mã hóa với số tiền giao dịch hằng ngày khoảng 200 - 300 tỷ đồng. Trong khi đó, các hoạt động phát hành, mua bán, trao đổi tiền ảo, tài sản ảo trên các các sàn giao dịch hiện vẫn đang nằm ngoài sự điều chỉnh, quản lý của pháp luật.

Ngân hàng Nhà nước cảnh báo Bitcoin và nhiều loại tiền ảo khác không phải tiền pháp quy, không phải tiền điện tử và càng không phải tiền thanh toán hợp pháp tại Việt Nam nhưng những giao dịch ngầm vẫn diễn ra hằng ngày mà chúng ta không kiểm soát được.

Tội phạm công nghệ tạo lập ra nhiều sàn giao dịch các loại tiền điện tử hoạt động theo mô hình đa cấp như: Onecoin, Bitcoin, ILcoin, Gemcoin... để thu hút các nhà đầu tư nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc dùng tiền điện tử để rửa tiền qua mua bán những tài sản có giá trị cao như bất động sản, vàng.

Ngoài ra, trên thị trường có khoảng 100 công ty cung cấp dịch vụ cho vay trực tuyến (P2P lending), cho phép người cho vay và người vay tiền giao dịch trực tiếp trên nền tảng internet mà không thông qua ngân hàng hoặc các tổ chức trung gian tài chính khác. Cũng giống như lĩnh vực tiền ảo, tài sản ảo, pháp luật Việt Nam hiện nay chưa có quy định chặt chẽ về hoạt động cho vay trực tuyến nhưng cũng không có quy định cấm đối với hoạt động này.

Do đó, dư luận đồng tình cao với việc dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) bổ sung dịch vụ trung gian thanh toán; dịch vụ kinh doanh tiền ảo, tài sản ảo; dịch vụ cho vay online; dịch vụ cầm đồ vào danh sách đối tượng phải báo cáo theo quy định, góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm về rửa tiền.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị, để phòng, chống rửa tiền qua các loại tiền ảo, cần phải bổ sung thêm các chế tài xử lý đối với tội phạm công nghệ cao và các hoạt động thương mại liên quan đến những đồng tiền này. Đồng thời, bổ sung trách nhiệm của các bộ, ngành trong công tác phòng, chống rửa tiền nói riêng và phòng, chống tham nhũng nói chung.

Hoàng Lâm